Nhìn lại gần 3 năm thực hiện, đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020” tại Bắc Ninh
Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai tại khắp các địa phương trong toàn tỉnh Bắc Ninh từ năm 2011. Nhìn lại gần 3 năm thực hiện, đề án đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc.
Tháng 4 năm 2011, UBND tỉnh phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020” với mục tiêu đào tạo nghề cho 12 nghìn lao động/năm, trong đó 85% có việc làm. Sau gần 3 năm, nhiều mục tiêu của đề án cơ bản đã hoàn thành với gần 30 nghìn lao động nông thôn được đào tạo và 70% có việc làm sau khi học nghề. Những kết quả trên xuất phát từ việc thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức, tuyên truyền, tư vấn học nghề.
Nhiều mô hình thí điểm được tổ chức thành công. Tiêu biểu là mô hình kỹ thuật trồng nấm ở Gia Bình. Từ 2 lớp học với 70 học viên ban đầu, mô hình đã nhân rộng ra các xã trong huyện và 4 huyện khác (Lương Tài, Thuận Thành, Yên Phong, Quế Võ) với gần 1200 học viên, tỷ lệ người có việc làm 75%, mức thu nhập bình quân ổn định từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng/tháng.
Các trung tâm dạy nghề cũng thường xuyên được đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng nhu cầu dạy và học. Hiện 8/8 huyện, thị xã, thành phố đều có trung tâm dạy nghề, trường trung cấp công lập; nhiều nghề đào tạo mới được tăng cường, quy mô đào tạo mở rộng, chất lượng đào tạo nâng cao. Tất cả đã góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn, giải quyết việc làm tại chỗ, phát triển kinh tế, ổn định an ninh chính trị tại địa phương.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả song công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn tồn tại hạn chế. Khảo sát tại nhiều địa phương cho thấy chương trình dạy nghề được xây dựng khá phong phú với các nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp, cơ khí, điện dân dụng… nhưng một số nghề chưa thực sự gắn bó với người học.
Đơn cử như nghề thêu vốn là một nghề đề cao sự tỷ mỉ, tinh xảo nên việc học cũng cần nhiều thời gian hơn các nghề khác. Nếu chỉ được đào tạo ngắn trong 3 tháng thì không thể thành nghề được. Hay như nghề trồng nấm, dễ học, dễ thực hiện, hiệu quả kinh tế cao nhưng với những hộ dân nghèo không có vốn thì rất khó để tự tổ chức sản xuất tại gia đình.
Bên cạnh đó, rất nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại được đầu tư phục vụ công tác đào tạo các nghề như: Điện dân dụng, điện tử, điện lạnh, hàn, cơ khí, sửa chữa xe máy… chưa thực sự phát huy hiệu quả khai thác vì không tuyển sinh được học viên hoặc chưa có xưởng thực hành. Trình độ chuyên môn của cán bộ, giáo viên ở nhiều trung tâm dạy nghề còn hạn chế, nhiều người dân chưa hiểu rõ được tầm quan trọng của việc học nghề dẫn đến tình trạng ý thức học chưa cao, đi học không đầy đủ...
Thêm vào đó là tâm lý bằng mọi giá phải cho con cái học tại các trường Đại học, Cao đẳng của các gia đình nên việc tuyển sinh ở các trường nghề đặc biệt là hệ trung cấp đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều sinh viên sau khi ra trường thất nghiệp trong khi nhu cầu tuyển dụng thợ có tay nghề của các doanh nghiệp lại rất cao. Đây là một thực tế đáng báo động và đang ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác dạy nghề nhiều năm trở lại đây.