Đam Rông: Những bước đi phù hợp để chuyển đổi số
Việc thực thi và cụ thể hóa các chính sách, pháp luật của Trung ương, của tỉnh về chuyển đổi số là nền tảng quan trọng để tạo nên những chuyển động nhất định của huyện Đam Rông trong triển khai nhiệm vụ này.
Trong quá trình triển khai, huyện Đam Rông xác định nhiệm vụ trước tiên là phải thay đổi tư duy, nhận thức về chuyển đổi số đối với lãnh đạo các cấp. Từ đó huyện Đam Rông xác định: Lãnh đạo huyện, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số đối với cơ quan, đơn vị, lĩnh vực quản lý; thường xuyên tổ chức phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành và địa phương.
Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số huyện Đam Rông được thành lập và tham mưu tốt cho lãnh đạo huyện thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số phù hợp với định hướng, thực tế của địa phương. Đồng thời, trực tiếp hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai tại cơ sở. Điều đó góp phần tạo nên chuyển biến tích cực của nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn.
Chuyển biến tích cực đó được thể hiện rõ qua kết quả thực hiện 3 trụ cột chuyển đổi số. Cụ thể, về phát triển chính quyền số, tính đến thời điểm hiện nay, trên hệ thống Dịch vụ công quốc gia, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến của địa phương này đã đạt 95%; thanh toán trực tuyến đạt 73%. Đam Rông cũng đã triển khai thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định của Chính phủ. Trong năm 2022, huyện Đam Rông đã số hóa 30.143 hồ sơ giải quyết TTHC, đạt tỷ lệ 43%. Trong quý I/2023, đã số hóa 2.493 hồ sơ giải quyết TTHC, đạt tỷ lệ 68,1%. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã khai thác, sử dụng các ứng dụng, giải pháp công nghệ thông tin nhằm hiện đại hóa hành chính như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành iOffice được triển khai đến 100% cơ quan, đơn vị khối UBND huyện và UBND các xã và kết nối liên thông với hệ thống IDOC của khối Đảng, đoàn thể. Trang thông tin điện tử huyện đã hoạt động liên tục, hiệu quả. Xây dựng và đưa vào hoạt động 8 trang thông tin điện tử của 8 xã. Duy trì và triển khai hiệu quả Bộ phận Một cửa cấp huyện, xã...
Bên cạnh đó, UBND huyện Đam Rông đã đẩy mạnh thực hiện các nội dung phát triển kinh tế số. Hiện nay, trên địa bàn đa phần các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc nông sản, quản lý giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia sàn thương mại điện tử; đẩy mạnh đưa các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện lên sàn thương mại điện tử voso.vn và postmart.vn.
Để cụ thể hóa các quy định, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển xã hội số theo đúng định hướng của Chính phủ, huyện Đam Rông đã tiến hành tổng thể các hoạt động phát triển xã hội số. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng trong việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt và sử dụng các nền tảng, ứng dụng số phục vụ đời sống nhằm phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số.
Trên cơ sở triển khai các chính sách, pháp luật về chuyển đổi số, bên cạnh những khó khăn khách quan từ các chính sách, pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về chuyển đổi số, huyện Đam Rông còn phải đối mặt với nhiều khó khăn chủ quan. Đơn cử như việc một bộ phận người dân trên địa bàn huyện còn khó khăn, chưa có các thiết bị điện tử thông minh (máy tính, điện thoại thông minh,...) để cài đặt và sử dụng các ứng dụng số; người dân vẫn còn thói quen thực hiện các giao dịch trực tiếp, chưa có lòng tin khi thực hiện các giao dịch điện tử. Kinh phí thực hiện chuyển đổi số lớn gây khó khăn cho huyện trong việc bố trí kinh phí thực hiện đồng bộ các biện pháp chuyển đổi số. Thiếu nhân lực phục vụ chuyển đổi số...
Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là động lực tạo sự phát triển đột phá, huyện Đam Rông đã xây dựng lộ trình cụ thể, đưa ra các giải pháp từng bước khắc phục khó khăn và dành nguồn lực, đề ra các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn.