Lòng nhân hậu của cô giáo Hậu

Hai năm qua, bên cạnh những người xung kích trên tuyến đầu chống dịch COVD-19, còn có rất nhiều người thầm lặng tiếp sức ở hậu phương. Trong đó có các nhà giáo miệt mài gieo chữ để trao truyền tri thức, đồng hành với người dạy, người học phát triển năng lực tiếp cận Chương trình Giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018 và sách giáo khoa mới. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu là một trong những nhà giáo như thế...

Cô giáo có năng lực sư phạm khác thường

Trong chuyến công tác đầu Xuân Nhâm Dần 2022 vừa qua, tôi tranh thủ ghé thăm một gia đình người thân ở biên giới phía Bắc vào một buổi tối giá lạnh. Điều tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy cả gia đình xúm quanh chiếc máy tính để theo dõi một bài giảng trực tuyến. Chú em họ tôi chỉ vào màn hình nói: “Cô giáo này có năng lực sư phạm khác thường, bài giảng của cô nhiều kiến thức, kỹ năng cuốn hút đến nỗi thứ bảy tuần nào cả nhà em cũng ngóng vào Zoom học”. Thằng cháu nhanh miệng nối tiếp: “Bác ơi, cô giáo cháu có khả năng thôi miên, dạy “siêu” lắm, cháu từ sợ học văn giờ sang thích học văn rồi bác ạ!".

38.jpg

Cô giáo Hậu với học sinh nghèo vùng cao. Ảnh: HẢI YẾN

Quả thật, tôi bị cuốn hút ngay bởi giọng nói truyền cảm và có nội lực. Những kiến thức cô truyền tải rõ ràng, mạch lạc, dường như trong đó là cả nhiệt huyết cháy bỏng yêu nghề và sức sáng tạo thiên phú cùng những kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm, ứng dụng công nghệ điêu luyện. Tôi đã hiểu vì sao cả nhà chú em tôi, vợ là giáo viên dạy Ngữ văn bậc trung học cơ sở (THCS), con trai mới vào học lớp 6 và chú em tôi đang làm cán bộ quản lý chuyên môn cấp sở lại có thể cùng học chung một buổi dạy của cô giáo mà vẫn rất phù hợp và bổ ích.

Không phải mất nhiều thời gian, chỉ một vài từ khóa gõ trên Google, tôi đã có được khá nhiều thông tin về cô giáo dạy trực tuyến trên Zoom Free. Thú thực ban đầu nghe tên “cô giáo Hậu”, tôi chỉ nghĩ đó là một cô giáo dạy Ngữ văn bậc THCS. Nhưng điều bất ngờ với tôi bởi cô là nhà giáo dạy Ngữ văn bậc THCS có học vị tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam cách đây hơn một thập kỷ. Khi đó, giáo viên dạy THCS chỉ cần tốt nghiệp cao đẳng. Kết nối với một số thầy, cô giáo ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nơi cô giáo Hậu từng học cao học và nghiên cứu sinh, các thầy cô đều nhận xét: Cô ấy là một học viên hiếu học, nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, chỉ trong 5 năm đã được nhận hai tấm bằng thạc sĩ và tiến sĩ loại xuất sắc. Thật là hiếm có một giáo viên như thế.

Kết nối với các đồng nghiệp của cô giáo Hậu ở các tỉnh mà cô đã đến chia sẻ chuyên môn, có người đã thốt lên: “Trời ơi, em cứ hình dung nữ tiến sĩ văn học người Hà Nội xuất hiện là sẽ như một ngôi sao. Thế nhưng chị ấy lại thân thiện và giản dị quá chừng”.

Cô giáo Ma Thị Hoản, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Phúc Sơn (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) nói: “Là cô giáo có kinh nghiệm nhiều năm dạy môn văn, nhưng khi được dự tiết giảng của cô giáo Hậu, tôi thấy mình còn nhỏ bé quá. Phong cách giảng dạy cùng kiến thức của cô giáo Hậu khiến chúng tôi phải học hỏi rất nhiều. Từ bài giảng của cô Hậu, tôi thấy mình cần phải trau dồi kiến thức và nghiệp vụ hơn nữa, thấy tâm huyết với nghề và yêu môn Ngữ văn nhiều hơn”.

