Bộ TT&TT cam kết đồng hành cùng Đồng Tháp trong tất cả vấn đề liên quan đến BCVT, CNTT, chuyển đổi số

Chiều ngày 10/9/2020, tại trụ sở Bộ TT&TT tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đã có buổi làm việc trực tuyến với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp.

Cùng dự tại điểm cầu Trụ sở Bộ TT&TT có Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn, một số cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ, các doanh nghiệp trong ngành TT&TT. Tại điểm cầu Đồng Tháp, có sự tham dự của Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan; ông Phạm Thiện Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh, và đại diện một số doanh nghiệp BCVT tại tỉnh. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Lãnh đạo các Cục Vụ thuộc Bộ TT&TT đề xuất, gợi mở định hướng phát triển BCVT, ICT, ATTT, báo chí cho tỉnh Đồng Tháp
 
Tại buổi làm việc, đại diện các Vụ Bưu chính, Vụ CNTT, Cục Tin học hóa, Cục An toàn thông tin, Cục Báo chí, Báo điện tử Vietnamnet đã đưa ra những định hướng phát triển cụ thể, những đề xuất cho tỉnh Đồng Tháp trong tất cả các lĩnh vực từ BCVT, CNTT, ATTT, báo chí truyền thông.
 
20200910-pg2-BT.jpg
 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Cần ưu tiên triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, giáo dục"
 
Cụ thể, trong lĩnh vực Bưu chính, Đồng Tháp có thế mạnh là tỉnh nông nghiệp và hiện đã kết hợp với sàn giao dịch điện tử Tiki để bán đặc sản địa phương. Đại diện Vụ bưu chính đề nghị tỉnh tranh thủ lợi thế sàn thương mại điện tử của các doanh nghiệp bưu chính (Voso, Postmart), thông qua mạng lưới bưu chính rộng khắp của doanh nghiệp đưa sản phẩm của Đồng Tháp tới khách hàng trong nước và quốc tế. Đồng thời, tỉnh cũng nên hoàn thiện và khai thác Vpostcode mà VietnamPost đã xây dựng nhằm nâng cao hiệu quả chuyển phát, logistics cho thương mại điện tử.
 
20200910-pg3-BThuDT.jpg
 
Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị trực tuyến
 
Trong lĩnh vực viễn thông, Đồng Tháp có thế mạnh là tốc độ tăng trưởng thuê bao băng rộng rất tốt (6 tháng đầu năm 2020 đạt tốc độ tăng trưởng 12%), số thuê bao di động có smartphone đạt 70%, cao hơn mức trung bình cả nước. Mục tiêu đặt ra là phải phủ sóng cáp quang đến 100% khóm, ấp; Nâng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang; Lập kế hoạch phát triển hạ tầng số; Tăng tỷ lệ băng rộng cố định.
 
Liên quan đến ứng dụng CNTT, Cục Tin học hóa đề xuất tỉnh cần sớm hoàn thành khung kiến trúc phiên bản 2.0; xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm về phát triển chính quyền số của tỉnh.
 
Về dịch vụ công trực tuyến, Đồng Tháp đã có gần 50% DVCTT ở mức 2 và mức 3, tuy nhiên mức 4 vẫn còn ít. Ngoài ra cũng cần nâng cao tỷ lệ dịch vụ phát sinh hồ sơ trực tuyến. Cục đề xuất có thể phối hợp thành lập tổ công tác chung giữa Bộ với tỉnh để nhanh chóng đưa DVCTT mức 3 lên mức 4, đảm bảo 2020 sẽ hoàn thành tối thiểu tỷ lệ 30%.
 
20200910-pg4-kyket-DT.jpg
 
Bộ TT&TT và UBND tỉnh Đồng Tháp ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển TT&TT (điểm cầu trụ sở Bộ TT&TT 18 Nguyễn Du, Hà Nội)
 
Hiện nay Cục Tin học hóa đang triển khai thí điểm xã thông minh ở 12 xã trên toàn quốc. Đồng Tháp có thể chọn một xã để làm thí điểm, Bộ sẽ hỗ trợ phát triển mô hình, đồng hành cùng Sở và các doanh nghiệp để giải đáp.
 
