Ứng dụng CNTT kém: Giảm khả năng tiếp cận thông tin của dân

Một trong những nội dung đặc biệt quan trọng trong Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT là xây dựng mô hình chính quyền điện tử, chính phủ điện tử với các hệ thống kết nối liên thông thông tin dữ liệu đa chiều. Tuy nhiên, nhìn vào chương trình, kế hoạch phát triển ứng dụng CNTT của phần lớn các địa phương đến năm 2015 đều thấy chưa thực hiện được việc kết nối liên thông dữ liệu đến cấp xã. Đây chính là một nguyên nhân làm hạn chế khả năng tiếp cận thông tin của người dân

img
 
Người dân vẫn khó tiếp cận thông tin
Chia sẻ kết quả nghiên cứu của Dự án điều tra cơ bản “Nhu cầu tiếp cận thông tin và các điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, tổ chức” vừa được thực hiện với sự hỗ trợ của UNDP, TS. Dương Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cho biết rất nhiều người dân, doanh nghiệp vẫn cho rằng khó tiếp cận, thậm chí không thể tiếp cận những thông tin được cung cấp từ các cơ quan Nhà nước (CQNN), kể cả những thông tin buộc phải công khai theo quy định của pháp luật.
 
Đơn cử, thông tin về các thủ tục hành chính vốn dĩ bắt buộc phải được công khai theo đề án lớn của Chính phủ, nhưng vẫn còn 25% đối tượng tham gia khảo sát nói khó tiếp cận các thủ tục hành chính vì nhiều lý do. “Một số CQNN đã áp dụng CNTT - có màn hình cảm ứng để người dân chỉ cần chạm vào là có thể tra cứu được thủ tục hành chính, song số lượng cơ quan như vậy còn ít. Nhiều UBND xã, phường niêm yết công khai các bộ thủ tục hành chính nhưng treo rất cao, người dân không thể ngước lên để đọc được. Ngoài ra, thủ tục hành chính của mỗi lĩnh vực lại dày hàng chục trang, khó có thể giở ra để đọc được”, TS. Dương Thanh Mai dẫn chứng.
 
Cũng theo TS. Dương Thanh Mai, người dân, doanh nghiệp đang có nhu cầu rất lớn về thông tin thuộc các lĩnh vực như đất đai, xây dựng, vệ sinh an toàn thực phẩm… Thế nhưng hoạt động công khai thông tin của các CQNN vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của cá nhân, tổ chức. Các hình thức cung cấp thông tin hiện đại như cổng/trang thông tin điện tử nhìn chung chưa đạt hiệu quả như mong muốn do thông tin nghèo nàn, chung chung, có tính một chiều, chậm cập nhật, còn nhiều vùng cấm… Có khi người dân muốn được cung cấp thông tin theo hình thức qua Internet nhưng CQNN chỉ chấp thuận cung cấp thông tin tại trụ sở hoặc qua bưu điện.
 
Đáng chú ý, việc quản lý thông tin đa phần được các CQNN thực hiện thủ công, chủ yếu bằng giấy. Thông tin trong từng cơ quan được lưu giữ, xử lý phân tán giữa các bộ phận, không có đầu mối chịu trách nhiệm cung cấp thông tin cho người dân. Nhìn vào chương trình, kế hoạch về phát triển ứng dụng CNTT của các địa phương, cũng như các chương trình xây dựng chính quyền điện tử địa phương thì thấy phần lớn các tỉnh, thành phố đến năm 2015 vẫn chưa thực hiện được việc kết nối đến cấp xã để đảm bảo cung cấp thông tin từ chính quyền cấp xã đến người dân bằng phương thức điện tử.
 
Cần tăng cường ứng dụng CNTT
Khuyến nghị giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận thông tin cho người dân, đại diện cho nhóm nghiên cứu dự án, TS. Dương Thanh Mai cho rằng, các CQNN cần phải tăng cường, đẩy nhanh ứng dụng CNTT trong hoạt động cung cấp thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu thông tin của mỗi CQNN, xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, công dân và doanh nghiệp điện tử.
 
Tuy nhiên, trao đổi thêm với Báo BĐVN, TS. Dương Thanh Mai lưu ý tới việc cần phải tính đến hiện trạng cụ thể của từng vùng miền chứ không thể áp dụng đại trà, đồng loạt việc ứng dụng CNTT tăng khả năng tiếp cận thông tin cho người dân bởi hạ tầng CNTT của mỗi nơi mỗi khác, khả năng sử dụng CNTT để tiếp cận thông tin của người dân cũng khác. “Đã có những địa phương miền núi như Lào Cai quan tâm đầu tư thích đáng cho ứng dụng CNTT, hiện đã có hệ thống kết nối thông tin đến cấp xã. Song người dân ở đó vẫn chưa thực sự nhận thức được quyền tiếp cận thông tin của mình. Dù tại địa phương cũng có điểm truy cập Internet nhưng hầu hết người dân không thể sử dụng phương tiện hiện đại này để truy cập thông tin”, TS. Dương Thanh Mai chia sẻ.
 
Việc tăng khả năng tiếp cận thông tin cho người dân sẽ góp phần tạo dựng nên một môi trường thông tin công khai, minh bạch, tăng năng lực cạnh tranh cho quốc gia. Qua đó, Việt Nam sẽ không chỉ là một quốc gia mạnh về CNTT-TT mà còn là một quốc gia mạnh bằng CNTT-TT.
 
Hội thảo về dự án Luật Tiếp cận thông tin vừa được Bộ Tư pháp và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức tại Hà Nội ngày trong 2 ngày 15 – 16/12/2014 tại Hà Nội. Theo Dự thảo Luật tiếp cận thông tin do Bộ Tư pháp soạn thảo, các cơ quan Nhà nước phải công bố trên trang thông tin điện tử của mình những thông tin sau: văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung do cơ quan ban hành; dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được công bố theo quy định của pháp luật; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, sơ đồ tổ chức của cơ quan và đơn vị trực thuộc; thủ tục hành chính và quy trình giải quyết công việc của cơ quan; nội quy, quy chế do cơ quan ban hành, địa chỉ, số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử để liên hệ yêu cầu cung cấp thông tin; chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của cơ quan…
 
Nguồn: (theo ictnews.vn)