Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Việt Nam chỉ chuyển đổi số thành công khi đi con đường Việt Nam”
Chuyển đổi số là câu chuyện toàn cầu. Nhưng chuyển đổi số Việt Nam là con đường Việt Nam. Việt Nam chỉ phát triển được khi đi con đường Việt Nam. Nhận thức về chuyển đổi số đã rõ, lý luận đã hình thành. Con đường Việt Nam về chuyển đổi số đã định hình. Tổng diễn tập chuyển đổi số đã diễn ra trong năm 2021 và năm 2022 là năm tổng tiến công của chuyển đổi số. Đó là nhận định của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 của Khối Công nghệ số Bộ TT&TT tổ chức ngày 28/1/2022.
Ngày 28/1/2022, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 của Khối Công nghệ số. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng phụ trách Khối Công nghệ số, đại diện lãnh đạo bảy đơn vị thuộc Khối Công nghệ số của Bộ bao gồm: Cục Tin học hóa, Cục An toàn thông tin, Vụ Quản lý Doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin, Viện Chiến lược TT&TT, Viện Phần mềm và Nội dung số, Trung tâm Chứng thực Điện tử Quốc gia. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Năm 2021: Khối Công nghệ số hoạt động với tinh thần “Việc 5 năm làm trong 1 năm”
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đã báo cáo tóm tắt những nhiệm vụ công tác Khối Công nghệ số đã hoàn thành trong năm 2021. Cụ thể, Khối Công nghệ số đã thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc và an toàn an ninh mạng cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Việt Nam đã đạt được xếp hạng 25 về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu. Số lượng kết nối, chia sẻ dữ liệu thông qua Nền tảng chia sẻ dữ liệu quốc gia tăng gấp 15 lần, từ 10 triệu năm 2020 tăng lên 200 triệu năm 2021. Đây là hệ thống CNTT lớn thứ hai của Bộ (sau hệ thống quản lý tên miền) và là hệ thống lớn thứ hai của quốc gia. Hàng tháng có 30 triệu người sử dụng nền tảng chống dịch. Thông qua Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) chuyển đổi số do Bộ TT&TT khởi xướng, đã có 16 nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ được tiếp cận, dùng thử các nền tảng số xuất sắc Make in Vietnam. Đã có 2 nghìn doanh nghiệp chính thức sử dụng các nền tảng này sau khi kết thúc quá trình thử nghiệm. Cẩm nang chuyển đổi số bản điện tử tại địa chỉ dx.mic.gov.vn đã thu hút được sự quan tâm lớn của người dân, doanh nghiệp với 7 triệu lượt đọc.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, năm 2021, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhà nước đạt được nhiều thành tích đáng chú ý với việc xây dựng và trình được 26 văn bản QLNN quan trọng, trong đó có 20 văn bản được ban hành, đạt tỷ lệ hoàn thành 77%. Cụ thể, các văn bản pháp luật đã ban hành bao gồm: 1 hồ sơ luật, hai hồ sơ nghị định, 8 quyết định Thủ tướng Chính phủ, 2 thông tư, 12 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, 1 định mức kinh tế kỹ thuật.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng báo cáo tóm tắt những nhiệm vụ công tác Khối Công nghệ số đã hoàn thành trong năm 2021
Năm 2021 là năm Khối Công nghệ số đã thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ của mình theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng “Việc 5 năm làm trong 1 năm”. Với khối lượng công việc làm được trong năm, nội hàm của tinh thần làm việc “Việc 5 năm làm trong 1 năm” đã được hiểu rõ nhất: Công việc làm được nhiều hơn, nỗ lực phải lớn hơn và lời giải cho các vấn đề phải đơn giản hơn, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chia sẻ.
Chuyển đổi số chủ yếu là thay đổi cách tiếp cận
Ấn tượng với một số thành tựu của Khối Công nghệ số trong lĩnh vực chuyển đổi số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, triển khai chuyển đổi số muốn thành công chủ yếu phụ thuộc vào cách tiếp cận. Lấy trường hợp thành công của Cẩm nang chuyển đổi số phiên bản điện tử làm ví dụ. Chỉ với 1 người thực hiện trong 2 tháng, Cẩm nang chuyển đổi số bản điện tử đã thu hút 7 triệu lượt truy cập, cụ thể 712 nghìn lượt truy cập trong tháng 12/2021, mỗi người trung bình dừng lại khoảng 10 phút đọc cẩm nang. Cẩm nang bao gồm những câu hỏi đáp nhanh về chuyển đổi số (chuyển đổi số khi nào, là gì, là việc của ai, đem lại lợi ích gì cho người dân) và được triển khai với nguồn lực nhỏ. Điều đó cho thấy, chuyển đổi số về căn bản là nhanh, không tốn kém, chủ yếu là cách tiếp cận. Khi ta thay đổi cách tiếp cận, ta có thể giải các bài toán khó một cách dễ dàng.
Toàn cảnh Hội nghị
Về phát triển nền tảng số quốc gia trong năm 2022, là Thường trực của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bộ TT&TT sẽ chia việc phát triển nền tảng số cho các Bộ ngành, địa phương theo lĩnh vực. Đối với nhiệm vụ này, Bộ trưởng lưu ý, khi đưa việc phát triển nền tảng số về cho các Bộ, tỉnh, cần đi kèm với các kế hoạch thực hiện theo tuần, theo tháng, thực hiện giám sát online. Có như vậy, Bộ TT&TT mới nhìn thấy sự tiến triển công việc, nếu các Bộ, tỉnh gặp khó khăn, Bộ TT&TT có thể hướng dẫn, hỗ trợ ngay. Chuyển đổi số là làm những việc mới, theo cách tiếp cận mới, chỉ có người khởi xướng, người dẫn dắt mới hiểu rõ. Do đó, khi đưa nền tảng số quốc gia về Bộ, tỉnh làm, cần phải đi kèm hướng dẫn, kế hoạch cụ thể, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chuyển đổi số là làm cái mới, cái chưa có tiền lệ, vậy nên không sợ dốt. Kiến thức đã cũ, lỗi thời lại trở thành rào cản. Làm không ra, nghĩ không ra, đi hỏi người khác sẽ “ngộ” ra được nhiều điều, có thể tìm được lời giải cho những bài toán khó.