Về an toàn thông tin, đại diện Cục An toàn thông tin cho biết, Đồng Tháp đã cơ bản hoàn thành mô hình 4 lớp, quan tâm đào tạo cán bộ chuyên trách an toàn an ninh mạng, đã có giải pháp phòng chống mã độc tập trung. Tuy nhiên, tỉnh hiện chi cho an toàn an ninh thông tin mới chỉ đạt 0,6% trên tổng chi cho CNTT trong khi phải đạt tối thiểu 10% tổng chi cho CNTT; Chưa có kế hoạch tuyên truyền nâng cao nhận thức về ATTT.
 
20200911-m01.jpg
 
Bộ TT&TT và UBND tỉnh Đồng Tháp ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển TT&TT (tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp)
 
Đối với công nghiệp ICT, đại diện Vụ CNTT cho hay, Đồng Tháp cần thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. Đồng Tháp có thể kết nối với các nền tảng du lịch Make in vietnam để làm nội dung du lịch quảng bá hình ảnh du lịch, hướng dẫn để mỗi hộ dân có thể thành một khách sạn, quản lý nhà mình như quản lý phòng khách sạn...
 
Về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, Đồng Tháp đã có hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa sử dụng công nghệ blockchain, cần mở rộng hơn nữa, đảm bảo tính minh bạch, sự tin tưởng của khách hàng với hàng nông sản của tỉnh…
 
Về công tác báo chí, đại diện Cục Báo chí nhận định, Đồng Tháp không có nhiều cơ quan báo chí, không có khó khăn về quy hoạch báo chí. Đài PTTH Đồng Tháp đạt mức trung bình ở khu vực về doanh thu (80 tỷ). Báo Đồng Tháp mỗi kỳ phát hành 7.000 bản (lượng in giảm). Hiện nay, báo Đồng Tháp đã có báo điện tử, lượng truy cập hơn 140.000 lượt/ngày. Cục Báo chí hỗ trợ báo Đồng Tháp nhằm nâng cao chất lượng báo điện tử như bồi dưỡng kỹ năng, công nghệ...
 
Về quản lý thông tin xấu độc trên mạng xã hội, Bộ có tổ công tác về xử lý thông tin xấu độc trên mạng và sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm với tỉnh về vấn đề này.
 
Về công tác thông tin cơ sở, Đồng Tháp cần đẩy mạnh chuyển đổi số, thay trạm truyền thanh công nghệ cũ thành công nghệ số, chủ yếu sử dụng mô hình của MobiFone, đưa thông tin về cơ sở sử dụng hạ tầng viễn thông, số hóa và biến văn bản thành giọng nói đã triển khai ở nhiều tỉnh, thành phố.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết, ông rất ấn tượng với cách điều hành phiên làm việc trực tuyến của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng như các chia sẻ của các đơn vị chức năng thuộc Bộ và doanh nghiệp.
 
Đồng chí nhấn mạnh, lãnh đạo các sở ngành thuộc tỉnh cần phải có suy nghĩ mới, phải thấy được những lợi ích to lớn mà chuyển đổi số mang lại, phải có sự kiên trì, niềm tin, nếu không thì cho dù đầu tư 100-200 tỷ cũng không làm được chuyển đổi số.
 
Tỉnh Đồng Tháp chưa xây dựng được bộ chỉ tiêu đánh giá viễn thông, CNTT, báo chí… Sở TT&TT cần tham mưu tỉnh tạm thời xây dựng bộ tiêu chí để xác định mình đang ở đâu và mức độ hướng tới, lượng hóa giá trị của công tác chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong vận hành chính quyền, vận hành xã hội, vận hành nền kinh tế.
 
Trong Ban Chỉ đạo CNTT của tỉnh, phải mời doanh nghiệp vào để cùng hoạch định chiến lược phát triển cho địa phương. Cần kết nối giữa chính quyền với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh.
 
Đồng chí cũng bày tỏ mong muốn Bộ TT&TT sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tỉnh Đồng Tháp trong quá trình triển khai chuyển đổi số trong thời gian tới.
 
Chuyển đổi số thành công hay không phụ thuộc vai trò vào người đứng đầu
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, Đồng Tháp trong những năm qua đã có nhiều đổi mới, cách làm mới, mô hình mới. Bí thư tỉnh ủy rất mạnh mẽ trong đổi mới. Đây là điều kiện quan trọng số một để thực hiện chuyển đổi số.
 
Bộ trưởng nhấn mạnh, Đồng Tháp muốn thành công trong chuyển đổi số, Tỉnh ủy cần có nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số, sau đó UBND có chiến lược về chuyển đổi số, gồm tất cả các vấn đề liên quan đến lĩnh vực TT&TT.
 
