Đẩy mạnh chuyển đổi số trong đồng bào dân tộc thiểu số

Trong những năm gần đây, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin là xu hướng chung của toàn xã hội. Tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc chuyển đổi số đang được đẩy mạnh, thông qua các lớp tập huấn, hướng dẫn, để đồng bào không đứng ngoài xu thế này.

20232009-duy22.jpg

Ảnh minh họa

Chuyển đổi số là một nhiệm vụ trọng yếu, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS & MN), cụ thể là triển khai thực hiện Tiểu dự án 2 thuộc dự án 10: Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS & MN.

Chuyển đổi số là sự phát triển tiếp theo của ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhưng là sự phát triển đột phá, bởi nó đưa mọi hoạt động lên môi trường số. Vì vậy, chuyển đổi số sẽ giúp các chính sách tiếp cận tới từng đồng bào ở từng khu vực một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Tích cực đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi

Chị Triệu Thị Khé, dân tộc Tày, Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Phú (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) đã cùng với trên 250 cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) trên địa bàn tỉnh được tham gia Hội nghị đào tạo, tập huấn nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin, nhận thức và kỹ năng chuyển đổi số do Ban Dân tộc tỉnh chủ trì tổ chức. Tại đây, chị và các học viên đã được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và quảng bá các sản phẩm của địa phương đến người tiêu dùng trong nước và thế giới. Nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia. Chị Khé cho hay: mặc dù đã biết qua về những ứng dụng trên điện thoại thông minh, máy vi tính nhưng khi tham gia lớp tập huấn, chị hiểu sâu hơn, cũng như được thực hành trực tiếp trên máy. Sau khi học xong, chị đã tích cực truyền đạt lại những nội dung đó đến hội viên, nhân dân trên địa bàn.

Anh Nguyễn Quang Thắng, Bí thư Đoàn xã Tứ Quận (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) cho biết, tại lớp tập huấn, anh được bồi dưỡng kỹ năng tạo lập, biên tập thông tin, nội dung số, phương pháp truyền thông quảng bá hình ảnh và sản phẩm của địa phương. Qua đó, anh nắm được những kỹ năng chụp ảnh sản phẩm sao cho đẹp, viết bài về sản phẩm sao cho thu hút tương tác và cách quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội: Facebook, Zalo. Anh sẽ nỗ lực tham gia chuyển đổi số, quảng bá, sản phẩm nông sản địa phương, sản phẩm OCOP trên địa bàn. Đồng thời, anh sẽ tìm hiểu thêm về các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso… để hướng dẫn đoàn viên, thanh niên, nhân dân mở gian hàng online trên nền tảng số. Đây là giải pháp thiết thực để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng đồng bào DTTS, nâng cao hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN tại địa phương.

Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang - Ma Quang Hiếu, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tập trung lãnh đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác hiệu quả ứng dụng chuyển đổi số phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc; tuyên truyền, hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh trật tự. Đồng thời tiếp tục phổ cập dịch vụ mạng di động 4G và điện thoại di động thông minh, từng bước phát triển mạng 5G. 100% đồng bào dân tộc được kết nối, đối thoại với người làm công tác dân tộc nhằm tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Để việc chuyển đổi số trong vùng đồng bào DTTS đạt hiệu quả, hệ thống chính trị các cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của bà con về các vấn đề liên quan đến công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng internet trong đời sống và sản xuất. Bên cạnh đó, công nghệ số cần bám sát vào đời sống bà con thông qua các hoạt động thiết thực như: chính quyền có thể giao tiếp với người dân qua Zalo, cung cấp dịch vụ trực tuyến; cài đặt các hệ thống cảm biến, camera theo dõi các chỉ số phát triển kinh tế – xã hội… để có thông tin trực tuyến…

Hơn 1 năm nay, nhờ có lắp đặt mạng Internet, bà Vi Thị Hà ở bản Khúa, xã Châu Lý (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh để gọi điện và thấy hình ảnh của các con cháu ở xa. Không những thế, nhờ có mạng Internet giúp việc sản xuất, chăn nuôi của gia đình bà cũng trở nên dễ dàng hơn trước. “Bây giờ mạng vào trong bản, trong làng rồi tiện tích các thứ như nạp tiền điện, tiền điện thoại, rút tiền, rồi còn lên facebook, zalo học hỏi được nhiều thứ để chăn nuôi. Các bà có điều kiện phát triển hơn nhiều”- bà Vi Thị Hà chia sẻ.