 “Cô giáo Hậu” cái tên bình dị ấy đã trở thành địa chỉ của trang cá nhân rất thân thương trên mạng xã hội và cũng là nơi rất nhiều người gửi gắm sự thương yêu, kính trọng.

Công việc thầm lặng sau giờ lên lớp

Sau nhiều lần kết nối lịch gặp trực tiếp, cuối cùng tôi đã đến được nơi cô giáo Hậu đang sống. Hóa ra cô thuê nhà ở ngay phố Lý Nam Đế, TP Hà Nội. Cô nói với tôi không phải do “kiêu” không muốn gặp nhà báo mà do công việc của cô bận quá, làm việc suốt và bản thân cô cũng không muốn “lên mặt báo” vì cô chỉ là một nhà giáo bình thường. Quả thật nhìn vào lịch làm việc tuần của cô, tôi vô cùng cảm phục bởi khối lượng công việc rất nhiều, nào là viết sách, soạn bài giảng, thu âm, sản xuất các video phụ họa... Để tiết kiệm thời gian cho việc ăn uống, cô luộc sẵn khoai lang, đến bữa chỉ cần vài lát khoai và... nước lọc.

Khác với động cơ học tập của nhiều người thời đó, cô nhận bằng tiến sĩ Ngữ văn xong vẫn tiếp tục trực tiếp giảng dạy môn Ngữ văn tại Trường THCS Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội). Vừa dạy học, cô vừa nghiên cứu chuyên sâu về đặc trưng các thể loại văn học để  đổi mới phương pháp giảng dạy. Việc dạy chuyên sâu như vậy sẽ chấm dứt được tình trạng dạy văn mẫu, dạy đọc chép, học sinh học thuộc lòng từng chữ của thầy, không còn khả năng sáng tạo. Với đam mê nghiên cứu và trách nhiệm với nghề, từ năm 2005, cô tham gia viết sách tham khảo môn Ngữ văn và các bài nghiên cứu về dạy văn học. Từ những đề tài nghiên cứu này, cô giáo Hậu đã được mời tham gia chương trình nghiên cứu sách giáo khoa mới. Từ nghiên cứu, cô lại bước sang lĩnh vực ứng dụng với vai trò tổ chức bản thảo, đọc thẩm định, góp ý đề cương, sách giáo khoa mới.

Nói về số đầu sách cô làm tác giả, chủ biên, đồng chủ biên từ năm 2005 đến nay, cô không thể nhớ hết mấy chục cuốn. Nhìn vào giá sách của cô, tôi ước tính số trang sách cô viết xếp lại phải cao hơn người cô.

Phòng làm việc của cô như một trường quay truyền hình với đủ loại máy chiếu, máy quay phim, máy thu âm, máy tính... Nhìn vào lịch làm việc đặc kín từ sáng sớm đến 12 giờ đêm, tôi lại càng cảm phục người phụ nữ đã tuổi trung niên mà sử dụng được tất cả phương tiện và nhiều phần mềm công nghệ như thế. Cô kể cho tôi nghe những nỗ lực khi một mình tự học trên mạng để kịp đáp ứng các bài giảng cho học sinh trong đại dịch Covid-19. Hai năm qua, cô đã tự làm hơn 1.000 video, thu âm, lồng tiếng, viết kịch bản, tạo ra những sản phẩm học liệu số. Nhưng tất cả việc đó với cô chưa thấm vào đâu, bởi hằng ngày cô còn dạy trực tuyến môn Ngữ văn THCS cho học sinh và giáo viên trên toàn quốc, viết sách tham khảo môn Ngữ văn từ lớp 6 đến lớp 12.

Cô Hậu nhớ lại: Năm 2018, CTGDPT 2018 được dư luận xã hội quan tâm rất nhiều. Tham gia tổ chức, soạn thảo, biên tập, góp ý chương trình từ những năm còn trong nghiên cứu nên cô nhận thấy đa phần giáo viên hoang mang, chưa hiểu hết cái hay, cái mới, cái tiến bộ của CTGDPT 2018. Vì vậy, cô đã tự sản xuất nhiều video chia sẻ thêm về những câu hỏi của giáo viên, cộng đồng mạng.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 buộc ngành giáo dục phải chuyển đổi từ việc dạy học trực tiếp sang dạy học online. Làm thế nào để học sinh hứng thú học? Làm thế nào để các thầy cô có bài giảng online chất lượng tốt?... Các câu hỏi đó thôi thúc cô tìm tòi, sáng tạo ra cách dạy, cách học online hiệu quả trên cơ sở kinh nghiệm của hơn 30 năm đứng lớp, hơn chục năm viết sách luyện thi.... 

