Doanh nghiệp sẽ được tự xác định hoạt động sản xuất nội dung số
Theo dự thảo Thông tư về Danh mục và quy định việc xác định hoạt động sản xuất sản phẩm nội dung số, căn cứ vào quy trình do cơ quan quản lý quy định, doanh nghiệp tự xác định hoạt động sản xuất sản phẩm nội dung số của mình.
Dự thảo Thông tư về Danh mục và quy định việc xác định hoạt động sản xuất sản phẩm nội dung số đang được Bộ TT&TT đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ tại địa chỉ mic.gov.vn để lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Dự kiến sẽ được ban hành trong quý I/2015, mục đích của Thông tư này là nhằm thống nhất quy trình sản xuất sản phẩm nội dung số và nguyên tắc xác định hoạt động sản xuất sản phẩm nội dung số, phục vụ cho việc quản lý nhà nước về công nghiệp nội dung số, là căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền xem xét việc áp dụng các chính sách thuế và các chính sách ưu đãi khác.
Theo dự thảo Thông tư này, Danh mục một số sản phẩm nội dung số gồm có 47 sản phẩm nội dung số được thuộc 9 nhóm: sản phẩm số phục vụ giáo dục; Sách điện tử, tài liệu điện tử, số hóa; Sản phẩm quảng cáo điện tử, số hóa; Các loại trò chơi điện tử; Sản phẩm giải trí trên mạng viễn thông di động và cố định; Thư viện số, kho dữ liệu số; Ảnh số, nhạc số, phim số; Sản phẩm số hóa; và các sản phẩm nội dung số khác.
Dự thảo Thông tư quy định rõ, quy trình sản xuất sản phẩm nội dung số gồm 8 công đoạn với những tác nghiệp tương ứng, đó là: Khảo sát, xác định yêu cầu (1); Phân tích và thiết kế (2); Thu thập thông tin, dữ liệu, nội dung cho sản phẩm (3); Lập trình, tạo dựng hình ảnh, âm thanh, xây dựng sản phẩm (4); Kiểm tra, thử nghiệm sản phẩm (5); Đóng gói và hoàn thiện sản phẩm (6); Hướng dẫn, chuyển giao, bảo trì, bảo hành sản phẩm (7); Hướng dẫn, chuyển giao, bảo trì, bảo hành sản phẩm (8).
Cũng theo dự thảo Thông tư, một hoạt động được xác định là hoạt động sản xuất sản phẩm nội dung số khi đáp ứng được các yêu cầu chung và các tiêu chí cụ thể.
Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất nội dung số phải đáp ứng 2 yêu cầu chung: thứ nhất, tổ chức, doanh nghiệp thì phải có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư hoặc văn bản quy định về chức năng nhiệm vụ do người có thẩm quyền cấp; còn với cá nhân, phải có mã số thuế cá nhân, có kế khai thuế trong đó ghi rõ phần thu nhập từ hoạt động sản xuất sản phẩm nội dung dung số; thứ hai, sản phẩm nội dung số do cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất phải thuộc một trong các loại sản phẩm nội dung số được quy định trong Danh mục sản phẩm nội dung số được ban hành kèm theo Thông tư.
Về các tiêu chí cụ thể, dự thảo Thông tư nêu rõ, tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân có hoạt động gồm một hoặc nhiều công đoạn trong các công đoạn từ công đoạn 2 đến công đoạn 5 của quy trình sản xuất đối với sản phẩm có trong Danh mục một số sản phẩm nội dung số do Bộ TT&TT quy định thì được xác định là hoạt động sản xuất sản phẩm nội dung số.
Tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân có hoạt động thỏa mãn tiêu chí cụ thể nêu trên và có thêm các hoạt động nêu tại công đoạn 1 hoặc công đoạn 6 của quy trình sản xuất đối với cùng sản phẩm nội dung số thì các hoạt động nêu tại công đoạn 1, công đoạn 6 này đối với cùng sản phẩm nội dung số đó cũng được xác định là hoạt động sản xuất sản phẩm nội dung số.
Đồng thời, tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân có hoạt động thuộc đầy đủ cả 6 công đoạn từ 1 - 6 của quy trình sản xuất với cùng một sản phẩm nội dung số, thì hoạt động ở công đoạn 7 đối với sản phẩm nội dung số đó cũng được xác định là hoạt động sản xuất sản phẩm nội dung số.
Dự thảo Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động liên quan đến hoạt động sản xuất sản phẩm nội dung số. Cụ thể, bên cạnh việc phải tự chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ khai báo liên quan cũng như việc xác định hoạt động sản xuất sản phẩm nội dung số của mình, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân phải đảm bảo các hoạt động sản xuất sản phẩm nội dung số và các sản phẩm nội dung số của mình không vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật liên quan khác.
Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về ứng dụng, phát triển CNTT đã được Bộ Chính trị xác định là 1 trong 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT trong giai đoạn phát triển mới. Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế đã chỉ rõ, giai đoạn tới cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến ứng dụng, phát triển CNTT phù hợp với xu thế phát triển, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thuận lợi, minh bạch, công khai, bình đẳng; bảo đảm an toàn, an ninh của các hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia. Đồng thời, cần rà soát, hoàn thiện và bổ sung quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành, hệ thống chỉ tiêu đánh giá mức độ và hiệu quả ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công và doanh nghiệp nhà nước.
Trên thực tế, công tác xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của ngành TT&TT nói chung và lĩnh vực CNTT nói riêng luôn được Bộ TT&TT xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Báo cáo tổng kết công tác năm 2014 cho hay, năm 2014 là năm có số lượng đề án do Bộ này xây dựng, tham mưu được Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều nhất từ trước đến nay với 21 đề án. Bên cạnh đó, trong năm qua, Bộ TT&TT cũng đã tích cực chỉ đạo công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành theo thẩm quyền nhằm hướng dẫn và cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân hoạt động trong lĩnh vực TT&TT. Trong năm 2014 Bộ đã ban hành 20 thông tư và phối hợp ban hành 2 thông tư liên tịch.
Nguồn: (theo ictnews.vn)