Tấn công mạng liên quan đến COVID-19 vẫn tăng mạnh
Khối lượng các mối đe dọa phần mềm độc hại được McAfee Labs quan sát thấy trong quý 3/2020 là trung bình mỗi phút lại có 588 mối đe dọa, tăng 169 mối đe dọa mỗi phút (40%). Trong quý 4/2020, trung bình mỗi phút có 648 mối đe dọa tấn công mạng.
Tấn công mạng gia tăng trong đại dịch là điều mà các nhà nghiên cứu đã lường trước, tuy nhiên, những con số các vụ tấn công mạng vừa được công ty phần mềm bảo mật máy tính toàn cầu McAfee đưa ra thật sự gây sốc.
Báo cáo của McAfee chỉ rõ COVID-19 được xem là mối đe dọa hàng đầu của các sự cố tấn công mạng. Trên toàn thế giới, có tổng cộng 10,45 triệu mối đe dọa tấn công mạng.
“Các sự cố được tiết lộ công khai đã tăng 100% ở châu Âu từ quý 3 đến quý 4 năm 2020. Sự cố ở châu Á tăng 84% và ở Bắc Mỹ tăng 36%”, báo cáo cho biết.
Mỹ là nước đứng đầu bị các tin tặc nhắm tới, với hơn 2,5 triệu mối đe dọa tấn công mạng được phát hiện tại Mỹ. Tiếp theo là Tây Ban Nha với khoảng 2 triệu nguy cơ. Ấn Độ đứng thứ ba. Theo dữ liệu, khoảng 762.187 mối đe dọa đã được phát hiện ở Ấn Độ trong khoảng thời gian từ ngày 2/5/2020 đến ngày 18/4/2021.
Hầu hết các mối đe dọa này là Trojan, một phần mềm độc hại cho phép tội phạm mạng có quyền truy cập vào hệ thống và thiết bị của một cá nhân hoặc một công ty.
Ví dụ: phần mềm độc hại có thể nằm trong thiết bị di động hoặc máy tính của bạn và đánh cắp dữ liệu tài chính nhạy cảm như chi tiết tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng.
Đặc biệt, trong quý 2/2020, công ty bảo mật đã phát hiện số vụ đe dọa tấn công mạng liên quan đến Covid-19 tăng 605%. Các chiến dịch liên quan đến dịch bệnh tiếp tục tăng trong quý 3 và 4 năm 2020.
“Khối lượng các mối đe dọa phần mềm độc hại được McAfee Labs quan sát thấy trong quý 3/2020 là trung bình mỗi phút lại có 588 mối đe dọa, tăng 169 mối đe dọa mỗi phút (40%). Trong quý 4/2020, trung bình mỗi phút có 648 mối đe dọa tấn công mạng", báo cáo nêu.
Báo cáo cảnh báo mọi người dùng không nên nhấp vào các liên kết chưa được xác minh và mở các tệp đính kèm email bên ngoài. Các lỗ hổng phần mềm độc hại và mã độc tống tiền nhắm mục tiêu vào các ứng dụng và quy trình làm việc của các tổ chức đã hoạt động mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2020. Chúng tiếp tục là các mối đe dọa nguy hiểm có khả năng chiếm mạng lưới và dữ liệu dù các tổ chức tiêu tốn hàng triệu tài sản và chi phí phục hồi, báo cáo nêu rõ.