Thái Nguyên: Chuyển đổi số thành công khi có “công dân điện tử”
Đứng trước đòi hỏi phải chuyển đổi số (CĐS) để theo kịp sự phát triển nên Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề về vấn đề này. Trong đó, việc CĐS trong cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh phải tiên phong, vận hành trơn tru, không bị động. Tiếp đó, công dân trong tỉnh sử dụng được công nghệ để tiếp cận, khai thác trọn vẹn các dịch vụ công ở mức độ 3-4…
Người dân xã Văn Hán (Đồng Hỷ) thực hiện các thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” của UBND xã. Ảnh: N.H
Công khai, minh bạch, giảm thiểu thời gian, chi phí, phòng chống tham nhũng… là những lợi ích to lớn khi CĐS thành công. Đặc biệt, đây sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất để xây dựng nền hành chính phục vụ. Do vậy, thời gian qua, các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn, hướng tới xây dựng Chính quyền điện tử các cấp. Trong đó, cơ quan Nhà nước các cấp trên địa bàn đặc biệt chú trọng thực hiện số hóa các dịch vụ hành chính công để hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Đồng thời, cán bộ cơ quan nhà nước các cấp trong tỉnh từng bước nâng cao trình độ, nhận thức và kỹ năng cho người dân, chuyển từ giao dịch trực tiếp, sang tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin trong các giao dịch hành chính công trực tuyến.
Hiện nay, hạ tầng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh được quan tâm đầu tư. Hệ thống một cửa điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã được triển khai đồng bộ, thống nhất, liên thông đến 100% cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Cổng dịch vụ công của tỉnh cung cấp trực tuyến 100% thủ tục hành chính công từ mức độ 2 đến mức độ 4 với tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt hơn 98%.
Đồng chí Kiều Quang Khánh, Phó Giám đốc Văn phòng Đất đai tỉnh cho biết: Chúng tôi đã sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường số. 9 chi nhánh của Văn phòng ở các huyện, thành, thị đã niêm yết bảng hướng dẫn quy trình, cách thức gửi hồ sơ trực tuyến. Chúng tôi cũng đã làm việc với các phòng công chứng trên địa bàn để phối hợp, hướng dẫn công giải quyết hồ sơ trực tuyến.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất để có chính quyền điện tử là người dân chưa thực sự hiểu và mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin khi cần được giải quyết thủ tục hành chính. Bước đầu xác định được nguyên nhân là do thói quen đến cơ quan nhà nước khi có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính, tiếp đến là người dân sợ mất giấy tờ gốc khi sử dụng dịch vụ bưu chính; ngại tìm hiểu, khai thác các quy trình gửi hồ sơ trên mạng… Anh Lê Văn Sơn, ở tổ 6, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) cho biết: Tôi có nghe thông tin cơ quan hành chính của T.P Thái Nguyên đã giải quyết dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 nhưng không biết cách tra cứu, scaner các loại giấy tờ để gửi hồ sơ và lo ngại chuyện thất lạc hồ sơ khi gửi giấy tờ gốc mà không có giấy biên nhận của cán bộ chuyên môn.
Thêm một nguyên nhân nữa là điều kiện của một bộ phận cư dân trong tỉnh còn khó khăn, chưa tiếp cận được với Internet, chưa trang bị được điện thoại thông minh hoặc có điện thoại thông minh nhưng thiếu kỹ năng thao tác nên việc gửi hồ sơ, nhận thông tin phản hồi từ cán bộ chuyên môn qua mạng còn bất cập. Ngoài ra, nhiều người dân trong tỉnh chưa thực sự hiểu rõ lợi ích từ việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến để giải quyết thủ tục hành chính; giải quyết hồ sơ trực tuyến khác gì so với việc đến trực tiếp cơ quan hành chính để giải quyết công việc. Minh chứng là cuối năm 2020, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã đi vào hoạt động nhưng số lượng cá nhân, tổ chức đến đây để giải quyết thủ tục hành chính chưa nhiều. Trong khi đó, cán bộ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh luôn sẵn sàng hướng dẫn cách thức, quy trình gửi hồ sơ trực tuyến khi có công dân, đại diện tổ chức đến giải quyết thủ tục hành chính.
Việc người dân chưa hình thành thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến khiến tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh chưa cao (trong năm 2020 mới có gần 600 thủ tục hành được giải quyết ở mức độ 3, mức độ 4). Nắm rõ hạn chế trên nên cơ quan chức năng các cấp trong tỉnh đã, đang đẩy mạnh việc thông tin đến người dân về cách thức và lợi ích của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích. Các hình thức tuyên truyền được thực hiện đa dạng qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở, mạng xã hội để đông đảo người dân tiếp cận được thông tin. Các tập đoàn công nghệ lớn của quốc gia như: VNPT, Viettel nhận hỗ trợ tỉnh, với tính ưu việt của công nghệ số hóa, chỉ trong vòng 3 tháng, cơ quan Nhà nước các cấp trong tỉnh có thể đưa 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với chi phí thấp hơn. Trong khi đó, 10 năm qua thực hiện CCHC theo công nghệ thông thường mới đưa được 10% dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4. Thực hiện nền CCHC CĐS, ưu việt nữa là xử lý văn bản không giấy, họp không gặp mặt, xử lý thủ tục hành chính không tiếp xúc trực tiếp và thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là sự cách mạng trong công tác CCHC của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025. 3 điều kiện quan trọng để tỉnh ta thực hiện CĐS đó là quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền; hạ tầng công nghệ và nhu cầu của người dân.
Với sự giúp đỡ của các tập đoàn công nghệ, UBND tỉnh đã có lộ trình để thực hiện CĐS trong từng giai đoạn cụ thể. Trong đó, ngay trong năm 2021, cơ quan hành chính Nhà nước trong tỉnh sẽ tập trung cung ứng 100% thủ tục hành chính cấp độ 4 lên môi trường số để người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng. Nhưng để hiệu quả thực sự, đòi hỏi cán bộ của mỗi cơ quan, tổ chức trong tỉnh phải hành động trách nhiệm, sãn sàng giúp người dân khi có vướng mắc, dần dần giúp người dân về kỹ năng số, thói quen và văn hóa sống trong môi trường số. Việc CĐS không thể thực hiện ngay trong chốc lát nhưng với sự quyết tâm, kiên trì chắc chắn sẽ thành công.