Xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh dựa trên 5 mục tiêu

Phát triển kinh tế, cải thiện môi trường, nâng cao đời sống người dân là các mục tiêu trong việc xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh.

Trong Hội nghị Quốc tế về Thành phố Thông minh 2017 tổ chức tại TP.HCM sáng nay 25/10, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã có bài phát biểu trong phiên khai mạc.
 
20171025-m5.jpg
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP HCM phát biểu trong phiên khai mạc hội thảo - Ảnh: H.Đ
 
Theo Bí thư Thành ủy, thành phố đang đối mặt với nhiều thách thức như tính cạnh tranh chưa ổn định, có phần suy giảm; hạ tầng thành phố chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của 10 triệu dân; các nguồn lực để phát triển hạ tầng, kinh tế, xã hội, công nghệ cao còn thiếu; thành phố chưa tận dụng tốt thời cơ của liên kết vùng, hội nhập quốc tế để phát triển nhanh hơn. Trong bối cảnh đó, từ năm 2016 thành phố đã xác định xây dựng thành phố thông minh là một trong các giải pháp phát triển thành phố hiệu quả trong thời gian tới.

Trong bài phát biểu, ông Nhân cho rằng Singapore và Ấn Độ đã triển khai thành phố thông minh từ năm 2014. Trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu và Mỹ đã xây dựng đô thị thông minh trên dưới chục năm. “Chúng tôi tự hỏi xây dựng thành phố thông minh có phụ thuộc vào thu nhập bình quân đầu người hay không. Ấn Độ thu nhập đầu người trên 2.000 USD, Việt Nam thu nhập đầu người cũng hơn 2.000 USD, TP.HCM người dân thu nhập hơn 5.000 USD thì có xây dựng thành phố thông minh được không?”, Bí thư Thành ủy TP.HCM đặt vấn đề và cho biết trên cơ sở đánh giá tiềm năng về nhân lực, phát triển hạ tầng về công nghệ thông tin, nhận thấy các địa phương như TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Cần Thơ, Đà Nẵng đủ điều kiện để xây dựng đề án đô thị thông minh cho giai đoạn sắp tới.
 
Sau quá trình chuẩn bị, trong tháng 11 lãnh đạo thành phố sẽ công bố Đề án phát triển thành phố thành đô thị thông minh trong giai đoạn từ 2017 đến 2025 và sau đó - ông Nhân nói.
 
Để xây dựng thành phố thông minh có thể lựa chọn nhiều mục tiêu. Riêng TP.HCM hiện nay có 5 mục tiêu.
 
Đầu tiên, ông Nhân nói, các đô thị thông minh sẽ giúp kinh tế phát triển tăng trưởng hơn bền vững hơn, vai trò kinh tế của các đô thị sẽ hiệu quả hơn. Thứ hai là vấn đề môi trường sống, môi trường sống và làm việc của người dân sẽ tốt hơn. Thứ ba là người dân sẽ tham gia vào quá trình quản lí nhà nước, quản lý cuộc sống của mình. Thứ tư người dân được phục vụ tốt hơn, chính quyền đáp ứng tốt hơn yêu cầu của doanh nghiệp.
 
Cuối cùng, một thành phố thông minh phải phát triển bền vững về kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Trong quá trình tìm hiểu chúng tôi nhận thấy phát triển đô thị thông minh phải dựa trên 4 chủ thể hành động thông minh hơn”, Bí thư Nhân phát biểu.
 
“Đó là chính quyền phải hành động thông minh hơn, các doanh nghiệp hành động thông minh hơn, người dân hành động thông minh hơn, các tổ chức xã hội hành động thông minh hơn”, ông Nhân tiếp tục.
 
Trong đó, có 4 giải pháp nền tảng để xây dựng thành phố thông minh. Giải pháp cơ bản đầu tiên của đô thị thông minh là chính quyền đô thị dự báo được dài hạn, có chiến lược phát triển dài hạn, nhận ra các nguy cơ ách tắc và có khả năng đề xuất các chương trình để các ách tắc không xảy ra.
 
Tuy nhiên ông Nhân cho rằng thành phố chưa làm tốt được việc dự báo, “chúng tôi chưa làm được, chúng tôi có thể giỏi giải quyết các vấn đề tình huống nhưng chúng tôi chưa giỏi trong việc dự báo các tình huống có thể xảy ra và phòng tránh tình huống đó”.
 
Giải pháp cơ bản thứ hai của xây dựng thành phố thông minh là chính quyền phải có giải pháp hỗ trợ 4 chủ thể hoạt động hiệu quả. Ví dụ liên kết các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin dùng chung, để mỗi người dân và doanh nghiệp đều sử dụng chung nền tảng cơ sở dữ liệu đó với giá rẻ.
 
Thứ ba là phải xây dựng nền tảng viễn thông mạnh mẽ, dữ liệu lớn, để không gian mạng là không gian sống thường xuyên của mỗi con người. Thứ tư, quan trọng nhất, là mỗi người dân trong đô thị thông minh phải góp phần nhận xét đánh giá về dịch vụ mình sử dụng để biết được thành phố thông minh đã xây dựng được đến đâu, người dân là người đánh giá chính quyền thành phố trong công việc của mình.
 
“Xây dựng đô thị thông minh có nhiều mục tiêu nhưng đối với chúng tôi thì đó là chiến lược hai cánh. Cảnh thứ nhất là quy hoạch thông minh, thành phố phát triển bền vững. Cánh thứ hai là quản lý thông minh, quản lý ngành quản lý người dân quản lý doanh nghiệp thông minh”, Bí thư Thành ủy TP.HCM kết luận./.
Nguồn: Theo ICTNews