Nguồn vốn đầu tư cho Startup tại Đà Nẵng - Bài 2: Hút vốn đầu tư từ sự đột phá công nghệ
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, để các dự án khởi nghiệp kêu gọi được nguồn vốn triệu đô, các Startup phải có nền móng vững chắc. Đồng thời, dự án đó cũng phải đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ, để tạo nên bước đột phá.
Startup cần tạo sự đột phá công nghệ
Những dự án này phải xuất phát từ các ý tưởng liên quan đến sự vận hành của thị trường và nhu cầu của thị trường, nhưng chưa được ai giải quyết. Từ đó, các Startup nảy sinh ý tưởng, áp dụng yếu tố công nghệ, để tạo sự đột phá.
“Tiêu chí để các nhà đầu tư để ý đến dự án khởi nghiệp là yếu tố thị trường phải lớn và nó phải vượt qua biên giới quốc gia. Tiếp theo đó, dự án phải có áp dụng ứng dụng công nghệ để tạo ra sự đột phá. Bên cạnh đó, đội ngũ sáng lập dự án phải thạo việc. Từ đó, đội ngũ này mới có năng lực giải quyết các bài toán thị trường”, bà Lê Mỹ Nga phân tích.
Vị chuyên gia này lấy ví dụ từ ứng dụng gọi xe công nghệ. Qua đó, từ khi xuất hiện ứng dụng gọi xe công nghệ, người lái xe không còn là tài xế chuyên nghiệp nữa, mà ai có xe vẫn có thể trở thành tài xế, kiếm thêm thu nhập trong thời gian rảnh rỗi.
Từ đó, khách bắt xe sẽ nắm được giá của từng km trong chuyến hành trình. Tránh trường hợp, tài xế lợi dụng việc khách du lịch không biết được, nhầm chạy vòng vèo để trả cước phí hơn bình thường.
“Nhờ vào nền tảng công nghệ, Startup sẽ tạo ra được đột phá. Và đây là cơ hội cho các ban startup đạt được thành công hơn, so với các dự án khởi nghiệp của 10 năm trước”, bà Lê Mỹ Nga nhận định.
Xây dựng nền tảng từ các trường đại học
Ông Lý Đình Quân, Tổng giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn cho rằng, để đưa các dự án có thể kêu gọi thành công vốn triệu đô, thành phố phải giải quyết được các nút thắt, từ việc tạo hạt giống tại các trường đại học cho đến hình thành mạng lưới hỗ trợ vốn cho các dự án tiềm năng.
Theo ông Quân, hạt giống ươm tạo tại các trường đại học rất quan trọng. Bởi các trường đại học sẽ truyền lửa khởi nghiệp cho các bạn sinh viên. Cùng với đó, các trường đại học là nơi truyền kiến thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên. Và đây cũng là môi trường cho các em được thử nghiệm các ý tưởng khởi nghiệp.
Qua sự trải nghiệm đó, các bạn sẽ rút ra được nhiều bài học khi ra trường. Việc ươm tạo các hạt giống khởi nghiệp phải xây dựng từ ban đầu, nhưng phải ở các trường đại học lớn. Bởi các trường đại học nhỏ không đủ nguồn lực.
Vì vậy, Đà Nẵng cần thành lập một trung tâm khởi nghiệp cho các trường đại học của địa phương. Việc thành lập này giúp cho thành phố có được một tổng thể đa ngành, đa nghề và đa liên kết.
“Hiện nay, vấn đề kết nối tại các trường của Đà Nẵng vẫn còn rời rạc. Trong khi đó, nguồn lực trí tuệ tại Đà Nẵng rất lớn. Chúng ta đang lãng phí tài nguồn tài nguyên này. Thành phố cần có biện pháp khai thác tối đa nguồn tài nguyên này”, ông Quân nhận định.
Ông Lý Đình Quân khẳng định, việc kêu gọi vốn triệu đô không khó, cái khó lớn nhất nằm ở chỗ chúng ta phải tạo ra được nguồn giá trị của việc ươm tạo dự án khởi nghiệp. Bên cạnh đó, các dự án phải thật sự có chất lượng để khi ươm tạo 10 dự án, thì trong đó được 5 dự án tốt.
Ngoài ra, nhà nước cũng cần tạo nhiều cơ chế hơn trong việc khởi nghiệp tại các trường Đại học. Hình thành các mạng lưới hỗ trợ trong hệ sinh thái khởi nghiệp như: Mạng lưới cố vấn, mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần, mạng lưới các cơ chế chính sách ...
Tiếp theo đó, nhà nước cũng cần có nhiều chính sách cho các vườn ươm, ươm tạo các dự án khởi nghiệp. Song hành với nhà nước, các Startup cũng cần có sự đồng hành và hỗ trợ của tập đoàn lớn cũng như các quỹ đầu tư.