Seoul sử dụng công nghệ địa nhiệt giúp các tòa nhà khử carbon
Chính quyền thủ đô Seoul (SMG) đang đặt mục tiêu thay thế các hệ thống sưởi và làm mát cũ trong các tòa nhà công cộng bằng các hệ thống địa nhiệt để giúp đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2050.
Để giảm lượng khí thải nhà kính của các tòa nhà, một trong những nơi phát thải lớn nhất trong thành phố, SMG sẽ cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng của các tòa nhà cũ.
Theo đó, SMG đang chuyển đổi các tòa nhà công cộng của mình, bao gồm cả tòa thị chính, sang hệ thống năng lượng địa nhiệt thân thiện với môi trường như một phần trong nỗ lực đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050.
Một khi hệ thống địa nhiệt được đưa vào sử dụng, mức tiêu thụ năng lượng dự kiến sẽ giảm gần 30%; mức độ tiếng ồn và độ rung cũng sẽ giảm xuống do hệ thống mới không yêu cầu bất kỳ thiết bị ngưng tụ không khí ngoài trời nào.
Hệ thống năng lượng địa nhiệt tạo ra năng lượng nhiệt từ đất, đá nền và nước dưới đất để sưởi ấm và làm mát các tòa nhà. Vào mùa hè, nhiệt độ dưới lòng đất thấp hơn trên mặt đất và ngược lại vào mùa đông. Hệ thống năng lượng địa nhiệt sẽ khai thác những chênh lệch nhiệt độ này.
SMG có kế hoạch ứng dụng công nghệ này trong các tòa nhà mới, bao gồm Khu phức hợp nghệ thuật Pyeongchang-dong trong năm nay, 8 tòa nhà khác trong đó có Bảo tàng Robot & AI vào năm 2023, và 3 tòa nhà khác bao gồm Bảo tàng West Seoul vào năm 2024.
Ngoài ra, các tòa nhà lớn khác, kế hoạch xây dựng các cơ sở công cộng và các dự án bảo trì quy mô lớn cũng có thể được thành phố yêu cầu áp dụng hệ thống địa nhiệt.
Với kế hoạch này, chính quyền Seoul sẽ hỗ trợ 1,75 triệu won cho những ngôi nhà mới lắp đặt hệ thống địa nhiệt. Kế hoạch trợ cấp này dự kiến sẽ được triển khai vào tháng 11.
"Để chủ động đối phó với tình trạng giá dầu tăng cao và đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, cần nhiều người sử dụng năng lượng tái tạo hơn. Do đó, chúng tôi sẽ tăng cường đầu tư tài chính, hỗ trợ nhiều hơn cho các khoản vay tư nhân, cung cấp hỗ trợ và yêu cầu các tòa nhà mới sử dụng năng lượng địa nhiệt", Yoo Yeon-Sik, Tổng Giám đốc Trụ sở chính Khí hậu & Môi trường Seoul cho biết.
Trước đó, với mục tiêu giảm 30% lượng khí thải nhà kính để xây dựng một thành phố an toàn trước các cuộc khủng hoảng khí hậu, SMG cũng đã ban hành một kế hoạch hành động toàn diện về khí hậu để đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2050 bằng cách cắt giảm 35 triệu tấn khí thải carbon. SMG sẽ đầu tư 10.000 tỷ won cho 5 năm tới.
Việc đưa hệ thống năng lượng địa nhiệt vào các tòa nhà công cộng chính một phần trong lộ trình triển khai của kế hoạch này.
Cùng với các kế hoạch được triển khai, chính quyền Seoul cũng tiết lộ mục tiêu tăng tỷ lệ thâm nhập năng lượng mới và tái tạo lên 12,6% vào năm 2026 và 21% vào năm 2030 từ mức hiện tại là 4,3%.
Nhằm hiện thực hóa được mục tiêu đưa ra này, SMG khuyến khích sử dụng các hệ thống năng lượng mới và tái tạo - địa nhiệt, thủy nhiệt, điện mặt trời - và loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch trong thời gian tới./.