Tận dụng những tiện ích về công nghệ thông tin để phục vụ cho công việc, sản xuất hay nhu cầu sinh hoạt đang trở thành xu hướng tích cực ở huyện miền núi Quỳ Hợp. Chuyển đổi số không chỉ ở việc lắp đặt hạ tầng mà còn là vấn đề thay đổi nhận thức của người dân được thụ hưởng.

Điều này đối với một xã nghèo như Châu Lý đã có những tín hiệu lạc quan. Hệ thống camera an ninh mới tại các hộ dân tham gia làm du lịch cộng đồng ở bản Chọng Bùng được đưa vào sử dụng từ nguồn xã hội hóa là một minh chứng.

Việc quan tâm, tăng cường chuyển đổi số tới vùng núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số đang từng ngày được các đơn vị cung cấp dịch vụ quan tâm thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Chuyển đổi số là một trong những dấu ấn nổi bật của huyện miền núi Quỳ Hợp sau hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển. Những kết quả bước đầu đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, đồng bào dân tộc thiểu số càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn. Chuyển đổi số tạo dấu ấn mới cho diện mạo nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số, góp phần vào quá trình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Hành trình chuyển đổi số trong phát triển sinh kế của phụ nữ vùng dân tộc thiểu số

Không chỉ có phụ nữ ở đô thị mà nhiều chị ở miền núi đang tiếp cận và làm chủ công nghệ. Họ phát triển kinh tế gia đình thông qua hình thức bán hàng online.

Dự án VED-GREAT I 4.0 - một dự án tiếp cận thị trường thông qua các nền tảng giao dịch thương mại điện tử nhằm thúc đẩy phát triển sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn 2 tỉnh Sơn La và Lào Cai đã thực hiện 08 khóa tập huấn được tổ chức trực tiếp tại 2 tỉnh, nội dung đi sâu vào các vấn đề: Xây dựng chiến lược marketing; cách chụp ảnh và xây dựng câu chuyện cho sản phẩm; kỹ năng, quy trình bán hàng trên sàn thương mại điện tử (TMĐT). Thông qua Dự án, 100% các HTX tham gia tập huấn đã áp dụng bán hàng trên các kênh facebook, zalo, và đã có doanh thu khi bán hàng trên các kênh này. 20 HTX được hỗ trợ xây dựng website và tập huấn, bán hàng trên website. 21 HTX được hỗ trợ nâng cấp chuẩn hoá tiêu chuẩn hình ảnh, nhận diện thương hiệu (thiết kế logo; đăng ký bảo hộ thương hiệu, đăng ký bản quyền) 12 HTX được hỗ trợ nâng cấp chuẩn hoá tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm ra thị trường (test sản phẩm, xây dựng mã số mã vạch) được hướng dẫn từ chuyên gia tham gia dự án...

Chị Hồng, chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Suối Bàng (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) chia sẻ: Nỗi lo của HTX về tiêu thụ sản phẩm giảm đi đáng kể từ khi tham gia vào dự án. Trước đây, sản phẩm của HTX chỉ loanh quanh trong huyện hay tỉnh. Nhưng bây giờ, sản phẩm của chúng tôi được biết đến nhiều hơn. Bản thân tôi bây giờ cũng biết cách làm thế nào để viết bài, chụp ảnh sản phẩm để bán hàng.

Tham gia những lớp tập huấn của dự án VEDCi4.0 của Great, chị Nguyệt Anh và các thành viên trong HTX Bưởi Múc (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) đã biết cách xử lý hình ảnh, xây dựng câu chuyện, đăng bài và cập nhật bài trên facebook, zalo để quảng bá hình ảnh bưởi Múc ấn tượng hơn.

Chị Đặng Thị Hồng ở thôn Cần Nông, xã Hồng Quảng (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) xây dựng mô hình sản xuất nấm hữu cơ với diện tích 700m2. Chị được hỗ trợ vốn, chuyển giao công nghệ và chính thức thành lập HTX sản xuất nấm, ổi hữu cơ Hồng Lý tại xã Hồng Quảng. Mỗi tháng, chị Hồng xuất ra thị trường 6 tạ nấm, thu nhập bình quân 15 triệu đồng/tháng và tạo việc làm cho hàng chục lao động.

