Cục Báo chí kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

Sáng ngày 19/7/2023, tại Hà Nội, Cục Báo chí, Bộ TT&TT đã tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.

Dự buổi lễ có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Cùng dự có: Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT; ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; bà Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; đại diện lãnh đạo VTV, VOV. Dự buổi lễ còn có nguyên lãnh đạo Bộ TT&TT, cơ quan báo chí các thời kỳ: ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Hồng Vinh, ông Thuận Hữu, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân; cùng toàn thể cán bộ công chức Cục Báo chí.

Quản lý nhà nước về báo chí là quản lý để phát triển, phát triển báo chí bền vững

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chúc mừng Cục Báo chí vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, phần thưởng cao quý của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

20230719-pg1-HCLD2-1.jpg

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Cục Báo chí

Đề cập đến sứ mệnh của báo chí cách mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sứ mệnh của báo chí cách mạng phải góp phần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước sánh vai cường quốc năm châu, trở thành một nước XHCN phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Khát vọng này đã được nói đến trong Đại hội lần thứ XIII của Đảng (1/2021). Khát vọng lớn, giấc mơ lớn thì tạo thành sức mạnh tinh thần. Sức mạnh tinh thần thì nhân lên sức mạnh vật chất. Chưa từng có quốc gia nào hoá rồng, hoá hổ mà không có sức mạnh tinh thần. Bộ TT&TT có trách nhiệm làm cho báo chí khơi dậy và thổi bùng lên khát vọng Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

Bộ trưởng nhấn mạnh quan điểm: Quản lý nhà nước về báo chí là quản lý để phát triển, phát triển báo chí bền vững. Phát triển thì sinh ra vấn đề mới nhưng phát triển thì mới có nguồn lực để xử lý những vấn đề mới. Phát triển thì mới không bị tụt hậu. Mục tiêu của quản lý là để báo chí cách mạng làm tốt hơn nhiệm vụ chính trị của mình trong tình hình mới. Phát triển là mục tiêu, ổn định là tiền đề, đổi mới là động lực phát triển. Nắm vững quan điểm này về quản lý nhà nước là nắm vững sợi chỉ đỏ.

20230719-pg1-CT-HCLD.jpg

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba

cho Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc 

Cũng theo Bộ trưởng, quản lý nhà nước đầu tiên phải là thể chế. Thể chế phải rõ ràng, tường minh. Quản lý nhà nước thì phải có công cụ. Muốn quản lý được lĩnh vực của mình thì phải có công cụ giám sát toàn diện, nhìn thấy online các đối tượng quản lý của mình, phát hiện sớm các vấn đề.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, quản lý nhà nước trong thời gian qua vẫn nặng về quản lý, nhẹ về phát triển. Nếu chúng ta không làm tốt phần phát triển thì báo chí sẽ bị thị trường hoá, tư nhân hoá, tự diễn biến, tự chuyển hoá.

Muốn báo chí cách mạng phát triển, đáp ứng yêu cầu mới của đất nước, các cơ quan báo chí phải được đầu tư về cơ sở vật chất, về công nghệ. Đây là trách nhiệm, là việc của Cục Báo chí. Quy hoạch báo chí đã cơ bản xong phần sắp xếp. Tiếp theo là báo ra báo, tạp chí ra tạp chí, rồi phải tập trung vào phần phát triển, là phần trọng tâm của quy hoạch.

20230719-pg1-PCT-BK.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

cho Phó Cục trưởng Cục Báo chí Đặng Khắc Lợi 

Quản lý nhà nước về báo chí là tạo ra môi trường thuận lợi để báo chí cách mạng phát triển, vừa ngang tầm nhiệm vụ, ngang tầm thời đại, vừa chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn

Về chuyển đổi số báo chí, theo Bộ trưởng, chúng ta đã có những cố gắng ban đầu về chuyển đổi số báo chí, đã có Chiến lược chuyển đổi số báo chí. Từ nay đến năm 2025 phải tập trung hiện đại hoá nền tảng công nghệ, công nghệ số cho báo chí. Tuy nhiên, để chuyển đổi số báo chí thì đầu tiên phải chuyển đổi số cơ quan quản lý báo chí, tức là Cục Báo chí. Phải đưa cơ bản toàn bộ hoạt động của Cục lên môi trường số, kết nối online với các cơ quan báo chí để quản lý không tiếp xúc. Cục trưởng phải trực tiếp lãnh đạo chuyển đổi hoạt động của Cục lên môi trường số. Việc xây dựng Trung tâm lưu chiểu số có các công cụ phân tích, đánh giá tin bài của các cơ quan báo chí để biết ai đang hoạt động theo tôn chỉ, mục đích, ai không. Rồi đánh giá xu thế chính trị của từng cơ quan báo chí. Đây là công cụ quan trọng nhất về quản lý báo chí trên môi trường số.

