Cụ bà 73 tuổi ở Bắc Giang làm đơn ra khỏi danh sách hộ nghèo
Dù tuổi cao lại đang chăm sóc con trai bị tâm thần nhưng bà Hoàng Thị Khuôn, 73 tuổi ở thôn Nghĩa Vũ, xã Nghĩa Trung (Việt Yên) vẫn làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Chồng mất từ khi 5 người con còn nhỏ, bà Hoàng Thị Khuôn một mình nuôi các con khôn lớn. Ngoài cấy mấy sào ruộng, ai thuê gì bà đều nhận làm để có tiền trang trải chi tiêu. Nhưng số phận nghiệt ngã khi một người con mất sớm, hai con trai mắc bệnh tâm thần, hai người con còn lại đều ở xa, điều kiện kinh tế không mấy dư dả nên khó lòng trợ giúp cho mẹ. Hiện nay, bà đang trực tiếp chăm sóc một người con bị tâm thần, thường xuyên phá phách đồ đạc, cây trái trong nhà.
Đơn xin ra hộ nghèo của bà Hoàng Thị Khuôn
Cuộc sống vất vả trăm bề nhưng bà vẫn luôn tự nhủ: "Mình có sức khỏe thì lo gì đói". Bà cải tạo vườn để trồng rau, làm thức ăn hằng ngày; nuôi gia súc bán để có thêm thu nhập.
Khoản tiền gần một triệu đồng Nhà nước hỗ trợ (tiền tuất của chồng và tiền trợ cấp của con) bà dành để chi tiêu cho sinh hoạt hằng ngày của hai mẹ con.
Đợt bình xét hộ nghèo vừa qua, gia đình bà đủ điều kiện công nhận là hộ nghèo nhưng bà chủ động làm đơn xin rút. Chia sẻ về lý do, bà Khuôn nói: “Bây giờ không còn ai đói nữa. Bản thân tôi tuy có bệnh nhưng chi tiêu tiết kiệm thì vẫn tự lo được cho mình. Do vậy khi còn sức khỏe thì phải tự lo, giảm gánh nặng cho Đảng, Nhà nước".
Bà Khuôn chăm sóc con trai
Ông Thân Văn Thế, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung cho biết: Bà Hoàng Thị Khuôn tự mang đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo lên UBND xã nộp. Lãnh đạo xã và cán bộ chuyên môn đã về tận gia đình để xác nhận và hiện đang xem xét đề nghị của bà. “Bà Khuôn viết đơn xin thoát nghèo là hoàn toàn tự nguyện. Xã rất hoan nghênh tinh thần của bà và sẽ xem xét để gia đình bà thoát nghèo năm 2019”, ông Thế nói.
Bà Khuôn chăm sóc vườn rau
Việc làm của bà Khuôn đã, đang và sẽ trở thành tấm gương, động lực để các hộ nghèo khác nỗ lực vươn lên. Đây cũng chính là cái được lớn nhất trong công tác giảm nghèo bởi người nghèo đã thay đổi nhận thức, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước.