Kiên Giang: Thực hiện chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025

Tỉnh Kiên Giang thực hiện chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025, xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ số làm động lực để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt cộng đồng của nhân dân.

chuyen-doi-so-290121.jpeg

 Theo lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Tỉnh xác định rõ chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu khách quan, nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, động lực trong phát triển tỉnh. Do đó, phải có sự thống nhất trong cả hệ thống chính trị cho đến người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng và xu hướng tất yếu của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm, huy động được sự tham gia của toàn dân làm nguyên tắc cơ bản trong xây dựng các chương trình, kế hoạch chuyển đổi số của từng ngành, lĩnh vực và địa phương.

Tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số giai đoạn 2022 - 2025. Tỉnh ưu tiên chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số, trọng tâm là phát triển hạ tầng số, tạo lập dữ liệu mở, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (mức độ 4), nâng cao chỉ số xếp hạng của tỉnh về chuyển đổi số. Huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng thiết bị và ứng dụng đồng bộ, hiện đại, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và sự chuyển đổi của chính quyền điện tử.

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, tỉnh này phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thiện mô hình chính quyền số, hình thành xã hội số, kinh tế số và đô thị thông minh triển khai thành công tại các thành phố trong tỉnh để nhân rộng mô hình đến các huyện. Theo lộ trình, năm 2023, đối với chính quyền số, Kiên Giang phấn đấu 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến; 60% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến; 80% người dân, doanh nghiệp thực hiện đánh giá hài lòng khi yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính; 10% thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước được cắt giảm so với hiện nay; 100% dịch vụ công trực tuyến có chức năng định danh, xác thực một lần, hợp nhất trên tất cả hệ thống của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, thanh toán trực tuyến, cho phép thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng.

Cũng thời gian này, Kiên Giang phấn đấu tỷ trọng kinh tế số đạt 12% GRDP; với xã hội số, người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 60%; hộ gia đình được phủ mạng Internet băng rộng cáp quang đạt 70%; người dân kết nối mạng được bảo vệ ở mức cơ bản đạt trên 60%; dân số trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt trên 40%; dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt trên 20%; người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 80%...

Trong các mục tiêu chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đặt ra vào năm 2025, đáng chú ý, Kiên Giang phấn đấu toàn bộ thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến; tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp thực hiện đánh giá hài lòng khi yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính...

Theo đó, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức phổ biến, triển khai, quán triệt chủ trương của Đảng, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Xây dựng các chương trình, kế hoạch và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số theo từng ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị. Chủ động rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách của tỉnh nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi số, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế số, phát triển xã hội số.

Tỉnh tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về chuyển đổi số, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, người dân và doanh nghiệp. Tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin, nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số của tỉnh.

Tỉnh ưu tiên chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số, trọng tâm là phát triển hạ tầng số, tạo lập dữ liệu mở, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (mức độ 4), nâng cao chỉ số xếp hạng của tỉnh về chuyển đổi số. Huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng thiết bị và ứng dụng đồng bộ, hiện đại, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và sự chuyển đổi của chính quyền điện tử.

Tỉnh xây dựng và tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp khai thác, truy cập, sử dụng, góp phần công khai, minh bạch, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường quản lý an ninh mạng, bảo mật thông tin và an toàn dữ liệu, phòng chống hiệu quả các hoạt động phá hoại, xâm nhập hệ thống quản lý, điều hành chính quyền điện tử, tạo niềm tin vào tiến trình chuyển đổi số, hoạt động trên môi trường số./.

Nguồn: Cổng TTĐT Kiên Giang