Bộ trưởng cũng giao trách nhiệm đào tạo kỹ năng số cho phóng viên, người làm báo bởi vì khi chuyển đổi số một cơ quan báo chí thì tất cả mọi người trong cơ quan đó phải có tư duy số, kỹ năng số, cách làm số.

20230719-pg1-BT.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi lễ

Đồng thời, Cục Báo chí có trách nhiệm làm cho chính quyền các cấp có nhận thức đúng về công tác truyền thông chính sách. Truyền thông phải là một chức năng, nhiệm vụ của chính quyền các cấp, phải có bộ máy, ngân sách dành cho việc này. Báo chí chỉ là một trong các phương tiện truyền thông. Từ trước đến nay, chúng ta mới tập trung vào nghiệp vụ, chuyên môn cho các cơ quan báo chí, phóng viên thì từ nay chúng ta phải đào tạo công tác truyền thông cho các bộ, ngành, địa phương.

Cuối cùng, Bộ trưởng kết luận: Báo chí trước đây là cây bút, trang giấy thì nay thêm công nghệ số, nền tảng số, nhưng cái bất biến vẫn là những giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng, cái tâm của người làm báo. Quản lý nhà nước về báo chí là tạo ra môi trường thuận lợi để báo chí cách mạng phát triển, vừa ngang tầm nhiệm vụ, vừa ngang tầm thời đại, vừa chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn. 

Cục Báo chí đã có những đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng thể chế, tạo đột phá cho sự phát triển và quản lý báo chí

Tại buổi lễ, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí cho biết, từ thời điểm thành lập Bộ Thông tin Tuyên truyền (năm 1945) cho đến thời điểm thành lập Bộ Thông tin và Truyền thông (năm 2007) đã có 16 lần cơ quan tiền thân của Cục Báo chí bị nhập, tách, đổi tên Bộ. Trong đó thời gian cơ quan quản lý nhà nước về báo chí hoạt động ổn định, không bị tách, nhập, đổi tên, dài nhất là 12 năm.

Trong đó, mốc son quan trọng là ngày 16/7/2003, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Phạm Quang Nghị ký quyết định số 22/2003/QĐ-VHTT thành lập Cục Báo chí. Ngày 27/7/2007, thành lập Bộ Thông tin và Truyền thông trên cơ sở Bộ Bưu chính, Viễn thông và Cục Báo chí, Cục Xuất bản thuộc Bộ Văn hoá Thông tin. Từ đó, Cục Báo chí chính thức trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. 

Sự ra đời của Cục Báo chí đánh dấu bước trưởng thành về quy mô tổ chức, bộ máy, nhân sự của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Bộ VH-TT thời kỳ này. Quá trình 20 năm qua, cơ cấu tổ chức của Cục có chia tách thành nhiều đơn vị khác nhau, nhưng dần được hoàn thiện; phạm vi, đối tượng quản lý, chức năng và nhiệm vụ của Cục được mở rộng hơn, với nhiều trọng trách mới, quan trọng hơn, thể hiện sự tin tưởng, ghi nhận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thế hệ các lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trong 20 năm xây dựng và trưởng thành, Cục Báo chí đã có những đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng thể chế, tạo đột phá cho sự phát triển và quản lý báo chí. Công tác quản lý nhà nước về báo chí đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Quá trình phát triển, nhất là từ năm 2019 đến nay, công tác quản lý nhà nước về nội dung thông tin đã góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận xã hội, niềm tin xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội đất nước. 

Theo Cục trưởng Lưu Đình Phúc, trong 78 năm qua, các thế hệ làm công tác quản lý báo chí đã liên tục kế thừa quá khứ và mở ra tương lai để tạo thành một dòng chảy liên tục. Truyền thống, văn hoá của Cục Báo chí được bồi đắp, kết tinh từ xương máu và sự cống hiến của lớp lớp cha anh đi trước, để từ đó mỗi thế hệ đều để lại những dấu ấn quan trọng, đều giữ gìn sự đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, hỗ trợ nhau trong công tác và trong cuộc sống, đều có được sức mạnh, nghị lực, đi qua mọi thác ghềnh, khó khăn, hoàn thành sứ mệnh của “người gác cổng thông tin”, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp quản lý nhà nước về báo chí.

Tự hào về chặng đường 20 năm của một đơn vị non trẻ, nhưng có một quá khứ hào hùng, thế hệ cán bộ Cục Báo chí hôm nay tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự tin tưởng của Nhân dân, với sức mạnh được kết tinh từ truyền thống quý báu của lớp lớp cha anh đi trước, Cục Báo chí đã vượt qua và sẽ vượt qua mọi thách thức, khó khăn, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, đổi mới sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, Cục trưởng Cục Báo chí bày tỏ.

Nhờ những thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2017 đến năm 2021, góp phần vào sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Tổ quốc, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lưu Đình Phúc đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba; Phó Cục trưởng Cục Báo chí Đặng Khắc Lợi nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Ngân hàng Agribank, Techcombank và Viettinbank là đơn vị đồng hành cùng sự kiện.