Bất an khi học sinh 'a dua' dùng thuốc lá điện tử

Một lần mang hoa quả lên phòng con trai học lớp 7, chị Linh bất ngờ thấy mùi lạ. Lật chăn tìm kiếm, chị phát hiện vật có hình dạng như bút bi nhưng to gấp đôi.

20230615-A-68.jpg
ảnh minhn họa
 
Con trai thừa nhận đây là cây thuốc lá điện tử (bút vape), đã hút được hai tháng vì "đi học thấy chán, bạn bè rủ hút thử". Cậu bé nói có 3-4 bạn cùng lớp ghép nhóm, mua dùng chung với giá 200 nghìn đồng một cây.
 
"Tôi hoảng hốt lo sợ, nếu không phát hiện thì con còn lén lút đến bao giờ", chị Linh, ở quận Ba Đình, Hà Nội nói, cho biết vẫn đọc trên mạng có nhiều vụ học sinh ngộ độc vì thuốc lá điện tử, nhưng không ngờ con mình cũng dính vào. Nghĩ đến kết quả học tập của con thời gian qua, chị đoán đây là lý do khiến con sa sút.
 
Nghĩa, học sinh lớp 10 một trường dân lập ở quận Hai Bà Trưng, cho biết đã dùng thuốc lá điện tử được hơn hai năm. Theo Nghĩa, thuốc lá điện tử có nhiều loại với nồng độ nicotine từ 0% cho đến nhẹ, rồi "nặng đô", nhiều hương vị như các loại hoa quả mix (trộn) với nhau hay vị rượu, vị thuốc lá, vị trà.
 
Lần đầu tiên thử, Nghĩa thấy bủn rủn tay chân, thở dốc phải ngừng, không dám hút tiếp. Nhưng khi đã quen, em thường xuyên sử dụng. Có lần Nghĩa đã cùng nhóm bạn góp tiền mua loại thuốc lá điện tử lên đến 10-20 triệu đồng một cây để thử. Một tháng, nam sinh tốn khoảng 600.000 đồng cho loại dùng một lần, còn nếu mua loại dùng nhiều lần thì số tiền thấp hơn một chút.
"Hút thuốc lá truyền thống hoặc thuốc lào thì phổi bị đen đi, hút thuốc lá điện tử thì phổi bị trắng", Nghĩa nói, biết thuốc lá điện tử làm tổn thương phổi nhưng không dễ bỏ.
Các vụ ngộ độc thuốc lá điện tử trong học sinh diễn ra liên tiếp trong thời gian gần đây. Hồi tháng 9, một nữ sinh 14 tuổi ở Lạng Sơn nhập viện trong tình trạng hôn mê, tím tái, đồng tử giãn, nguy cơ suy hô hấp và tử vong cao vì dùng thuốc lá điện tử. Mới đây, tám học sinh lớp 3 ở Hà Nội được đưa vào viện với triệu chứng buồn nôn vì thử hút thuốc lá điện tử do bạn nhặt được vào giờ ra chơi. Các vụ việc tương tự cũng xảy ở ở nhiều tỉnh, thành khác.
Kết quả Điều tra sức khoẻ học sinh toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2019 với gần 7.800 học sinh tại 21 tỉnh, thành phố của Việt Nam cho thấy có 2,57% học sinh trong độ tuổi từ 13-17 hút thuốc lá điện tử, tỷ lệ này ở học sinh thành thị là 3,77%. Với học sinh THCS, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 2,15% và 3,1% với học sinh THPT.
 
Ông Lê Hữu Hân, Hiệu trưởng trường THPT Thanh Đa, TP HCM, cho hay đầu năm 2022, trường có ba học sinh hút thuốc lá điện tử bị ngất xỉu. "Do học sinh thường lén lút hút, năm 2022, chúng tôi đã thực hiện một khảo sát ẩn danh với học sinh toàn trường. Kết quả, 30 em thừa nhận sử dụng thuốc lá và thuốc lá điện tử", ông Hân cho biết.
 
Theo bà Lưu Thị Lập, Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Cầu, Hà Nội, để bắt gặp học sinh hút thuốc lá điện tử không đơn giản. Một số em thường vào nhà vệ sinh để hút thuốc, nhà trường phải có kế hoạch kỹ lưỡng mới bắt gặp và răn đe được. "Bảo vệ phải thỉnh thoảng vào nhà vệ sinh kiểm tra bất ngờ", bà Lập nói, cho biết đôi lúc phân công cả các thầy giáo núp bên trong nhà vệ sinh nam "mai phục".
 
