IPv6 mở rộng không gian phát triển của mạng Internet Việt Nam

100% Bộ, ngành, tỉnh thành ban hành Kế hoạch chuyển đổi IPv6 và 100% chuyển đổi IPv6 thành công cho Cổng TTĐT. Đây là những mục tiêu phải đạt được ngay trong năm 2021 để chuyển đổi hạ tầng của cơ quan nhà nước sang IPv6, chuẩn bị hạ tầng số sẵn sàng cho chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số chính phủ. Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhận định tại Hội nghị tổng kết công tác IPv6 năm 2020 và triển khai chương trình IPv6 For Gov giai đoạn 2021-2025.

Chiều ngày 15/01/2021, tại Bộ TT&TT đã diễn ra Hội nghị tổng kết công tác IPv6 năm 2020 và triển khai chương trình IPv6 For Gov giai đoạn 2021-2025 do Bộ TT&TT tổ chức. Tham dự có đơn vị chuyên trách CNTT các Bộ ngành, các Sở TT&TT toàn quốc, các doanh nghiệp viễn thông Internet.

Phatbieu-2.jpg

Bộ TT&TT đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương trong chuyển đổi IPv6, và các Sở TT&TT đóng vai trò hạt nhân

Chính thức ban hành Chương trình IPv6 For Gov giai đoạn 2021-2025

Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, ngày hôm nay, Bộ TT&TT chính thức ban hành Chương trình IPv6 For Gov giai đoạn 2021-2025 và đặt trọng tâm là chuyển đổi IPv6 cho cơ quan nhà nước. Chương trình được chia thành hai giai đoạn với những chỉ số, chỉ tiêu cụ thể:

Giai đoạn một (2021 - 2022) với mục tiêu 50% Bộ, ngành, tỉnh thành ban hành Kế hoạch chuyển đổi IPv6 và thực hiện chuyển đổi Cổng Thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công hoạt động tốt với IPv6.

Giai đoạn hai (2023 - 2025) với mục tiêu 100% mạng lưới, dịch vụ của cơ quan nhà nước chuyển đổi sang IPv6 và sẵn sàng hoạt động thuần IPv6.

Bamnut-khaitruong.jpg

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng bấm nút khai trương Chương trình IPv6 For Gov giai đoạn 2021-2025

Bộ TT&TT đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương trong chuyển đổi IPv6,  và các Sở TT&TT đóng vai trò hạt nhân

Trong quá trình thực hiện chuyển đổi Ipv6, Bộ trưởng Bộ TT&TT đặt mục tiêu cao là Việt Nam sẽ đi cùng nhịp với Mỹ, Trung Quốc và những nước tiên phong khác. Vì vậy, Bộ TT&TT sẽ đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương trong quá trình chuyển đổi IPv6. Các Sở TT&TT và các đơn vị chuyên trách về CNTT cần đảm nhiệm tốt vai trò hạt nhân, đơn vị tham mưu xây dựng, triển khai thực hiện thành công Kế hoạch chuyển đổi IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ CNTT các bộ, ngành, tỉnh, thành phố; chủ động triển khai và đáp ứng tốt các chỉ tiêu, tiêu chí của Chương trình đã được ban hành.

Về phía Bộ TT&TT, sẽ hoàn tất quá trình triển khai chuyển đổi IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ của Bộ trước để làm hình mẫu tham khảo. Phấn đấu ngay trong năm 2021 này, 100% Bộ, ngành; tỉnh/thành phố ban hành Kế hoạch chuyển đổi IPv6 và chuyển đổi IPv6 thành công cho Cổng TTĐT, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.

Trung tâm VNNIC và các đơn vị thuộc Bộ TT&TT (Cục Tin học hóa, Cục Bưu điện Trung ương, Cục Viễn thông): Thực hiện tốt vai trò chủ trì, dẫn dắt, tư vấn, hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương trong công tác chuyển đổi IPv6, tái cấu trúc hạ tầng mạng lưới cơ quan nhà nước theo hướng hiện đại; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, ICT chuyển đổi IPv6 đồng bộ; tham mưu cho Bộ TT&TT các chính sách, kế hoạch; thúc đẩy tiến trình chuyển đổi thành công IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ cơ quan nhà nước cũng như trong tổng thể hoạt động Internet Việt Nam.

Các doanh nghiệp Viễn thông, Internet phát triển các nền tảng định danh số, thanh toán điện tử hỗ trợ IPv6

Các doanh nghiệp viễn thông, Internet cũng cần đẩy nhanh quá trình cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng trên diện rộng; hướng tới mục tiêu 100% người sử dụng IPv6 tới năm 2023. Các doanh nghiệp nội dung, IDC, Cloud lớn chuyển đổi, cung cấp dịch vụ IPv6 mặc định ngay trong Quý I/2021, Thứ trưởng nhấn mạnh.