“25 xu hướng công nghệ định hình cuộc cách mạng 4.0”

Cuốn sách “25 xu hướng công nghệ định hình cuộc cách mạng 4.0” gồm 236 trang, khổ 16 x 24 cm của tác giả Bernard Marr, do Phạm Duy Trung dịch, đã được Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, lựa chọn mua bản quyền và xuất bản.

20230306-m01.jpg

Chúng ta chưa bao giờ sống trong thời đại công nghệ biến đổi nhanh và mạnh mẽ như hiện nay.

Chúng ta nghe rất nhiều về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Chúng ta bị choáng ngợp bởi các công nghệ đáng kinh ngạc như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật, ô tô tự lái, in 3D, blockchain, hệ gen tiên tiến và thực tế mở rộng cùng với các xu hướng công nghệ khác.

Chúng ta băn khoăn liệu mình đã thực sự nhận thức được chiều sâu, sự thay đổi và phát triển mới nhất của các công nghệ kể trên cũng như khả năng áp dụng vào thực tế của nó không?

Vậy thì “25 xu hướng công nghệ định hình cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”chính là cuốn sách mà bạn đang chờ đợi!

Nắm bắt được những trăn trở của độc giả quan tâm đến công nghệ, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã nghiên cứu, lựa chọn mua bản quyền và xuất bản cuốn sách được viết bởi Bernard Marr - một trong những tác giả có sách bán chạy nhất thế giới, là nhà tương lai học, cố vấn chiến lược kinh doanh, công nghệ cho nhiều tổ chức hàng đầu thế giới như Microsoft, Google và Liên hợp quốc. Nội dung tiếng Việt của cuốn sách được dịch bởi TS. Phạm Duy Trung - Phó Trưởng Khoa An toàn thông tin - Học viện Kỹ thuật Mật mã. Ngoài công việc giảng dạy, TS. Trung hiện đang nghiên cứu, tham gia tư vấn cho nhiều chương trình và dự án về lĩnh vực blockchain và chuyển đổi số.

Với lối diễn đạt cô đọng, ngắn gọn nhưng rất chặt chẽ, dễ hiểu, tác giả đã làm rất tốt ở việc cung cấp một cái nhìn tổng quan, cập nhật về các công nghệ chủ chốt và phác thảo cách các doanh nghiệp ngày nay sử dụng chúng trong thực tế, cách chúng đang thúc đẩy hoạt động kinh doanh và sản xuất phát triển cũng như cung cấp một số lời khuyên nhằm chuẩn bị tốt nhất cho bản thân và tổ chức cho sự chuyển đổi mà chúng mang lại. 25 xu hướng là 25 công nghệ khác nhau nhưng lại liên quan đến nhau, tác động qua lại lẫn nhau và đều được giới thiệu, trình bày theo một trật tự duy nhất là đi từ khái niệm sơ lược, kế đó là phân tích, lập luận để đưa ra khái niệm chính thức. Khi đã nắm bắt được khái niệm, độc giả sẽ đến với tiếp điểm mà ở đó, việc ứng dụng các xu hướng trong cuộc sống sẽ được hiển hiện rõ rệt. Ví dụ như: ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các trò chơi, sách, âm nhạc; chuyển đổi cách thức kinh doanh, nhà thông minh, văn phòng thông minh, quần áo thông minh, đồng hồ thông minh, thiết bị cải thiện vận động… Ngoài ra, phần tài liệu tham khảo cũng được tác giả thể hiện chi tiết cho từng xu hướng để bạn đọc có thể thấy rõ công nghệ đó đang được triển khai ở đâu, như thế nào và ai là người khởi xướng.

Qua những khảo sát và ví dụ cụ thể, cuốn sách sẽ cung cấp cho các nhà lãnh đạo kiến thức và hiểu biết thực tế về những công nghệ cốt lõi. Công nghệ sáng tạo cùng khả năng bất tận của con người trong việc cải tiến công nghệ mới sẽ tạo ra tăng trưởng phi thường cho các mô hình kinh doanh, tăng trưởng kinh tế nếu bám đúng trọng tâm của các xu hướng trên. Do vậy, bạn có thể không phải là chuyên gia, nhưng nếu bạn quan tâm đến truyền thông, ô tô, công nghệ, Internet, biết cụm từ “thực tế tăng cường”, đã nghe nói về bitcoin hoặc ô tô tự lái, bạn sẽ thích cuốn sách này nhiều hơn bạn mong đợi.

Công nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống và đang được xem là chìa khóa quan trọng giúp con người, doanh nghiệp, nền kinh tế thích ứng và bứt lên sau đại dịch. Trên thế giới, dòng chảy công nghệ cứ liên tục thay đổi từng ngày, từng giờ, từng phút, thậm chí là từng giây, vì vậy việc nắm bắt xu hướng công nghệ mới trở nên hết sức cần thiết để quyết định tính cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tương lai.

Cuốn sách hứa hẹn sẽ giúp các nhà quản lý, lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp cũng như bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực công nghệ hiểu được tầm quan trọng của công nghệ, xu hướng của công nghệ, tác động của công nghệ và ứng dụng của công nghệ trong thực tiễn, nắm bắt được các cơ hội một cách kịp thời cũng như phải tự thay đổi chính bản thân mình để vượt lên và bứt phá trong thời đại Công nghệ 4.0. Đây cũng là vận hội, thời cơ để các nước đang phát triển như Việt Nam có thể bắt kịp, đi cùng và vượt lên thành nước phát triển./.