V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Sóc Trăng gửi Thủ tướng Chính phủ sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV
Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) nhận được công văn số 6531/VPCP-QHĐP ngày 08/8/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi Thủ tướng Chính phủ sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV trong đó có 01 kiến nghị của cử tri tỉnh Sóc Trăng liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông, nội dung kiến nghị như sau:
Cử tri phản ánh: Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng tăng cường các hình thức tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về chủ quyền biển, đảo đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, đồng thời có giải pháp bảo vệ toàn vẹn biển, đảo quốc gia.
Sau khi nghiên cứu, Bộ TTTT có ý kiến trả lời như sau:
Trong thời gian qua, Bộ TTTT đã phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 22/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tổng thể tuyên truyền bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông và Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 28/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam giai đoạn 2018-2020. Đặc biệt chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo cho đối tượng là đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên bằng nhiều hình thức, cụ thể:
- Phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao thường xuyên chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí làm tốt công tác tuyên truyền, đảm bảo tính kịp thời, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm. Nhiều cơ quan báo chí đã mở các chuyên mục, sử dụng các hình thức tuyên truyền trực quan, hấp dẫn như: video, inforgraphic...
- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức tập huấn kỹ năng tuyên truyền, cung cấp tài liệu cho đối tượng là các tuyên truyền viên trẻ các cấp; Tổ chức Cuộc thi viết “Thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo” năm 2016.
- Tổ chức 07 cuộc Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu với chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại các trường đại học, học viện; Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc số hóa các tư liệu, bản đồ, hiện vật thông qua Triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại 31 trường trung học phổ thông trên địa bàn các tỉnh, thành phố; Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” trên môi trường mạng Internet nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giúp người dân dễ dàng tiếp nhận đầy đủ thông tin về biển, đảo Việt Nam.
- Cung cấp tài liệu, tư liệu để tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh cấp huyện và đài truyền thanh cấp xã; Tổ chức Hội nghị tập huấn về tuyên truyền biển, đảo cho cán bộ làm công tác thông tin cơ sở; Biên soạn và xuất bản tài liệu tuyên truyền về biển, đảo (sách, cẩm nang tuyên truyền, đĩa DVD)...
Trong thời gian tới, Bộ TTTT tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo, giai đoạn 2021-2025, tập trung vào các nội dung sau:
- Tiếp tục theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến trên Biển Đông và tổng hợp dư luận trong nước và quốc tế về các diễn biến trên biển để tăng cường tuyên truyền, phổ biến qua các phương tiện thông tin đại chúng (báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử, các đài phát thanh. truyền hình, mạng xã hội…).
- Tuyên truyền, phổ biến trên hệ thống thông tin cơ sở cả 02 nội dung: Bảo vệ chủ quyền biển, đảo và phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường biển, đảo; cập nhật tình hình diễn biến trên Biển Đông.
- Tổ chức các hội thảo, tọa đàm, tập huấn kỹ năng tuyên truyền và cung cấp thông tin về chủ quyền biển, đảo cho các đối tượng, đặc biệt là đội ngũ phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí, xuất bản, cán bộ làm công tác thông tin cơ sở.
- Tổ chức sản xuất phim tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo phục vụ đối tượng là người Việt Nam ở nước ngoài; Biên soạn tài liệu cung cấp cho các bộ, ngành, địa phương để thông tin, định hướng công tác tuyên truyền biển, đảo Việt Nam.
- Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại về chủ quyền biển, đảo, như: Triển lãm về chủ quyền biển, đảo Việt Nam kết hợp với các hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại tại nước ngoài; Số hoá và xây dựng cơ sở dữ liệu về biển, đảo; Biên dịch sang tiếng nước ngoài một số sách, tài liệu quan trọng, có giá trị chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của các học giả, chuyên gia có uy tín để phục vụ công tác tuyên truyền đối ngoại về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Ngoài ra, nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về các vấn đề bảo vệ chủ quyền biên giới, lãnh thổ, biển, đảo Việt Nam của Đảng và Nhà nước theo các chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt, sau khi tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 27/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TTTT trình Thủ tướng Chính phủ giao Bộ tiếp tục chủ trì xây dựng Đề án thông tin, tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TTTT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Sóc Trăng, trân trọng gửi tới Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng để trả lời cử tri.