Ra mắt nền tảng quản trị doanh nghiệp Misa Amis
Sáng ngày 25/12, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức lễ ra mắt "Nền tảng Quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS”. Misa Amis mang tinh thần sản phẩm Make in Viet Nam – được sáng tạo, thiết kế để giải quyết bài toán chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt nói riêng và góp phần thúc đẩy tiến trình đưa Việt Nam thành quốc gia số nói chung.
Bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc MISA giới thiệu nền tảng quản trị Misa Amis
MISA AMIS là nền tảng quản trị toàn diện nhất cho doanh nghiệp xoay quanh 4 mảng cốt lõi: Tài chính, Kinh doanh, Nhân sự và Điều hành. Mỗi mảng này được chia thành hàng chục ứng dụng nhỏ tương ứng với một nghiệp vụ. Các doanh nghiệp quy mô đến đâu, nhu cầu ở mảng nào thì chọn sử dụng các ứng dụng tới đó. Không chỉ tiết kiệm được chi phí mà còn đảm bảo sự liên kết chặt chẽ dữ liệu giữa các bộ phận.
MISA phát triển nền tảng theo định hướng này dựa trên sự nghiên cứu và thấu hiểu nhu cầu của người dùng qua quá trình 26 năm triển khai giải pháp số cho doanh nghiệp. Bởi vậy, nền tảng được xây dựng để giải quyết ba bài toán lớn mà doanh nghiệp gặp phải khi ứng dụng công nghệ vào chuyển đổi số như: không đủ chi phí để đầu tư các hệ thống ERP của nước ngoài; các giải pháp trên thị trường không theo suốt được cả quá trình phát triển của doanh nghiệp; và các giải pháp đang ứng dụng riêng lẻ từng bộ phận thì thiếu sự kết nối trong nội bộ với nhau và với các hệ thống bên ngoài doanh nghiệp để quản trị toàn diện.
Được phát triển để trở thành trung tâm kết nối các ứng dụng phục vụ mọi hoạt động của doanh nghiệp, MISA hiện có hơn 1.000 đối tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và các công ty cung cấp dịch vụ khác như ngân hàng, sàn tuyển dụng/thương mại điện tử, bảo hiểm, giao vận… Việc kết nối này mang tới sự thuận tiện và tiết kiệm thời gian tối đa cho doanh nghiệp. Thay vì phải sử dụng cùng lúc nhiều nền tảng, giờ đây, doanh nghiệp có thể thao tác mọi nghiệp vụ, mọi giao dịch trên một hệ thống duy nhất.
Ứng dụng những công nghệ mới 4.0 mới nhất, MISA AMIS mang đến trải nghiệm mới về làm việc và điều hành thông minh cho người dùng. Cụ thể, dựa trên Cloud, MISA AMIS giúp nhân sự làm việc được bất cứ lúc nào và ở đâu với nhiều thiết bị khác nhau (PC, laptop, tablet, mobile), tạo thành mô hình văn phòng di động. Trong bối cảnh giãn cách do Covid, doanh nghiệp cũng không gặp sự cố gián đoạn hoạt động vận hành nào. Ngoài ra, nền tảng cũng được ứng dụng các công nghệ như: Trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động hóa và xử lý thông tin thông minh, Giám đốc tài chính số, Nhân sự số..; Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), tự động nhập liệu hồ sơ nhân viên, scan card khách hàng,..
Nhờ công nghệ, MISA AMIS sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao 47% hiệu suất làm việc của nhân viên. Vì khi sử dụng nền tảng, các phần mềm sẽ tự động ghi nhận dữ liệu thay vì thao tác nhập liệu thủ công trước đây. Ví dụ như phần mềm kế toán tự lấy số liệu doanh thu từ phần mềm bán hàng ngay khi phát sinh hoạt động mua bán mà không cần kế toán ghi nhận bằng tay. Nền tảng sẽ giúp nhân lực của doanh nghiệp được sử dụng cho những công việc tạo ra giá trị cao hơn là những việc giá trị thấp như nhập liệu.
Bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc MISA cho biết, MISA AMIS hiện đang được ứng dụng tại hơn 12.000 doanh nghiệp trên toàn quốc, với nhiều đơn vị lớn như Savico, Dược phẩm Nhất Nhất, nhà hàng Trống Đồng Palace, Ausdoor, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Thành Thành Công, Le Bros… MISA AMIS là một trong những nền tảng số Make in Việt Nam được Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn giới thiệu và bảo trợ về truyền thông để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, góp phần quan trọng hoàn thành mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.
Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá phát biểu cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, trong đó chuyển đổi số đồng bộ theo 3 trụ cột là chính phủ số, xã hội số và kinh tế số. Chính phủ số là chuyển đổi số các hoạt động của các cơ quan nhà nước, kinh tế số là chuyển đổi số trong các hoạt động xung quanh doanh nghiệp, xã hội số là chuyển đổi hoạt động của người dân trong xã hội. Ba trụ cột này liên quan chặt chẽ với nhau trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Đối với kinh tế số có có mục tiêu là đến năm 2025 kinh tế số đóng góp 25% GDP, và góp phần tăng năng suất trung bình ít nhất 7%. Đây là mục tiêu quan trọng và có ý nghĩa trong chuyển đổi số, kinh tế số trong thời gian tới.
Toàn bộ những hoạt động của các doanh nghiệp phải hướng tới môi trường số, đặc biệt là hướng tới hai loại hình doanh nghiệp, đó là doanh nghiệp số và ứng dụng công nghệ số của các doanh nghiệp truyền thống để phát triển thành phần kinh tế số. Việc ra mắt MISA AMIS là thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong doanh nghiệp
Ông Nguyễn Phú Tiến cũng nhấn mạnh, để phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế số trong doanh nghiệp, Bộ TT&TT thực hiện chủ trương thúc đẩy phát triển các nền tảng chuyển đổi số Make in Vietnam, giới thiệu các sản phẩm nền tảng Make in Vietnam để có nhận thức, lan tỏa các nền tảng trong các hệ thống khác nhau, đặc biệt trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp. Đây là hướng phát triển chủ động của MISA và tin tưởng MISA phát triển theo hướng này và cùng với kinh tế số của Việt Nam trong thời gian tới.