Chuyển đổi số ở Vân Sơn
Vân Sơn là xã điểm được huyện Triệu Sơn lựa chọn để triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội. Qua thời gian nỗ lực thực hiện, đến nay nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, cải cách hành chính cũng như phát triển kinh tế ở địa phương đã được áp dụng các tiến bộ khoa học, ứng dụng số hóa để vận hành.
Trên địa bàn xã hiện có hàng chục cơ sở mộc dân dụng, nhưng phần nhiều đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật hiện đại vào sản xuất. Tại cơ sở sản xuất đồ gỗ nghệ thuật Phúc Hải, việc khắc hoa văn, họa tiết trên gỗ đã có các máy móc thay thế sức người. Đó chính là công nghệ chạm khắc CNC, được thiết kế các mẫu trên phần mềm máy vi tính, sau đó kết nối để các máy tự chạy với các đường khoan, mũi đục được tự động hoàn toàn.
Trong nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế khác, việc chuyển đổi số cũng được chính quyền địa phương khuyến khích áp dụng. Trên địa bàn có một số trang trại nuôi lợn hiện đại, theo dõi chuồng nuôi qua hệ thống camera, vận hành các khâu cho lợn ăn, uống nước bằng dây chuyền tự động. Chủ trang trại có thể điều hành hệ thống quạt gió, độ ẩm qua điện thoại thông minh. Theo thống kê từ UBND xã Vân Sơn, toàn xã hiện có 173 hộ kinh doanh cá thể, xã đã vận động các hộ ứng dụng công nghệ số trong các thủ tục thanh toán. Đến nay có khoảng 1/2 cơ sở kinh doanh áp dụng thanh toán qua quét mã QR và qua tài khoản. Những cửa hàng còn lại đa phần quy mô nhỏ, bán những hàng hóa lặt vặt giá trị thấp nên việc trao đổi vẫn bằng tiền mặt.
Chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính được xã Vân Sơn xác định là nhiệm vụ quan trọng gắn liền với mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Hiện nay, 100% cán bộ và các khâu hành chính tại công sở UBND xã đều được thực hiện qua môi trường mạng. Ngoài xử lý công việc nhanh, phối hợp giữa các khâu nhịp nhàng, xã còn tiết kiệm tối đa việc sử dụng giấy tờ gây lãng phí. Thực hiện yêu cầu có nền tảng số hỗ trợ chính quyền cấp xã giao tiếp, tương tác và tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân, xã Vân Sơn đã lập kênh zalo “UBND xã Vân Sơn” và nhiều nhóm liên quan. Người dân cũng có thể tương tác với chính quyền xã thông qua trang thông tin điện tử và phần mềm ứng dụng ThanhhoaS...
Hiện nay, người dân muốn làm giấy khai sinh, chứng thực các thủ tục khác đều có thể ngồi tại nhà, dùng điện thoại hay máy tính và vào app điện tử của xã để đăng ký, khai các thông tin liên quan. Khi cán bộ xã giải quyết xong sẽ hẹn giờ đến bộ phận một cửa tại trụ sở UBND xã nhận kết quả. Với những người già và người không thạo về máy tính hay điện thoại thông minh, các nhân viên hành chính của xã có thể hướng dẫn đăng ký làm thủ tục trực tiếp. Ông Lê Quang Thắng, người dân thôn 6, chia sẻ: “Tôi đang xin hồ sơ đi làm công nhân. Việc chứng thực giấy tờ liên quan, xin chữ ký và đóng dấu tại UBND xã được giải quyết nhanh gọn hơn trước kia”.
Công chức xã Nguyễn Tiến Lệ - người được giao nắm bắt, đôn đốc nhiệm vụ chuyển đổi số của xã Vân Sơn cho biết: Từ tháng 9-2021, khi bắt tay xây dựng NTM nâng cao, xã cũng đồng thời triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số. Thời gian đầu gặp nhiều khó khăn bởi người dân chưa quen. Ngay cả quá trình tập huấn, đến một số cán bộ cũng chỉ tiếp thu được những nội dung cơ bản. Nhưng xã đã triển khai từng bước, tăng cường tuyên truyền, phối hợp với các ngành và đơn vị liên quan để đẩy mạnh công tác tập huấn, đến nay mọi người đã thành quen.
Để người dân đồng hành với công cuộc chuyển đổi số, xã đã vận động Nhân dân sử dụng điện thoại thông minh, sử dụng tài khoản ngân hàng để giao dịch. Hiện nay, xã có gần 50% số hộ đã đóng tiền điện, tiền nước hằng tháng qua tài khoản bằng điện thoại thông minh. Tại cửa hàng tạp hóa Nam Hương trong xã khi chúng tôi có mặt, việc thanh toán hàng hóa đã được chủ cơ sở ứng dụng phần mềm quét mã vạch hiện đại như những siêu thị ở các đô thị. Ông Đặng Huy Nam, chủ cửa hàng chia sẻ: Đây là cơ sở tạp hóa lớn nhất xã với hàng trăm mặt hàng. Nếu không có hệ thống thanh toán hiện đại này, lúc đông khách hay dịp lễ tết, phải 3 – 4 người may ra mới thanh toán kịp. Bà Lê Thị Cung, 80 tuổi – khách hàng thường xuyên mua hàng tại cửa hàng, cho biết: “Tôi già rồi, nhưng vẫn ủng hộ hình thức thanh toán quét mã vạch hiện đại này. Vừa rất nhanh, tiện lợi, lại không sợ bị nhầm lẫn như tính nhẩm của nhân viên như trước kia”.
Có thể kể thêm nhiều lĩnh vực trong chuyển đổi số ở Vân Sơn như lắp đặt hệ thống camera thông minh để bảo đảm an ninh - trật tự, người dân giới thiệu bán sản phẩm đào cảnh, đồ gỗ mỹ nghệ... qua hình thức thương mại điện tử và các ứng dụng trên môi trường mạng. Chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội ở Vân Sơn mới chỉ trong giai đoạn bắt đầu và đang dần nâng cao về chất lượng, nhưng đã tạo hiệu ứng tốt trong sự phát triển chung.