Phú Thọ: Xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số
Thời gian qua, hoạt động xây dựng chính quyền điện tử được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ quan tâm chỉ đạo sát sao, hiệu quả, hiệu lực công tác lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Nhà nước không ngừng được nâng lên, người dân và doanh nghiệp thuận tiện hơn khi thực hiện các giao dịch với cơ quan Nhà nước. Tiếp nối những thành công này, UBND tỉnh vừa ban hành quyết định thực hiện Đề án phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch, nhiều địa phương đã đầu tư xây dựng Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và tổ chức đến làm các thủ tục hành chính.
Theo đó, tỉnh xác định phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số nhằm chuyển đổi hoạt động quản lý điều hành của chính quyền dựa trên cơ sở dữ liệu và công nghệ số, tạo cơ sở xây dựng nền hành chính hiện đại, đổi mới phương thức phục vụ, bảo đảm gắn kết ứng dụng số với cải cách hành chính…, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Mục tiêu đặt ra sẽ là chuyển đổi cơ bản hoạt động của chính quyền lên môi trường điện tử, môi trường số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, khai thác hiệu quả các hệ thống thông tin, xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành, dữ liệu dùng chung của tỉnh làm nền tảng cho xây dựng chính quyền số.
Đảm bảo thực hiện được mục tiêu trên, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước được thực hiện đồng bộ ở cả ba cấp: Tỉnh, huyện, xã; hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư, hệ thống nền tảng chính quyền điện tử từng bước được hoàn thiện.
Theo ông Lê Quang Thắng - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, 100% các cơ quan nhà nước của tỉnh đã thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số thay thế văn bản giấy (trừ văn bản mật theo quy định). Tính đến tháng 8/2021, các cơ quan, đơn vị thực hiện gửi nhận 625.412 văn bản điện tử (tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2020); 135.221 văn bản điện tử đi được phát hành trên Trục liên thông văn bản Quốc gia (tăng 38,2%). Đến nay, 4.556 chữ ký số chuyên dùng đã được cấp cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong các cơ quan nhà nước của tỉnh.
Song song với đó, hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đã được triển khai đồng bộ, thống nhất, liên thông đến 100% các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến huyện, xã. Cổng dịch vụ công của tỉnh kết nối liên thông Cổng dịch vụ công Quốc gia, hệ thống đang cung cấp 1.977 thủ tục hành chính (TTHC), bao gồm cung cấp trực tuyến mức độ 3: 851 TTHC, mức độ 4: 677 TTHC, 626 TTHC được đồng bộ trạng thái xử lý kết quả với Cổng dịch vụ công Quốc gia, tăng 174,86% so với năm 2020. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến sau khi triển khai đến nay đã có trên 300 điểm cầu. Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã hướng dẫn các cơ quan, đơn vị triển khai thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt và đăng ký biên lai điện tử theo hướng dẫn của Cục Thuế tỉnh, hiện đã có 153/225 xã, phường, thị trấn mở tài khoản thanh toán trực tuyến.
Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh được kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin đủ điều kiện chia sẻ dữ liệu của các cơ quan Trung ương, hệ thống thông tin Quốc gia. Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) của tỉnh được thiết lập và triển khai với 12 phân hệ, giúp phân tích, tổng hợp nhanh, chính xác dữ liệu theo từng lĩnh vực, hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh và các cơ quan, đơn vị một cách kịp thời, chính xác. Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, Chính phủ được triển khai đồng bộ đến 100% các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến huyện, xã...
Chính quyền điện tử bước đầu đã làm thay đổi cách thức làm việc của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh từ phương thức thủ công sang môi trường điện tử, các nhiệm vụ được giải quyết nhanh chóng, chính xác, đồng bộ hơn. Trên cơ sở những kết quả đạt được, các cấp, các ngành đang triển khai các bước thực hiện Đề án phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là nhiệm vụ chưa có tiền lệ, sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, do đó toàn tỉnh sẽ bám sát mục tiêu chung, cụ thể hóa bằng việc tập trung thực hiện sáu nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đó là: Phát triển chính quyền điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển các hệ thống phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; xây dựng cơ sở dữ liệu, nền tảng hệ thống, hạ tầng số hướng tới chính quyền số; xây dựng đô thị thông minh; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; nâng cao các chỉ số thành phần trong xếp hạng cấp tỉnh PCI, PAPI, PAR INDEX…