Cần chính sách giúp nông dân tiếp thị, bán hàng

Sự bị động của cả doanh nghiệp (DN) lẫn nông dân trước yêu cầu mới của thị trường trong nước và thế giới có nguyên nhân là họ chưa tiếp cận được kịp thời thông tin, chính sách mới.

2310h13.png

Tại hội nghị trực tuyến về thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành Nam bộ, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu từ Trung ương đến địa phương phải có ngay giải pháp “truyền chính sách như tiếp thị bán hàng” đến tận từng người dân.

* Đưa thông tin “nóng” đến từng nông dân

Tìm giải pháp cho tình trạng ách tắc trong xuất khẩu trái cây ở khâu kiểm tra Covid-19, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng dự báo tiêu thụ trái cây sẽ gặp khó khăn do Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “zero Covid”. Các biện pháp phòng dịch của nước này làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu, ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước. DN cần phải kiểm soát chặt quy trình sản xuất, tránh lây nhiễm chéo Covid-19 trên bao bì, sản phẩm, thành container…

Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh đánh giá, cấp mã số vùng trồng cây ăn quả để tăng cường quản lý vùng trồng, nắm sát sản lượng, chất lượng từng loại trái cây; chỉ đạo rải vụ trái cây linh hoạt phù hợp với tình hình tiêu thụ. Đồng thời, tiếp tục kết nối DN thu mua trái cây; phát triển mảng bảo quản và chế biến.

Ở góc độ khác, Phó cục trưởng Cục Chế biến - phát triển thị trường nông sản Lê Thanh Hòa chỉ ra, các địa phương cũng như DN cần chú ý thông tin về hoạt động của các cửa khẩu để điều chuyển hàng hóa hợp lý. Ví dụ, hiện cửa khẩu Hà Khẩu (tỉnh Lào Cai) và Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) phía Trung Quốc đã mở cửa thông quan nhưng chưa có xe trái cây nào chuyển đến, trong khi tại cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) lại đang tồn hàng trăm xe chở hàng.

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu mỗi cán bộ ngành Nông nghiệp sớm hình thành tư duy “tiếp thị chính sách”. Thay vì để người dân, DN, HTX đi hỏi, tìm hiểu về các văn bản quy phạm pháp luật, người làm chính sách phải đưa những quy định mới đến với càng nhiều người càng tốt, thay vì chỉ “gửi công văn đi”.

* Xây dựng siêu thị trái cây online

Hiện ngày càng nhiều sàn thương mại, chợ online bán các mặt hàng nông sản được mở ra. Hoạt động kinh doanh nông sản trên các sàn thương mại điện tử chưa bao giờ sôi nổi như hiện nay vì đây là kênh phân phối đang có nhiều lợi thế cạnh tranh vì người mua, người bán đều trực tiếp giao dịch mà không phải qua quá nhiều khâu trung gian với các khoản chi phí cho nhân công, điểm tập kết hàng như các kênh phân phối truyền thống.

Tại hội nghị trực tuyến về thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành Nam bộ, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long Văn Hữu Huệ cho hay: “Chúng tôi mơ ước có siêu thị online cho cả đồng bằng sông Cửu Long. Bạn bè cả nước và nước ngoài vào đó sẽ thấy trực tiếp và đặt hàng...”.

Phát triển thương mại điện tử cho ngành hàng nông sản cũng là nội dung được Đồng Nai đặc biệt quan tâm. Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 10318/KH-UBND về triển khai thực hiện Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT ngày 21-7-2021 của Bộ TT-TT về kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, tiên phong ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ nông sản, chuyển đổi việc mua bán trên nền tảng công nghệ số (sàn thương mại điện tử) như: postmart.vn, voso.vn, ecdn.vn.

Thời gian qua, Sở Công thương và các đơn vị, địa phương liên quan đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, kết nối, tập huấn để các DN, HTX trong tỉnh đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, phát triển các website quảng bá, bán hàng...

Hội Nông dân tỉnh đã ký kết với Bưu điện tỉnh về chương trình phối hợp hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2022-2025. Mục đích hỗ trợ các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, hộ kinh doanh cá thể, HTX, tổ hợp tác, chi tổ hội nghề nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn; đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, góp phần tiêu thụ nông sản khi vào mùa thu hoạc