Hưng Yên: 100% cơ quan, đơn vị đã kết nối đường truyền dữ liệu chuyên dùng

Ngày 29/3/2022, đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hưng Yên làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15/6/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Nghị quyết số 06). Cùng dự có đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

vt-1-result-20220617154351.jpg

Nhân viên Viettel Hưng Yên kiểm tra hoạt động của các thiết bị cung cấp dịch vụ viễn thông

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, đến nay, 100% cơ quan, đơn vị có hệ thống mạng nội bộ, kết nối Internet băng thông rộng, đường truyền dữ liệu chuyên dùng. Mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã được triển khai tại 100% các cơ quan, đơn vị ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Các hệ thống thông tin được triển khai kết nối liên thông 4 cấp hành chính từ tỉnh đến xã và với Trung ương cùng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Các ban, sở, ngành đã quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai các phần mềm trong quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy nhiên, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các ngành hiện nay còn riêng biệt, chưa kết nối, chưa chia sẻ được dữ liệu... 

Theo kế hoạch, trong giai đoạn tới sẽ dần chuyển các dữ liệu chuyên ngành về lưu trữ tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh và tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống. Để bảo đảm an toàn thông tin, tỉnh đã triển khai thực hiện dự án Trung tâm giám sát, điều hành an toàn thông tin.

Hiện nay, 100% các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã kết nối và sử dụng Internet phục vụ công việc; gần 60% số doanh nghiệp xây dựng website giới thiệu về công ty và cung cấp thông tin sản phẩm, dịch vụ. Khả năng tiếp cận về công nghệ thông tin và tiếp cận về các dịch vụ y tế, giáo dục thông minh của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã từng bước thay đổi, góp phần nâng cao nhận thức, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, danh tính số và hệ thống định danh, xác thực điện tử mới đang triển khai xây dựng; mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân còn thấp; tỷ lệ phủ sóng 4G chưa toàn diện, chưa có trạm phát sóng 5G trên địa bàn tỉnh…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định, thực hiện Nghị quyết số 06, việc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả và có chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung còn nhiều, hạn chế.

Các sở, ngành, đơn vị phải thẳng thắn, nghiêm túc nhìn nhận thực trạng về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh và tại từng sở, ngành, đơn vị. Cần tìm ra nguyên nhân ảnh hưởng tới chuyển đổi số để có giải pháp hiệu quả.

Xếp hạng về chuyển đổi số của tỉnh đạt thấp, đặc biệt là chỉ số về chính quyền số. Việc cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 và các chương trình, quyết định về chuyển đổi số của Chính phủ tại tỉnh còn chậm. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 chiếm tỷ lệ thấp; kinh tế số chiếm tỷ trọng nhỏ trong nền kinh tế; các phương thức kinh doanh số chưa phát triển; tỷ lệ người dân sử dụng giao dịch số còn hạn chế…

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, thách thức trong chuyển đổi số ở tỉnh là rất lớn, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực, quyết tâm để không bị tụt hậu. Do đó, cần tập trung thực hiện 6 nội dung then chốt gồm: Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển hạ tầng số; phát triển nền tảng số; phát triển dữ liệu số; phát triển các ứng dụng, dịch vụ số và dịch vụ công; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.

Bên cạnh đó, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết số 06 và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số, cần phải xác định: Xây dựng chính quyền số là khâu đột phá; phát triển kinh tế số là trung tâm và phát triển xã hội số là chiến lược lâu dài.

Lấy con người làm trung tâm và thể chế, công nghệ là động lực chuyển đổi số toàn diện trên 3 trụ cột (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số). Nhận thức của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nhất là người đứng đầu và người dân đóng vai trò quyết định chuyển đổi số thành công và vững chắc.

Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc huy động sự đồng hành, tham gia sâu rộng của người dân, doanh nghiệp. Phải xác định chuyển đổi số là động lực phát triển và mở ra không gian không giới hạn cho tăng trưởng kinh tế nhanh, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của tỉnh.

Tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực để cải thiện chỉ số xếp hạng DTI đến năm 2025 tăng ít nhất 10 bậc. Hạ tầng chuyển đổi số cần được tập trung đầu tư, đồng thời khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh.

Các sở, ngành xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo chuẩn chung và kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh. Cùng với chính quyền số, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xã hội số, đồng thời tăng cường bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.

Người đứng đầu chính quyền các cấp, các ban, sở, ngành, đơn vị phải là người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chuyển đổi số tại ngành, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách. Các sở, ngành cần xây dựng kế hoạch, chương trình chuyển đổi số của đơn vị mình cụ thể theo giai đoạn và từng năm, đồng thời tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện nhằm đưa nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số đi vào cuộc sống, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển…