Việt Nam sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp công nghệ Nhật Bản

Sáng ngày 30/9/2020, Bộ TT&TT, UBND thành phố Đà Nẵng, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) phối hợp tổ chức “Hội nghị xúc tiến đầu tư ICT Nhật Bản vào Đà Nẵng”. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại hai điểm cầu Hà Nội và Đà Nẵng. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn và Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Văn Miên chủ trì Hội nghị.

Tham dự có Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam, ông Dabake Daisuke – Công sứ đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, ông Nakajima Takeo – Trưởng Đại diện JETRO tại Việt Nam và hơn 200 nhà đầu tư, doanh nghiệp ICT tiềm năng tại Nhật Bản.
 
Tận dụng lợi thế cạnh tranh mới để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho biết, Chính phủ Việt Nam quyết tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để đưa Việt Nam trở thành nơi tốt nhất cho các doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp và phát triển. “Việt Nam sẽ chuyển mạnh từ gia công, lắp rắp sang làm sản phẩm, dịch vụ theo hướng “Make in Viet Nam” - sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam”. Đồng thời đẩy mạnh liên doanh, liên kết và thu hút các tập đoàn công nghệ nước ngoài vào đầu tư, đặc biệt các doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế số, thuộc lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao như sản xuất thiết bị thông minh, IoT, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối an ninh mạng, thương mại điện tử, Fintech …
 
20200930-pg2-TT.jpg
 
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn phát biểu khai mạc Hội nghị.
 
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ, đổi mới sáng tạo, Thứ trưởng Bộ TT&TT nhận định, chiến lược thu hút đầu tư của Việt Nam là tận dụng các lợi thế cạnh tranh mới. Cụ thể: 
 
Ban hành khung chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bộ TT&TT sẽ phối hợp với các bộ, ngành để đảm bảo quy định quản lý trong các lĩnh vực sẽ khuyến khích các mô hình công nghệ mới trong khi vẫn đảm bảo các lợi ích công cộng. Các doanh nghiệp nước ngoài có thể đến Việt Nam thử nghiệm các công nghệ mới;
 
Việt Nam tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng mạng di động viễn thông, nâng cấp mạng di động 4G, sớm thương mại hóa mạng di động 5G; rà soát, phát triển hạ tầng số tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu CNTT tập trung để sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu bùng nổ kết nối và xử lý dữ liệu, nhu cầu đầu tư quy mô lớn của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia, tạo tiền đề cho sản xuất thông minh;
 
Bên cạnh đó, sẽ rà soát, ban hành hệ thống ưu đãi thuế cao nhất cho các doanh nghiệp công nghệ, đồng thời xem xét thiết kế các gói ưu đãi đặc thù cho các doanh nghiệp có các dự án đầu tư quy mô lớn, đầu tư vào R&D và Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia.
 
Ngày 03/6/2020, Việt Nam đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu đến năm 2030 trở thành Quốc gia số. Chương trình này kỳ vọng sẽ tạo ra một thị trường số năng động bao trùm trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, tài chính-ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải-logistic và hình thành một không gian hợp tác rộng lớn cho các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài vào kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
 
Việt Nam đã sẵn sàng đón nhận dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ Nhật Bản
 
Nhận định về đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết, Nhật Bản đang là quốc gia đứng thứ 2 về đầu tư FDI vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 60 tỷ USD, đầu tư vào 4.200 dự án, trong đó có hơn 700 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực CNTT-TT. Việt Nam đã sẵn sàng cho cơ hội tiếp tục đón nhận các làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp công nghệ Nhật Bản. Chính phủ Việt Nam đã và đang hoàn thiện mô hình và cơ chế, chính sách để tạo sự phát triển đột phá cho các khu CNTT tập trung, khu công nghệ cao tại các trung tâm kinh tế trọng điểm trong cả nước, đặc biệt là TP. Đà Nẵng. Nổi lên và được ví như là một Thung lũng Silicon của Đông Nam Á, chính quyền Đà Nẵng đang cùng với các cơ quan Trung ương xây dựng hệ sinh thái số, ưu tiên thu hút các dự án FDI công nghệ cao, xây dựng Đà Nẵng trở thành “Thành phố môi trường” và là điểm đến đắt giá thu hút các tập đoàn công nghệ toàn cầu trong tương lai.
 
Ba trụ cột lớn phát triển Đà Nẵng đến năm 2030: Du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển
 
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra 3 trụ cột lớn cho phát triển Đà Nẵng,  đó là phát triển du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Trong đó Đà Nẵng chú trọng đầu tư 5 lĩnh vực mũi nhọn: Du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; và sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.
 
20200930-pg2-DN.jpg
 
Ông Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng. 
 
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đánh giá cao cộng đồng đầu tư Nhật Bản đã đóng góp vào sự phát triển của thành phố trong những năm qua. Ông bày tỏ mong muốn được đón tiếp nhiều hơn nữa các nhà đầu tư Nhật Bản đến Đà Nẵng trong thời gian tới.
 
Đà Nẵng từ góc nhìn của nhà đầu tư Nhật Bản
 
Ông Onose Takahisa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng cho biết, Hiệp hội hiện có 143 doanh nghiệp là hội viên tính đến tháng 12/2020. Tổng số người Nhật đang làm việc tại Đà Nẵng là 189 người. Ông Onose Takahisa chỉ rõ những điểm lôi cuốn nhà đầu tư của Đà Nẵng có thể kể đến: Đô thị phát triển tập trung, đường kết nối tới sân bay thuận lợi, ít tắc đường; Cơ sở hạ tầng hoàn thiện với hạ tầng giao thông được nâng cấp đáng kể trong 10 năm qua; Nguồn cung cấp điện nước ổn định; Lực lượng lao động chất lượng cao, dồi dào, hợp tác giữa các cơ sở đào tạo, trong đó có trường đại học với các doanh nghiệp CNTT diễn ra mạnh mẽ. 
 
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vấn đề cần phải giải quyết như: Ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu, thiết nguồn cung kỹ sư CNTT, tốc độ tăng lương cao hơn tốc độ nâng cao kỹ năng, thiếu quỹ đất để mở rộng sản xuất.
 
20200930-pg2-HH.jpg
 
Ông Onose Takahisa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng.
 
Để Đà Nẵng trở thành một Silicon Valley, Bộ TT&TT và thành phố Đà Nẵng cần tăng cường xúc tiến hoạt động truyền thông thông điệp về Đà Nẵng đến các thành phố lớn khác của Việt Nam (Hà Nội, TPHCM) và mở rộng ra nước ngoài, từ đó mới thu hút được các nhà đầu tư cũng như nguồn lực đổ về Đà Nẵng trong thời gian tới, ông Onose Takahisa đề xuất./.