Thị trường xuất bản chuyển hướng

Dịch bệnh COVID-19 với những diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội, ngành xuất bản cũng không phải là ngoại lệ. Song, đây cũng là cơ hội để các đơn vị xuất bản thay đổi, hướng đến thị trường online.

 

Thị trường sách online tăng
 
Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành, tính đến thời điểm cuối tháng 3/2020, hoạt động xuất bản nói chung, đặc biệt thị trường phát hành sách truyền thống-hệ thống cửa hàng bán lẻ gặp nhiều khó khăn. Doanh thu các đơn vị phát hành sách truyền thống giảm mạnh, nhất là ở 2 thị trường lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, giảm khoảng 30-40% so với cùng kỳ và dự kiến tiếp tục giảm sâu trong tháng 4 năm 2020.
 
Do dịch COVID-19, một loạt các hội sách quốc tế đã bị hủy bỏ như London Bookfair, Bologna Book Fair, Thailand BookFair… đồng nghĩa với việc tất cả các cuộc gặp bị hủy, các giao dịch cũng được lùi lịch vô thời hạn. Bên cạnh đó, trong nước, việc nhiều hoạt động hội chợ, triển lãm dự kiến diễn ra trong dịp Ngày sách Việt Nam 21/4 bị hủy hoặc chuyển hình thức tổ chức cũng làm các nhà xuất bản, các công ty sách, nhà sách, các đơn vị phát hành mất nguồn thu lớn.
 
20200421-l10.jpg
 
Thị trường sách online tăng mạnh  
 
Nguồn cung bản thảo cũng bị ảnh hưởng khi thế giới đang phải vất vả đối phó với đại dịch, nhiều công ty phải đóng cửa, hủy hợp đồng tác động không nhỏ đến thị trường mua bán bản quyền. Thống kê hết tháng 3 tháng đầu năm, lượng nộp lưu chiểu giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Thế nhưng, trong điều kiện hạn chế tụ tập đông người để phòng tránh dịch COVID-19, nhiều “kênh” thưởng thức, vui chơi, giải trí cộng đồng đã bị “đóng băng”, thị trường sách online lại sôi động hơn với lượt mua tăng vọt cho nhiều đầu sách. Trong đó, sách về y tế và sách thường thức gia đình đang được tìm kiếm bởi nhiều người dùng trên các trang thương mại điện tử.
Theo ghi nhận của Tiki (đơn vị lớn nhất trong bán sách online hiện nay), trong 2 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ tăng trưởng mặt hàng sách online tăng 150% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số đơn vị khác như Fahasa, Alfabook, Nhã Nam, Thái Hà book đều ghi nhận sự tăng trưởng này với mức từ 20% đến 30%, thậm chí Phương Nam Book tăng trên 70%. Sự tăng trưởng của phát hành sách online ít nhiều bù đắp một phần doanh thu, giúp cho các đơn vị duy trì hoạt động. Tuy nhiên, tổng doanh thu của nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách vẫn giảm mạnh. Chị Trần Phương Thảo, Giám đốc Thái Hà book cho biết: Từ đầu mùa dịch, tức từ Tết Nguyên đán đến khoảng đầu tháng 3, các đơn hàng offline giảm mạnh khoảng 60% và các đơn hàng online thì tăng khoảng 15%, tuy nhiên kể từ khi bước vào giai đoạn hai của dịch COVID - 19 (từ 6/3/2020) thì gần như chúng tôi không phát sinh các đơn hàng từ các hiệu sách offline, các đơn hàng online có dấu hiệu giảm vì bản thân người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiết để phục vụ cho nhu yếu phẩm, các đơn vị vận chuyển cũng hạn chế giao hàng đến những khu vực bị cách ly. Nếu tính trên tổng quy mô thì doanh thu của chúng tôi sụt giảm khoảng 40% trong tháng 3 và dự kiến sẽ giảm tiếp ở mức 60-80% trong các tháng 4, tháng 5 và tháng 6.
 
