Để xây dựng môi trường sống trong lành cần từ bỏ thói quen hút thuốc lá

Thuốc lá là tác nhân gây ung thư phổi, tác động xấu đến các bệnh về tim mạch và nhiều bệnh lý khác. Không chỉ người trực tiếp hút thuốc, mà người sống trong môi trường khói thuốc, ngửi khói thuốc cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng… Vì vậy, chúng ta cần từ bỏ thói quen hút thuốc lá, chung tay xây dựng môi trường sống trong lành.

20181225-m11.jpg
 
Nhiều người chưa ý thức được hành vi vi phạm của mình khi hút thuốc lá nơi công cộng.
 
Bị bệnh về tim mạch đã nhiều năm nay, thường xuyên đau tức ngực, phải đi cấp cứu nhiều lần và phải đặt 5 stent động mạch vành với chi phí hàng trăm triệu đồng… Đó là sự tổn hại cả về sức khỏe và vật chất mà ông Nguyễn Văn Huynh, xã Duy Phiên (Tam Dương, Vĩnh Phúc) phải chịu đựng, nguyên nhân chính là do thói quen hút thuốc lá mấy chục năm nay của ông.
 
Nằm trên giường bệnh Khoa Nội tim mạch của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, với giọng nói nhỏ, hơi thở gấp, ông Huynh chia sẻ: “Tôi hút thuốc lá từ năm 18 tuổi, mỗi ngày, tôi hút hết 5 bao thuốc lá, với chi phí gần 100 nghìn đồng. Sau thời gian dài hút nhiều thuốc lá, tôi thấy ngực thường xuyên bị đau tức. Năm 2014, tôi phải nhập viện cấp cứu do bị xơ động mạch vành, tắc hẹp động mạch vành và phải đặt stent động mạch vành. Từ năm 2014 đến nay, sức khỏe của tôi suy yếu rõ rệt, tôi đã phải nhập viện nhiều lần, đặt 5 stent động mạch vành để dẫn máu cho cơ tim hoạt động bình thường…”.
 
Theo báo cáo và thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh, tật tỉnh Vĩnh Phúc (Sở Y tế Vịnh Phúc): Trong thuốc lá có chứa chất nhựa hắc ín, 7.000 chất hóa học, 69 chất gây ung thư, chất phụ gia (Amoniắc), các-bon mô nô-xít (CO), chất nicotin…
 
Vì vậy, khi hút thuốc lá, hoặc sống chung với người hút thuốc, khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích lũy lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây ung thư phổi, các bệnh tim mạch và nhiều bệnh lý khác như: Rụng tóc, đục thủy tinh thể, da nhăn, giảm thính lực, viêm họng, suy thận, sâu răng, vô sinh… Đối với phụ nữ hút thuốc hoặc hít nhiều khói thuốc dẫn đến nhiều tác hại như: Tỷ lệ vô sinh cao; hiệu quả điều trị vô sinh thấp; sinh non; con sinh ra có nguy cơ bị còi xương, trí tuệ chậm phát triển, suy dinh dưỡng....
 
Trước tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người và đời sống kinh tế - xã hội, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá tỉnh Vĩnh Phúc đã phát động các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng mô hình “Môi trường không khói thuốc lá”; coi đây là việc làm thiết thực, hiện thực hóa quyền của mọi người được sống, làm việc trong bầu không khí trong lành, không khói thuốc.
 
Đồng thời, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khâu lưu thông thuốc lá trên thị trường gắn với quản lý chặt chẽ việc cấp giấy phép kinh doanh cho đại lý bán buôn, bán lẻ thuốc lá; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
 
Thực hiện hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các thành viên của đơn vị thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; xây dựng nội quy, quy định, thậm chí xử phạt những trường hợp hút thuốc lá tại nơi công cộng gây tác hại cho bản thân, môi trường và người xung quanh.
 
Về phía cá nhân mỗi người, chỉ có quyết tâm từ bỏ thói quen hút thuốc lá mới là cơ sở để đảm bảo sức khỏe cũng như giảm tốn kém về kinh tế và góp phần xây dựng môi trường trong lành.
 
Chia sẻ về lợi ích của việc không hút thuốc lá, ông Nguyễn Văn Huynh khẳng định: "Ngay khi bị bệnh tim mạch, tôi đã quyết tâm cai thuốc lá theo hướng dẫn của bác sĩ. Qua thời gian cai thuốc lá, tôi thấy giảm đau tức ngực giảm, tình trạng hẹp mạch vành được cải thiện tích cực".
 
Là người từ bỏ thói quen hút thuốc lá thành công, ông Nguyễn Thế Văn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Bình Xuyên cho biết: “Gần 20 năm nay từ khi bỏ thói quen hút thuốc lá, tôi thấy ăn ngon miệng hơn, tăng cân, không còn viêm họng, thanh quản không bị đau, hơi thở không còn mùi hôi của thuốc, răng không bị xỉn màu; môi trường tại cơ quan, phòng làm việc và ở nhà đều sạch và trong lành hơn. Ngoài ra, tôi đã tiết kiệm được khoản chi phí khá lớn khi không sử dụng thuốc lá…”.
 
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Lê, Trưởng Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: "Có nhiều phương pháp và các loại thuốc hỗ trợ cai nghiện thuốc lá. Tuy nhiên, để cai nghiện thuốc lá thành công, điều quan trọng nhất là quyết tâm của mỗi người. Người hút thuốc lá cần thực hiện đúng quy trình cai thuốc của Bộ Y tế gồm các bước: Có ý định cai thuốc lá; tìm hiểu và nắm rõ tác hại của việc hút thuốc lá cùng lợi ích của việc cai thuốc lá; nỗ lực vượt qua khó khăn, khó chịu trong thời gian cai thuốc lá và không ngừng củng cố tinh thần để không tái nghiện".