Thanh Hóa: Nỗ lực chuyển đổi số sâu rộng, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp
Thanh Hóa là một trong số ít tỉnh, thành trong cả nước sớm ban hành nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
So với nhiều địa phương khác, tỉnh Thanh Hóa chưa phải là có nguồn lực kinh tế mạnh nhưng tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tổng số lượt trao đổi, xử lý văn bản trên hệ thống đạt 1.525.644 lượt văn bản, số văn bản gửi đi trên hệ thống là 617.936 văn bản, tỷ lệ ký số cá nhân đạt 98,7%, tỷ lệ ký số cơ quan đạt 99%, giúp cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị được công khai, minh bạch, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong cơ quan nhà nước; 14.037 doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử đạt 97%; 1.138 hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử chiếm 98%; có 1.306.281 hóa đơn điện tử đã được sử dụng và truyền về cơ quan thuế.
Minh chứng cho hiệu quả thiết thực trong công tác thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, TP. Sầm Sơn là một điển hình. Từ năm 2021, TP. Sầm Sơn đã hoàn tất các công việc xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị thông minh. Về hiệu quả, chỉ tính riêng mùa du lịch biển 2022, TP. Sầm Sơn đã thu hút gần 7 triệu lượt khách du lịch, phục vụ gần 15 triệu ngày khách. Tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt trên 14.000 tỉ đồng, gấp 51 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Dẫn chứng về tác động tích cực của công tác thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số từ TP. Sầm Sơn để thấy tỉnh Thanh Hóa có tốc độ tăng trưởng kinh tế xã hội 11 tháng năm 2022 rất ấn tượng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt trên 14,24%, đứng thứ 6/63 tỉnh, thành. Thu ngân sách Nhà nước trên 43.000 tỉ đồng tăng 56% so với cùng kỳ và đạt cao nhất từ trước đến nay.
Đặt mục tiêu trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chuyển đổi số
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm, cho rằng Thanh Hóa có cách làm riêng trong xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực, như cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông được tăng cường đầu tư và hoạt động ổn định, hiệu quả.
Tuy nhiên, ông Liêm cũng chỉ ra, bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định. Trong đó, không phải bất kỳ một cơ quan, đơn vị, cá nhân nào cũng hiểu được sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng, tính cấp bách của công tác chuyển đổi số, thậm chí còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Công nghệ số chưa được ứng dụng sâu rộng trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, cơ sở dữ liệu chuyên ngành cấp tỉnh phục vụ chuyển đổi số địa phương còn hạn chế; nhiều quy trình nghiệp vụ chuyên môn của các cơ quan, đơn vị chưa có các nền tảng số để nâng cao hiệu quả hoạt động. Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp. Việc chuyển đổi số của người dân còn hạn chế, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi.
Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn chưa được chú trọng. Tình hình an toàn, an ninh mạng tuy được kiểm soát nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro...
Nhận thức rõ vai trò của việc chuyển đổi số đối với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, tỉnh Thanh Hoá đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 vào nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Đến năm 2030 tiếp tục trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền số. Đây là nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng để cả hệ thống chính trị chung sức thực hiện chuyển đổi số với 3 trụ cột chính Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số./.