Xắn tay, góp sức "lên đời" nhiều tuyến hẻm tại huyện nông thôn mới Nhà Bè
Nhiều tuyến đường, hẻm nhỏ tại huyện Nhà Bè, TP.HCM đã được bê tông hóa nhờ sự chung tay, góp sức của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân. Nhờ phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, người dân không còn cảnh lội bùn mỗi khi mưa, triều cường dâng.
Hơn 300m đường tuyến hẻm Bàu Le, tổ 2, ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè được bê tông hóa và đưa vào sử dụng cuối tháng 7/2023 khiến những hộ dân khu vực này vui mừng vì thoát khỏi cảnh lội bùn về nhà khi trời mưa.
Chung sức bê tông hóa hẻm nông thôn
Ông Trương Văn Tập (tổ 2, ấp 3, xã Hiệp Phước) cho biết gần 20 năm qua, ông và nhiều người dân xung quanh tuyến hẻm Bàu Le đều mơ ước hẻm được bê tông hóa, thoát khỏi cảnh khó khăn đi lại.
Mỗi khi trời mưa lớn hoặc nước dâng cao, con đường được làm bằng đất trở nên sình lầy, cản trở mọi người đi lại. "Đường bị sình lầy, xe máy không thể đi, phải để ở phía bên ngoài đường bê tông, khu vực cầu Bàu Lá, sau đó lội bộ vào. Trẻ lớp 4, lớp 5 muốn đi học thì tự cầm dép rồi đi chân đất qua, một số đứa nhỏ hơn muốn đi phải được bố mẹ bế. Con đường cũ đó thông thường chỉ đi được khi trời nắng", ông Tập nói.
Nhiều năm qua, người dân nơi đây muốn nâng đường, đổ bê tông để đi lại dễ dàng nhưng gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, mong muốn ấy đã thành hiện thực khi mới đây, tuyến hẻm 300m đã được bê tông hóa. Mạnh thường quân và nhân dân đóng góp được số 90 triệu đồng, cùng với sự hỗ trợ của 70 cán bộ, chiến sĩ tình nguyện hành quân xanh của Trung đoàn Gia Định - Bộ Tư lệnh TP.HCM, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nhà Bè trong 10 ngày liên tục. So với tuyến đường cũ, tuyến đường mới cao hơn, đồng thời mặt đường rộng tới 1,5m.
Ông Phạm Văn Mỹ, Bí thư xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè cho biết tuyến hẻm có 13 hộ dân với hơn 50 người đang sinh sống. Trước đó, tuyến hẻm cũ có bề ngang khoảng 70cm, bị xuống cấp trầm trọng, ngập nước, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
"Tuyến hẻm mới không chỉ hỗ trợ cho người dân có điều kiện di chuyển thuận tiện khi mưa xuống hoặc triều cường dâng cao, giúp người dân an tâm trong lao động, phát triển kinh tế mà còn góp phần giữ vững các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã", ông Mỹ đánh giá.
Bà Lê Thị Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè nhìn nhận việc bê tông hóa những tuyến đường như trên đã phối hợp góp phần xây dựng nông thôn mới đối với huyện Nhà Bè, trong đó có xã Hiệp Phước.
Theo bà Thư, trên địa bàn huyện Nhà Bè, hàng năm chương trình hành quân xanh đều góp phần bê tông hóa một số tuyến đường, hẻm. Trong năm 2022, tại ấp 3, xã Hiệp Phước cũng có một tuyến đường được bê tông hóa. Việc này không những tạo điều kiện cho người dân đi lại mỗi ngày, còn tạo thuận lợi cho các em học sinh đi học tới trường. Trong thời gian tới, huyện sẽ cố gắng vận động để bê tông hóa thêm nhiều tuyến đường hơn nữa, giúp người dân đi lại dễ dàng.
Theo kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 của huyện Nhà Bè, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng và thực hiện các công trình giao thông trong chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn đã góp phần cải thiện chất lượng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, đồng thời hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế và xã hội.
6 xã của huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao về tiêu chí giao thông giai đoạn 2016 - 2020. Song song đó, nhằm duy trì, giữ vững tiêu chí giao thông đã đạt được, huyện thường xuyên vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường, trồng cây xanh tại các tuyến hẻm liên ấp, liên xã. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng tiếp tục vận động xây dựng các mô hình tuyến hẻm sáng - xanh - sạch - đẹp.
Đặc biệt, trong danh mục đầu tư các công trình xây dựng cơ bản thuộc đề án nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, danh mục dự án của các xã, thị trấn đề xuất có 257 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến là 5.710 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực giao thông được dự kiến đầu tư nhiều nhất với số tiền 4.206 tỷ đồng.