Theo lời kể của chị Hồng, ban đầu, chị gặp khó khăn khi không tiêu thụ được sản phẩm. Sau đó, chị thấy nhiều người bán hàng online, livestream trên mạng xã hội nên bắt đầu nghiên cứu, thử quay các sản phẩm để đưa lên giới thiệu. Dần dần, chị phát triển kênh livestream, nhiều người vào xem trực tiếp và ủng hộ.

Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế, hai huyện Nam Đông và A Lưới đã hình thành được 3 HTX và 2 tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất dịch vụ, tạo việc làm cho trên 300 thành viên. Lĩnh vực chủ yếu được chị em lựa chọn là sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm đặc sản địa phương. Ứng dụng thành công tiến bộ công nghệ cũng là cách để các HTX và chị em phụ nữ vùng cao đưa sản phẩm của cơ sở vươn xa hơn trên thị trường. Thành công từ các mô hình đã góp phần thay đổi cơ bản nhận thức của xã hội, nhất là nam giới về vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế.

Bà Lê Thị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội LHPN A Lưới cho hay: Từ khi kinh doanh buôn bán qua điện thoại thông minh, các chị cũng quảng cáo nông sản của mình qua Facebook, Zalo và các trang mạng xã hội khác nên bán được nhiều sản phẩm. Vì vậy, nhiều phụ nữ không còn phải vất vả gùi hàng xuống chợ, mà có thương lái đến tận nhà thu mua.

Để sản phẩm đến được tay người tiêu dùng, hội phụ nữ các huyện đã mời cán bộ về mở lớp hướng dẫn kiến thức về công nghệ thông tin. Dù lần đầu tiếp xúc các khái niệm như chuyển đổi số, marketing... nhưng với sự chịu khó học hỏi, đến nay, thị trường tiêu thụ của các chị đã mở rộng ra hàng chục tỉnh thành cũng chủ yếu thông qua quảng bá trên các nền tảng số. Sau các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, tập huấn về khởi sự kinh doanh hay khởi nghiệp, PN dân tộc đã thay đổi rõ rệt về nhận thức.

"Sản phẩm của chúng tôi được mọi người biết đến, thậm chí các tỉnh khác cũng đặt hàng và thu nhập được tăng lên”, chị Phạm Thị Với ở thôn A2, xã Hương Sơn (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) chuyên kinh doanh các mặt hàng nông sản sạch cho biết.

Trở ngại lớn nhất cho phụ nữ ở vùng cao đối với việc tiếp cận công nghệ số là thiếu điều kiện trang bị các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính. Dù nhiều chị đã có điện thoại thông minh, nhưng phần lớn là các điện thoại đời cũ (do con cháu không sử dụng cho lại hoặc do kinh tế khó khăn nên mua lại các sản phẩm cũ chỉ đủ nghe, nhìn) với thiết bị cũ, tốc độ xử lý chậm nên việc tiếp cận các công nghệ, sản phẩm chuyển đổi số chậm hoặc không thực hiện được.

Ở miền núi, hạ tầng internet cũng chưa toàn diện. Nhiều gia đình chưa được phủ sóng internet, sử dụng phí 3G, 4G khá đắt đỏ nên hạn chế tham gia các hoạt động chuyển đổi số, nhất là việc sử dụng các sản phẩm dịch vụ công trực tuyến của chính quyền. Tâm lý của phụ nữ khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử còn e dè trong thao tác do kỹ năng, thông tin hạn chế; chỉ tham gia tích cực trong khai thác thông tin từ các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Youtube...

Đã có nhiều mô hình hay ở các hội phụ nữ khi hỗ trợ phụ nữ nghèo mượn tiền mua điện thoại thông minh; đồng thời, hướng dẫn phụ nữ những kiến thức cũng như thông tin pháp luật khi sử dụng các trang mạng xã hội, internet. Qua đó, giúp phụ nữ có những kiến thức cơ bản nhất khi tiếp cận và sử dụng các dịch vụ, sản phẩm liên quan đến chuyển đổi số./.

Nguồn: (Nguồn: dangcongsan.vn)