Bình Dương hướng đến phát triển Chính quyền điện tử

Xác định việc xây dựng Chính quyền điện tử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, tỉnh Bình Dương luôn quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hình thành các cơ sở dữ liệu, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin,... bước đầu đã đạt được kết quả khả quan, tạo tiền đề cho việc xây dựng Chính quyền điện tử, hướng đến Chính quyền số.

Quan điểm của Chính phủ về Chính phủ điện tử
 
Vào những năm 1995 - 2000, Chính phủ điện tử đã được các nước tiếp thu và ứng dụng rộng rãi, thúc đẩy phát triển. Dù chưa có định nghĩa thống nhất, nhưng cách hiểu phổ biến nhất về Chính phủ điện tử là “Chính phủ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp”.
 
20201014-m06.jpg
 
Tỉnh Bình Dương tổ chức Hội thảo phát triển kiến trúc cho thành phố thông minh - Hội thảo có nhiều giải pháp được đại biểu thảo luận để triển khai xây dựng Chính quyền điện tử và thành phố thông minh.
 
Năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 64/2007/NĐ-CP về ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước, tạo ra những tiền đề đầu tiên để xây dựng Chính phủ điện tử. Theo đó, các cơ quan Nhà nước phải triển khai các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp như Cổng thông tin điện tử, phần mềm một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến. Đây chính là các phương tiện, công cụ để người dân truy cập và thực hiện các giao dịch với cơ quan Nhà nước. Bên cạnh đó, việc triển khai các ứng dụng nội bộ các cơ quan Nhà nước như thư điện tử công vụ, phần mềm quản lý văn bản, hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến, các phần mềm tác nghiệp…, các ứng dụng này giúp cơ quan Nhà nước thực hiện việc thông tin liên lạc, chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp nhanh chóng và cũng tạo điều kiện xử lý các yêu cầu của người dân được hiệu quả hơn.
 
Từ năm 2015, quan điểm về Chính phủ điện tử tại Việt Nam đã rõ nét hơn, ngày 21/7/2015, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 1.0, phân chia các giai đoạn phát triển của Chính phủ điện tử thành 4 giai đoạn. Giai đoạn 1, cung cấp thông tin cơ bản về các cơ quan Chính phủ trên môi trường Internet; giai đoạn 2, tương tác thông qua các trang thông tin điện tử cung cấp các biểu mẫu, thông tin liên quan; giai đoạn 3, giao dịch thông qua các trang thông tin điện tử của các cơ quan Chính phủ cho phép thực hiện hoàn chỉnh các dịch vụ nộp hồ sơ, xử lý hồ sơ, trả phí trực tuyến; giai đoạn 4, chuyển đổi để cung cấp cho người dân một điểm truy cập duy nhất tới các cơ quan Chính phủ để thực hiện mọi giao dịch, các hoạt động của cơ quan Chính phủ là minh bạch với người dân.
 
Ngày 14/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử, trong đó nêu bật quan điểm Chính phủ điện tử phải là Chính phủ liên thông, “một đầu mối”, người dân có thể thực hiện mọi giao dịch với cơ quan Nhà nước tại một Cổng dịch vụ công duy nhất. Ngày 07/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025. Đây là cơ sở để các địa phương trên cả nước tiếp tục triển khai xây dựng Chính quyền điện tử.
 
Tập trung mọi người lực xây dựng Chính quyền điện tử
 
Bình Dương là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư, nhiều doanh nghiệp hoạt động tại các khu công nghiệp và có nhiều lao động nhập cư, phát sinh nhiều hồ sơ hành chính của người dân, doanh nghiệp. Yếu tố cốt lõi giúp cho Bình Dương phát triển bền vững là Chính quyền phải công khai, minh bạch và giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính. Để làm được điều này, nhất thiết phải xây dựng Chính quyền điện tử.
 
20201014-m07.jpg
 
Hạ tầng công nghệ thông tin được tỉnh Bình Dương quan tâm đầu tư đáp ứng nhu cầu xây dựng Chính quyền điện tử.
 
Trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Chính phủ về Chính phủ điện tử, đồng thời xác định việc xây dựng Chính quyền điện tử là một yêu cầu cấp thiết, tỉnh Bình Dương quyết tâm huy động mọi nguồn lực để xây dựng Chính quyền điện tử. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành hàng hoạt các văn bản, quy định, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy quá trình ứng dụng CNTT cũng như xây dựng Chính quyền điện tử. Cụ thể, năm 2008, ban hành Quy hoạch phát triển CNTT tỉnh Bình Dương đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020; năm 2011, xây dựng “Lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến” với mục tiêu đến năm 2015 hoàn thành cung cấp 19 nhóm dịch vụ công trọng điểm, đến năm 2020 hoàn thiện dịch vụ công cấp xã, cung cấp một số dịch vụ công mức 4 và dịch vụ công trực tuyến liên thông; năm 2013, ban hành Quy chế ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương; năm 2016, ban hành Chương trình hành động số 08-CTr/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; năm 2018, ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương, phiên bản 1.0; năm 2019, ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025. Đây là cơ sở để tỉnh Bình Dương triển khai xây dựng Chính quyền điện tử.
 