Thạc sĩ, chuyên gia tâm lý Vũ Thị Thu Hà, Viện nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam, cho biết đã gặp không ít học sinh sử dụng thuốc lá điện tử để giải toả căng thẳng, giảm stress. Sự căng thẳng bắt nguồn từ mâu thuẫn với bố mẹ, thầy cô hoặc áp lực học hành. Đặc biệt, ở tuổi vị thành niên, học sinh rất thích thể hiện bản thân, tự do thoải mái thể hiện cái tôi hoặc chống đối nội quy học đường. Nhiều em hút thuốc lá điện tử để chứng tỏ mình "ngầu" so với các bạn.
Theo bà Hà, nhiều học sinh không biết đến hệ quả nghiêm trọng của thuốc lá điện tử, chỉ hút theo cảm xúc hoặc theo áp lực nhóm. "Nếu trong nhóm có 1-2 bạn hút thuốc lá điện tử, các bạn khác cũng hút như một cách chứng minh chúng chấp nhận nhau", bà Hà nói, cho biết việc này tiềm ẩn nguy cơ nhóm sẽ rủ nhau tăng cảm giác bằng các loại kích thích mạnh hơn.
 
Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương, cho hay thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery Systems – ENDS) chứa những thành phần nguy hại đến sức khỏe, thường bao gồm: Nicotine, glycerin, propylene glycol và hương liệu. Ngoài việc gây nghiện cao, nicotine làm tăng nguy cơ rối loạn tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, sinh sản và đóng vai trò trong việc gây ung thư thông qua tăng sinh tế bào, mất cân bằng oxy hóa, gây chết tế bào và đột biến cấu trúc DNA, cũng như sự phát triển của khối u. Trẻ vị thành niên tiếp xúc với nicotine có ảnh hưởng đến phát triển não bộ, có thể dẫn đến rối loạn học tập và rối loạn thần kinh. Các thành phần khác cũng có thể tạo ra chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Độc tố ở nhiều loại thuốc lá điện tử còn cao hơn thuốc lá truyền thống.
 
Dù chưa được phép lưu hành ở Việt Nam nhưng thuốc lá điện tử đã được bán tràn lan trên mạng. "Đáng báo động, đã có hiện tượng biến tướng, lợi dụng thuốc lá điện tử để sử dụng ma tuý thông qua việc phối trộn khiến người dùng ngộ độc nặng nề, rối loạn thần kinh, kích thích vật vã, tổn thương phổi, gan, não và nguy hiểm tới tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời", bác sĩ Thành lưu ý.
 
Tháng 6/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành tài liệu hướng dẫn truyền thông về phòng ngừa thuốc lá mới cho học sinh phổ thông. Bộ nhấn mạnh vai trò truyền thông, và đề xuất lồng ghép các nội dung về phòng ngừa thuốc lá mới trong một số chương trình môn học, hoạt động ngoại khóa.
Hiệu trưởng THPT Thanh Đa cho biết đã tổ chức các chuyên đề về tác hại của thuốc lá và thuốc lá điện tử. Đối với các học sinh vi phạm, trường yêu cầu các em viết cam kết, xử lý theo nội quy, phối hợp với phụ huynh để hỗ trợ con tại nhà.
 
Còn tại trường THPT Hoàng Cầu, bà Lập cho biết ngoài khuyên nhủ học sinh vi phạm, trường động viện các em trở thành các tuyên truyền viên "Nói không với thuốc lá điện tử". Theo bà Lập, nhiều em đã vẽ, viết rất sáng tạo, đưa ra thông điệp cảnh báo các học sinh khác và đứng trước nhà vệ sinh mỗi giờ ra chơi.
Bà Vũ Thị Thu Hà đánh giá, điều trị cai nghiện cho thuốc lá điện tử ở góc độ tâm lý hành vi không dễ dàng và phải trải qua thay đổi thói quen lối sống từ vài tuần đến vài tháng. Các bước can thiệp nhằm cấu trúc lại nhận thức, xây dựng lại lòng tự trọng, kỹ năng giải quyết quan hệ bạn bè, hình thành các thói quen tham gia các hoạt động tích cực cho học sinh.
 
"Khi nói chuyện, con có biết tác hại của thuốc lá điện tử, nhưng lờ mờ chưa sâu sắc, lại bị bạn bè rủ rê nên sử dụng", chị Linh chia sẻ. Sau khi phát hiện sự việc, vợ chồng chị sắp xếp thời gian đèo con đi học, chuyện trò hàng ngày để khuyên nhủ. Chị Linh cũng cho con xem một số clip, hình ảnh trực quan trên mạng, thậm chí từng định đưa con đến một cơ sở cai nghiện để chứng kiến thực tế. "Con nói đã biết sợ, sau khoảng vài tháng thì hiện giờ không còn hút thuốc nữa", chị Linh nói.