Theo cô giáo Hậu, việc dạy online đối với mỗi giáo viên sẽ vất vả, nhưng nếu chuẩn bị chu đáo sẽ bảo đảm chất lượng và hiệu quả hơn so với việc dạy trực tiếp (offline). Bởi lẽ, trên các phần mềm trực tuyến, thầy cô chia sẻ được tài liệu, chuyển hóa video cho người học. Bên cạnh đó, người học không chỉ học một lần mà có thể học đến ba, bốn, năm lần qua những video bài giảng. 

Lòng nhân hậu được lan tỏa

Từng là học trò rất nghèo, một sinh viên nghèo vượt khó nên cô Hậu luôn đồng cảm với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Hạnh phúc lớn nhất của cô là được làm việc thiện. Giấy khai sinh và hồ sơ lý lịch của cô ghi rõ là Nguyễn Thị Hậu, nhưng mọi người thường gọi cô là Nhân Hậu bởi cô có tấm lòng nhân hậu.

Cô Hậu không nhớ mình đã có bao nhiêu chuyến đi làm từ thiện. Cô chỉ nhớ chuyến đi từ thiện ấn tượng nhất, đó là chuyến đi sau ngày bảo vệ luận án tiến sĩ (năm 2010). “Em đã dùng tất cả số tiền mừng của đồng nghiệp, bạn bè và người thân để mua vải, tự thiết kế, may 70 chiếc áo chống rét mang tên “Hoa trạng nguyên”, tự tay đóng hàng và lên xe khách đi Chiêm Hóa tặng học sinh nghèo. Sau khi tặng áo xong, em thấy số học sinh chưa được tặng áo đứng rét co ro. Hình ảnh đó cứ ám ảnh em. Trở về Hà Nội, em quyết định mang chiếc xe máy là tài sản duy nhất ra hiệu cầm đồ, để vay tiền mua thêm áo và lên ngay với các em. Trong tuần đó, trời Hà Nội rất lạnh. Nằm trong chăn ấm, em khóc thương lũ trẻ và thôi thúc mình phải làm thật nhanh”-cô Hậu nhớ lại.

Lòng nhân hậu được lan tỏa. Gần đến ngày cô giáo Hậu mang áo đi, bạn bè của cô biết chuyện và rất nhiều áo, chăn đã được quyên góp, cùng cô giáo Hậu đến Chiêm Hóa. “Hai tuần sau đó, lại một chuyến đi với quy mô lớn, một đoàn xe chở đầy hàng hóa, trao đến tận các điểm trường xa nhất của huyện Chiêm Hóa với những giá trị vật chất lớn đến nỗi không thể thống kê. Điều đáng mừng là nhiều em học sinh được tặng chăn, tặng áo sau này trở thành kỹ sư, bác sĩ. Ước mơ “Hoa trạng nguyên” của em thành hiện thực”, cô Hậu xúc động kể.

Phòng làm việc của cô giáo Hậu có khá nhiều thư cảm ơn của các đồng nghiệp, cha mẹ và học sinh gửi đến. Trong đó tôi thực sự xúc động khi đọc lá thư viết bằng thơ của cháu Hoàng Yến, dân tộc Tày, học sinh lớp 8C, Trường THCS Phúc Sơn. Bài thơ có đoạn:

“Cô tuyệt đẹp bởi tấm lòng nhân hậu

Như chính tên mình đã mấy chục mùa xuân!

Áo ấm cô trao bé nghèo miền sơn cước

Đẹp tựa lòng cô sưởi ấm trái tim con”.

Tiếp xúc với cô giáo Hậu, trao đổi với các đồng nghiệp và học sinh của cô, tôi lại càng thấy lẽ sống của cô đúng như tên gọi: Nhân Hậu.