Thời cơ chuyển hướng thị trường
 
Mặc dù, hiện nay đang là thời cơ để phát triển thị trường sách online nhưng qui mô, tiềm lực của ngành xuất bản còn nhỏ bé, những khó khăn trước mắt do thị trường bán sách truyền thống bị thu hẹp và đặc biệt khó khăn lâu dài khi sức mua giảm sâu do tăng trưởng kinh tế thấp. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng mạnh của thị trường phát hành sách online chưa đủ bù đắp được sự tụt giảm sâu của thị trường phát hành sách truyền thống do phát hành sách truyền thống vẫn chiếm trên 50% thị phần ở hầu hết các doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp chuyên phát hành sách online). Tuy nhiên, sách online vẫn đang được coi là giải pháp vực dậy thị trường sách sau khủng hoảng dịch COVID-19.
 
Chính vì vậy, các doanh nghiệp trước đây chưa quan tâm đến mảng phát hành online buộc phải chuyển hướng, phát triển mạng lưới bán hàng online nhằm đối phó với sự sụt giảm thị trường....
 
Để phục vụ nhu cầu mua sách trực tuyến ngày một tăng, nhiều đơn vị in ấn và phân phối sách như Nhà sách Phương Nam, Fahasa đã xây dựng nhiều chương trình bán hàng trực tuyến. Nhà xuất bản Giáo dục cũng phát hành ấn phẩm điện tử của 4 bộ sách giáo khoa lớp 1 nhằm đáp ứng nhu cầu học tại nhà của học sinh. Nhà xuất bản Phụ nữ đã tổ chức chương trình “Đọc đi cho khỏe - Hội sách online chào mừng ngày 8/3” với chính sách giảm giá sâu. Với hoạt động thường niên “Tháng 3 sách Trẻ”, nhà xuất bản Trẻ kết hợp với một số sàn thương mại điện tử nhằm mang đến các chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu cho bạn đọc. Để giúp khách hàng không mua phải sách lậu, sách giả.
 
20200421-l11.jpg
 
Với ưu điểm mua sách có giá chiết khấu cao và được giao hàng đến tận nhà, mua sách online đang là lựa chọn của nhiều người
 
Các nhà xuất bản, phân phối sách cũng tăng cường quảng bá về các website, các trang fanpage chính thức trên mạng xã hội, đồng thời tổ chức một cuộc thi viết và chụp ảnh sách… để thu hút bạn đọc. Các đơn vị kinh doanh sách, đặc biệt là các nhà sách trực tuyến, cũng tăng cường thu hút khách đến với chương trình giảm giá online.
 
Hiện, một số đơn vị xuất bản, đặc biệt là các thương hiệu sách tư nhân đã và đang làm rất tốt các kênh quảng bá online với sự cập nhật liên tục của các trang fanpage trên mạng xã hội cùng nhiều hoạt động livestream giới thiệu sách, giao lưu tác giả - bạn đọc. Công ty sách Thái Hà bắt đầu thực hiện hình thức livestream giới thiệu sách, giao lưu tác giả - bạn đọc nhiều hơn từ đầu năm 2019, và đến nay hình thức này được thực hiện thường xuyên hơn. Chị Trần Phương Thảo, cho biết: Chúng tôi thấy hình thức này rất hiệu quả vì có khả năng chia sẻ thông điệp tới nhiều độc giả hơn, vượt không gian và có nhiều độc giả Việt ở nước ngoài cũng có thể tiếp cận, ngoài ra độc giả có thể xem lại nếu muốn. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện tại, tôi cho rằng đây là hình thức tối ưu nhất để giới thiệu tới độc giả về những đầu sách mới. Cho đến nay, trung bình mỗi tháng chúng tôi sẽ có ít nhất 1 chương trình livestream để giới thiệu sách tới độc giả, giao lưu với tác giả hay các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau (dịch thuật, kinh doanh, bản quyền...).
 
Các chương trình livestream, hoạt động quảng cáo trên fanpage không chỉ là phương thức bán hàng nhất thời để tránh dịch COVID-19, nếu biết cách tận dụng và phát triển thì đây sẽ là một kênh quan trọng và hiệu quả để các đơn vị xuất bản thu hút, giữ chân bạn đọc ở lại với mình.
 
Sách online không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân; khơi dậy tình yêu, thói quen đọc sách ngay trong những ngày cả nước phòng chống dịch COVID-19 mà còn giúp các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành sách mở ra hướng đi mới, đột phá phát triển thị trường sách; tạo bước tiến quan trọng giúp ngành xuất bản bước vào ngành kinh tế số chủ động./.