Ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý chăn nuôi
Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang phối hợp với Viễn thông An Giang xây dựng và ứng dụng phần mềm 4.0 để quản lý trong chăn nuôi đem lại hiệu quả.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang phối hợp với Viễn thông An Giang xây dựng và ứng dụng phần mềm 4.0 để quản lý trong chăn nuôi. Ảnh: Nguyễn Minh.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang, trước đây công tác quản lý tình hình chăn nuôi tại các nông hộ, trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, cơ sở kinh doanh giống vật nuôi, cơ sở ấp nở… trên địa bàn tỉnh An Giang đều thông qua các nhân viên Chăn nuôi và Thú y ghi chép vào sổ sách, tổng hợp và báo cáo định kỳ hay đột xuất về Trạm Chăn nuôi và Thú y.
Do đó việc ưng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tình hình chăn nuôi tại các nông hộ, trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, cơ sở kinh doanh giống vật nuôi, cơ sở ấp nở… trên địa bàn tỉnh An Giang là cần thiết và phù hợp với định hướng ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý phát triển chăn nuôi.
Từ tháng 9/2020, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang đã bắt đầu phối hợp với Viễn thông (VNPT) An Giang xây dựng và ứng dụng phần mềm quản lý chăn nuôi trên địa bàn tỉnh An Giang theo công nghệ 4.0.
Việc ứng dụng phần mềm công nghệ 4.0 này vào quản lý chăn nuôi bước đầu đã tạo nhiều tín hiệu tích cực. Các thông tin về số lượng các hộ, trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, hộ hay cơ sở kinh doanh giống vật nuôi, cơ sở ấp nở… trên địa bàn cấp xã, cấp huyện đều được cập nhật và được lưu trên hệ thống để Chi cục Chăn nuôi và Thú y có thể cập nhật báo cáo Sở NN-PTNT, UBND tỉnh An Giang, Bộ NN-PTNT và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Bà Nguyễn Thị Xoàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang cho biết: Việc áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý chăn nuôi ở An Giang bước đầu đã đem lại hiệu quả cao. Mục đích là nhằm giúp cập nhật số liệu chính xác và hỗ trợ tốt cho công tác kiểm tra, giám sát, phòng ngừa, khoanh vùng và kiểm soát dịch bệnh được thuận lợi hơn. Từ đó cơ quan quản lý thông tin kịp thời thông báo, khuyến cáo cho các địa phương và từng cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi ở trong tỉnh. Đặc biệt có ý nghĩa trong tình hình bệnh dịch tả heo Châu Phi, dịch cúm gia cầm, bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò… luôn tìm ẩn nguy cơ khó lường ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người chăn nuôi.
Các số liệu thống kê trên phần mềm là cơ sở để đơn vị xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi, cân đối cung cầu sản phẩm chăn nuôi, định hướng phát triển vật nuôi lợi thế. Tính đến ngày 20/10/2021, phần mềm đã cập nhật gần 37 ngàn cơ sở chăn nuôi. Nhân viên chăn nuôi thú y thường xuyên cập nhật trên hệ thống phần mềm khi có sự thay đổi tình hình chăn nuôi tại địa bàn quản lý (tăng đàn, phát sinh nuôi mới hoặc giảm đàn, nghỉ nuôi).
Hiện nay việc ứng dụng phần mềm vào quản lý chăn nuôi trên địa bàn tỉnh An Giang đã tạo bước đột phá mới trong công tác quản lý chăn nuôi, góp phần kiểm soát dịch bệnh đàn vật nuôi tại địa phương, tạo thuận lợi trong việc truy cập dữ liệu lịch sử chăn nuôi và lịch sử diễn biến dịch bệnh để giúp cơ quan quản lý và người dân chủ động phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Quản lý chăn nuôi tốt, hạn chế được dịch bệnh, sẽ dự báo được sản lượng, truy xuất được nguồn gốc và định hướng thị trường cho từng loại sản phẩm.
“Trong thời gian tới, việc cập nhật đầy đủ thông tin về tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm vào phần mềm sẽ giúp địa phương quản lý tốt công tác chăn nuôi, và kịp thời hỗ trợ người dân trong việc kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi. Trên cơ sở đó có dữ liệu để nhanh chóng cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý phát triển chăn nuôi, quản lý dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh” bà Xoàn thông tin thêm. |