Đồng thời, tỉnh cũng cần dành 1% ngân sách hàng năm cho CNTT, nếu muốn đột phá, sánh vai với khu vực, thế giới về CNTT thì dành 2%. Nhà nước chi 1 đồng thì xã hội chi 10-20 đồng, nhiều nơi 100 đồng cho lĩnh vực đó. Còn đầu tư khoản tiền đó thế nào cho trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả thì Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ tỉnh, Bộ trưởng cam kết.
 
Ban giám đốc Sở TT&TT cần được kiện toàn để có chuyên môn. Muốn đột phá về việc thì phải đột phá về người. Từ quý 4/2020, Bộ sẽ đánh giá, xếp hạng các Sở TT&TT về tất cả các lĩnh vực của Bộ và sẽ thông báo về cho tỉnh biết để điều hành.
 
Bộ trưởng Bộ TT&TT nhận định, CNTT có một điểm quan trọng: Người trung bình không làm được, chỉ có người giỏi mới làm được. Doanh nghiệp trả lương cao, dễ thu hút người tài. Cơ quan Nhà nước đứng ra tự làm sẽ khó: Đầu tư vất vả, thủ tục mua sắm phức tạp, lại phải khai thác, duy tu sửa chữa, sau có công nghệ mới lại phải tiếp tục đầu tư. Do đó, nên thuê doanh nghiệp làm, cơ quan nhà nước chỉ cần đặt ra bài toán, đặt ra vấn đề.
 
Bộ trưởng lưu ý, các tỉnh nên chọn doanh nghiệp chiến lược đồng hành để cùng triển khai thực hiện các kế hoạch về chuyển đổi số. Đối với những vấn đề nền tảng, nên cân nhắc chọn từ 1 đến 3 đối tác, cùng lắm là 4 đối tác chiến lược.
 
Việc gì thấy khó, tỉnh cứ đẩy lên cho Bộ TT&TT nhờ giúp đỡ, nhất là về hướng đi, cách làm, giới thiệu công nghệ, nền tảng, doanh nghiệp. Bộ TT&TT sẽ đứng sau hỗ trợ.
 
Ưu tiên triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, giáo dục
 
Người đứng đầu ngành TT&TT khẳng định, triển khai chuyển đổi số trong hai lĩnh vực giáo dục và y tế cần được ưu tiên thực hiện. Điều này hầu như đúng với tất cả các quốc gia trên thế giới.
 
Bộ trưởng đề xuất, Đồng Tháp muốn chuyển đổi số trong giáo dục chỉ cần ban hành văn bản quy định chương trình phổ thông và đại học phải có 20% chương trình học theo hình thức trực tuyến. Hiện nay về chính sách chưa có nhưng chủ trương đã có rồi. Chỉ cần đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo cho cơ chế thí điểm.
 
Về thiết kế chương trình học trực tuyến, các doanh nghiệp đã có sẵn công nghệ và nền tảng phần mềm từ thời Covid đầu năm 2020. Chỉ với một quyết định như vậy, những bài giảng của những giáo viên giỏi nhất của các trường nổi tiếng nhất đất nước sẽ đưa được về cho học sinh Đồng Tháp.
 
Câu chuyện khó hơn là nâng cao chất lượng giáo viên. Giáo viên dạy học theo phương thức truyền thống phải soạn bài, sử dụng phấn trắng bảng đen để dạy học nên chất lượng giảng dạy khác nhau. Giờ đây với các nền tảng trực tuyến, tất cả bài giảng, cách giảng được đưa lên phần mềm,  giáo viên dạy học dựa trên nền tảng, dựa trên tinh hoa kiến thức của nhân loại nên chất lượng của giáo viên sẽ tăng lên đáng kể.
 
Chuyển đổi số ngành y tế cũng chỉ cần đưa ra một quyết định duy nhất: Các bệnh viện phải có nền tảng cho người dân khám bệnh từ nhà, 30% bệnh nhân không phải đến bệnh viện khám bệnh. Như vậy, trong thời gian ngắn có thể thay đổi rất nhiều thứ mà không tốn kém gì.
 
Bộ TT&TT cam kết đồng hành cùng Đồng Tháp trong tất cả vấn đề liên quan đến BCVT, CNTT, chuyển đổi số. Và Đồng Tháp sẽ đi đầu toàn quốc về chuyển đổi số trên cơ sở tinh thần đổi mới mạnh mẽ mà tỉnh này đã thể hiện trong những năm vừa qua, Bộ trưởng bày tỏ sự tin tưởng.