Trong lĩnh vực an toàn thông tin, Bộ trưởng bày tỏ sự vui mừng với việc thăng hạng về chỉ số an toàn thông tin của Việt Nam, xếp thứ 25 về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu. An toàn thông tin mạng đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam, Bộ trưởng chỉ đạo cần phải thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của lĩnh vực an toàn thông tin, thúc đẩy đào tạo nhân lực an ninh mạng để đào tạo ra những nhân lực xuất sắc. Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nghiên cứu phương án tổ chức các cuộc thi về ATTT với giải thưởng lớn (khoảng 500 nghìn USD).
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng đã giải đáp, đưa ra những gợi ý cho những câu hỏi, băn khoăn, vướng mắc của đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Khối Công nghệ số liên quan đến nhiều vấn đề, từ bảo vệ dữ liệu cá nhân, xây dựng các tiêu chuẩn an toàn thông tin cho đến chuyển đổi số trong các lĩnh vực…
Thành công lớn nhất của Khối Công nghệ số năm 2021: Vượt lên nỗi sợ hãi, sợ bị chỉ trích, sợ bị phê bình.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao những thành tích đã đạt được trong năm 2021 cũng như kế hoạch hành động năm 2022 của toàn bộ Khối Công nghệ số.
Bộ trưởng nhận định, năm 2021 là năm vươn lên của Khối Công nghệ số toàn quốc. Thành công lớn nhất của Bộ TT&TT nói chung và Khối Công nghệ số nói riêng trong năm 2021 là đã vượt qua nỗi sợ, sợ bị phê bình, sợ “núi việc”. Vượt qua nỗi sợ hãi, Khối Công nghệ số đã biến nhiều việc “không thể” thành “có thể”: Xây dựng những nền tảng số quốc gia phục vụ hàng chục triệu người dùng với chi phí rất thấp.
Trong năm 2022, Bộ trưởng chỉ đạo, Bộ TT&TT với vai trò là cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cần đặt ra kế hoạch hành động cho Ủy ban, đồng thời xây dựng hệ thống giám sát, báo cáo tự động, hệ thống báo cáo online.
Là Bộ dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT cần phải đi đầu về chuyển đổi số. Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của Bộ TT&TT, trình lên Bộ trưởng trong tháng 2.
Trong năm 2022, Bộ trưởng chỉ đạo, dịch vụ công trực tuyến vẫn cần phải tiếp tục cải tiến chất lượng, tăng tỷ lệ hồ sơ được giải quyết trực tuyến (30-70%); Bắt buộc đưa trợ lý ảo vào ứng dụng trong các cơ quan quản lý nhà nước.
Liên quan đến chuyển đổi số, Bộ trưởng nhận định, nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, đầu tư, chi tiêu cho chuyển đổi số của các ngành, địa phương đã bắt đầu tăng, do vậy, Bộ cần khẩn trương ban hành các hướng dẫn triển khai, các tiêu chí đánh giá dự án chuyển đổi số, thành lập các tổ hậu kiểm, giám sát nhằm hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số tại các ngành địa phương được triển khai hiệu quả, thực sự mang lại giá trị có thể định lượng, đo đếm được.
Khối Công nghệ số được giao nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện lý luận về chuyển đổi số
Đảng và Nhà nước đã coi chuyển đổi số là động lực phát triển trong các thập kỷ tới. Trọng trách dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia được giao cho Bộ TT&TT. Đây là một sứ mệnh thiêng liêng, trọng trách lớn lao nhưng vinh quang. Trọng trách này Bộ trưởng giao cho Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng và Khối Công nghệ số. Tổng diễn tập chuyển đổi số đã diễn ra trong năm 2021 và năm 2022 là tổng tiến công chuyển đổi số.
Trong một cuộc cách mạng, sức mạnh tinh thần và niềm tin luôn mang yếu tố quyết định. Nhận thức về chuyển đổi số đã rõ, lý luận đã hình thành. Con đường Việt Nam về chuyển đổi số đã định hình. Chuyển đổi số là câu chuyện toàn cầu. Nhưng chuyển đổi số Việt Nam là con đường Việt Nam. Việt Nam chỉ phát triển được khi đi con đường Việt Nam.
Dẫn lối của Bộ TT&TT chính là nhận thức, là lý luận, là con đường Việt Nam. Người đứng đầu ngành TT&TT giao Khối Công nghệ số tiếp tục hoàn thiện lý luận về chuyển đổi số. Không có lý luận dẫn đường không làm được việc lớn, không ra được quyết định lớn. “Đầu tư nghiên cứu về chuyển đổi số, đầu tiên phải là lý luận, sau đó mới ra chiến lược, chính sách, hành động. Đây là một nhận thức mới về chuyển đổi số”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng tặng quà cho các đơn vị thuộc Khối Công nghệ số.
* Hội nghị cũng đã vinh danh 24 cá nhân xuất sắc trên từng lĩnh vực của Khối Công nghệ số. Cụ thể: 10 gương mặt có tiềm năng trở thành nhân sự xuất sắc; Nhân sự xuất sắc trong học tập; Nhân sự xuất sắc trong quản lý nhà nước; Nhân sự xuất sắc trong quan hệ đối ngoại.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chụp ảnh lưu niệm với Khối Công nghệ số.