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã thành lập Ban chỉ đạo Xây dựng Chính quyền điện tử và thành phố thông minh. Phân chia nhiệm vụ, vai trò trong hoạt động xây dựng Chính quyền điện tử cho các sở, ngành, địa phương tự triển khai các hệ thống chuyên ngành. Đồng thời, giao Sở Thông tin và Truyền thông triển khai xây dựng các hệ thống dùng chung phục vụ cho Chính quyền điện tử như phần mềm quản lý văn bản, phần mềm một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin giải đáp trả lời cho người dân... và kết nối, liên thông giữa các hệ thống; thẩm định kỹ thuật các dự án, hoạt động ứng dụng CNTT, đảm bảo việc triển khai phù hợp với Khung kiến trúc Chính quyền điện tử.
 
Cùng với việc xây dựng Chính quyền điện tử, Bình Dương luôn chú trọng đến yếu tố con người, một Chính quyền điện tử được vận hành hiệu quả khi có sự tham gia đồng loạt của tất cả cán bộ, công chức, viên chức và sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp. Chính vì vậy, trong những năm qua, Bình Dương đã quan tâm đầu tư đào tạo, phát triển nguồn nhân lực CNTT, ban hành các chính sách, chế độ ưu đãi cho công chức, viên chức làm CNTT, thu hút nhân tài, hình thành nên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chất lượng, đáp ứng nhu cầu xây dựng và vận hành Chính quyền điện tử trong tương lai.
 
Thành quả xây dựng Chính quyền điện tử
 
Từ các cơ chế, chính sách đã ban hành, Sở Thông tin và Truyền thông được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương giao phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai nhiều chương trình, dự án, hoạt động CNTT, để cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về xây dựng Chính quyền điện tử.
 
Việc triển khai bước đầu đạt được nhiều kết quả khả quan, các thành phần cơ bản phục vụ cho Chính quyền điện tử đang dần được hình thành. Đáng chú ý là hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc ứng dụng CNTT tại cơ quan hành chính các cấp đã được đầu tư hoàn thiện; mạng Truyền số liệu chuyên dùng đã phủ đến cấp xã; 100% cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống mạng nội bộ. Phần mềm quản lý văn bản được triển khai, sử dụng rộng rãi trong các cơ quan Nhà nước, có chức năng liên thông từ cấp tỉnh tới cấp xã và đã kết nối với Trục liên thông văn bản điện tử của Chính phủ. Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến đã phủ đến các xã, có thể thực hiện đồng thời 3 cuộc họp trực tuyến. Hệ thống thư điện tử công vụ hoạt động với trên 6.900 hộp thư; 94% cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng hộp thư công vụ cho công việc.
 
20201014-m08.jpg
 
Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến được tỉnh Bình Dương triển khai đến cấp xã.
 
Các trang thiết bị đảm bảo an toàn thông tin được đầu tư theo hướng chuyên dụng, hiện đại. Hầu hết các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã trang bị các giải pháp an toàn thông tin. Tỉnh đã thành lập Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng; xây dựng thí điểm mạng mô hình An toàn thông tin 4 lớp (mức độ cao); kết nối hệ thống báo cáo trực tuyến Trung tâm Giám sát An toàn thông tin của tỉnh đến Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.
 
Cổng thông tin điện tử của tỉnh được xây dựng, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu truy cập của người dân, doanh nghiệp, là kênh thông tin chính thức của chính quyền tỉnh Bình Dương với hơn 1 triệu lượt truy cập/năm. Nhiều năm liền Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Dương đã vinh dự được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp hạng nằm trong top đầu danh sách 63 tỉnh, thành phố đáp ứng các tiêu chí về cổng/trang thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông. Hệ thống phần mềm một cửa điện tử đã được triển khai đến cấp xã, cung cấp nhiều tiện ích hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tra cứu thông tin. Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh cũng đã được xây dựng từ rất sớm và liên tục được nâng cấp, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của Chính phủ, kết nối, đồng bộ một số tính năng với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, cung cấp thêm nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.
 
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã đưa vào vận hành Hệ thống đường dây nóng 1022 để tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức. Hệ thống đã tiếp nhận hơn 3.938 yêu cầu, phản ánh, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính, phản ánh hiện trường, hỗ trợ cấp cứu... Đây là một trong những nội dung trọng tâm để xây dựng Chính quyền điện tử, là cơ sở để gắn kết giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp.
 
Thành tựu rõ nét nhất của Chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương còn được thể hiện thông qua mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Theo các báo cáo đánh giá của Văn phòng Chính phủ, hệ thống Cổng dịch vụ công và một cửa điện tử của tỉnh Bình Dương thường xuyên nằm trong top đầu danh sách các tỉnh, thành phố thực hiện việc tích hợp đồng bộ với Cổng dịch vụ công Quốc gia.
 
Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tỉnh Bình Dương đang dần cụ thể hóa quyết tâm hoàn thành các mục tiêu xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến xây dựng Chính quyền số, góp phần xây dựng tỉnh Bình Dương ngày càng phát triển, thân thiện, văn minh, hiện đại.