Bình Thuận: Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ thanh long
Chuyển đổi số là xu thế và là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; mở ra nhiều cơ hội, tạo điều kiện để các địa phương nắm bắt, bức phá vươn lên. Ở nước ta, trong thời gian qua Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định rõ “Thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số; phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Chính phủ số”.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh Bình Thuận đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch triển khai chương trình chuyển đổi số, như Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 18/03/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 3588/KH-UBND ngày 25/10/2022 về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2022 – 2015, định hướng đến năm 2030.
Trong thời gian qua, Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định thanh long là cây trồng chủ lực của tỉnh. Do đó, bên cạnh việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào trong sản xuất, Ngành Nông nghiệp cũng xác định việc ứng dụng chuyển đổi số vào trong sản xuất nông nghiệp là hết sức quan trọng và cần thiết trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, cần rõ ràng và minh bạch trong các khâu sản xuất và sơ chế, chế biến. Trong đó, đã tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu cơ bản về trồng trọt; ứng dụng công nghệ số tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, dự báo, cảnh báo thị trường về giá cả, thời vụ, ...; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn vệ sinh thực phẩm; phát triển nền tảng số, chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; triển khai thực hiện các giải pháp cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, cảnh báo thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi thông qua các nền tảng số để hỗ trợ người nông dân từng bước thích ứng với thị trường trong và ngoài nước.