Không tham gia bảo hiểm y tế - Dễ nghèo hóa khi bệnh nặng

Từ ngày 1/6/2017, các cơ sở y tế công lập chính thức áp dụng giá viện phí mới đối với nhóm đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và một số dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT. Với tổng cộng 1.916 dịch vụ y tế được điều chỉnh về giá thì tình trạng không “mặn mà” tham gia BHYT của 6% dân số của tỉnh Lai Châu hiện nay nguy cơ rơi vào nghèo đói do bệnh tật gây ra rất cao.

Tính đến ngày 30/6, toàn tỉnh Lai Châu có 416.379/439.230 người tham gia BHYT (tăng 20.176 người so với cùng kỳ năm 2016), đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 94,3% dân số (chỉ tiêu bao phủ BHYT của UBND tỉnh giao năm 2017 phải đạt 94,5% dân số trong toàn tỉnh). Trong đó, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT, bảo hiểm tự nguyện (BHTN) - đối tượng bắt buộc 30.545 người (giảm 202 người so với cùng kỳ năm 2016), trong đó 24.055 người tham gia BHTN; đối tượng do cơ quan BHXH đóng hơn 5.500 người; đối tượng được ngân sách nhà nước đóng (hộ nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, bảo trợ xã hội, thân nhân công an) trên 360.000 người và nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng (hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên; nhóm hộ gia đình tham gia BHYT) gần 10 nghìn người. Và, hiện còn khoảng 6% dân số trong tỉnh chưa tham gia BHYT thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc, không được ngân sách nhà nước đóng; học sinh, sinh viên không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, thân nhân công an...
 
20170814-m2.jpg
 
Người dân đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu
 
Theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT “Quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp” của Bộ Y tế ban hành ngày 15/3/2017, từ ngày 1/6/2017 các cơ sở y tế công lập chính thức áp dụng giá viện phí đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT và một số dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT. Trao đổi với chúng tôi về tác động của áp dụng giá viện phí mới, ông Nguyễn Chi Lăng - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Lai Châu cho biết: Theo Thông tư, có trên 1.900 dịch vụ y tế được điều chỉnh về giá. Với việc tích hợp thêm chi phí tiền lương, phụ cấp đặc thù của nhân viên y tế vào giá dịch vụ y tế, đồng thời điều chỉnh chi phí đối với 3 yếu tố trực tiếp, nhiều dịch vụ y tế có mức giá tăng tới 2 - 3 lần so với giá cũ. Cụ thể, tiền khám và tiền giường tăng gấp 2-4 lần so với mức giá hiện nay. Tiền khám tối đa ở bệnh viện hạng đặc biệt và bệnh viện hạng 1 là 39.000 đồng/lượt; bệnh viện hạng 2: 35.000 đồng/lượt; hạng 3: 31.000 đồng/lượt và hạng 4, phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế: 29.000 đồng/lượt. Tương tự, giá tối đa dịch vụ của một ngày điều trị hồi sức tích cực tại bệnh viện hạng đặc biệt cũng tăng gấp đôi (lên mức 677.100 đồng); bệnh viện hạng 1: 632.200 đồng; bệnh viện hạng 2: 568.900 đồng… Mức tăng này tác động mạnh đến bệnh nhân nội trú, phải nằm viện dài ngày.
 
Qua tìm hiểu của chúng tôi, tác động đáng kể nhất là nhóm giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm, bởi đây là các dịch vụ có số lượng sử dụng lớn. Trong số hơn 1.900 dịch vụ được điều chỉnh tăng giá có khoảng 20-30%, một số dịch vụ tăng gấp đôi so với mức giá hiện hành. Số tiền tuyệt đối tăng cho mỗi dịch vụ lên đến vài trăm ngàn đồng, thậm chí cả triệu đồng. Việc áp dụng Thông tư số 02 sẽ tác động trực tiếp tới những người dân chưa tham gia BHYT, người bệnh phải chi trả viện phí rất lớn. Bởi, nếu có thẻ BHYT, người bệnh được Quỹ BHYT chi trả từ 80 - 100% chi phí, tùy theo từng đối tượng thụ hưởng. Bệnh nhân khám dịch vụ phải chi trả 100% toàn bộ chi phí khám chữa bệnh, đặc biệt là bệnh nhân mắc bệnh nặng sẽ vô cùng khó khăn và đôi khi là không có đủ điều kiện về tài chính để điều trị.
 
Việc điều chỉnh viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ là hệ quả tất yếu của việc đổi mới cơ chế tài chính y tế với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, phục vụ tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Giá dịch vụ y tế hiện nay dù được điều chỉnh thì cũng mới kết cấu 4/7 yếu tố chi phí. Lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế vẫn đang được thực hiện, giá dịch vụ y tế sẽ còn tiếp tục tăng theo lộ trình. Song song với việc thay đổi cơ chế tài chính y tế, Chính phủ sẽ chuyển sang đầu tư trực tiếp cho người dân thông qua giải pháp hỗ trợ tham gia BHYT thay vì đầu tư ngân sách trực tiếp cho các bệnh viện. Luật BHYT sửa đổi quy định việc tham gia BHYT là bắt buộc, hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe, tạo nên một nền tảng an sinh xã hội một cách bền vững nhất. Nhà nước có chính sách giảm trừ mức đóng cho người tham gia BHYT theo hộ gia đình, hỗ trợ mức đóng cho người cận nghèo, người có thu nhập trung bình, học sinh, sinh viên nhưng hiện nay với 6% dân số toàn tỉnh chưa tham gia BHYT vấn đề này thật đáng bàn và cần sự quan tâm của các cơ quan liên quan, các địa phương.
 
Ông Nguyễn Chi Lăng cho biết thêm: Việc thực hiện Thông tư số 02 ngoài tạo sự công bằng trong thực hiện chính sách chung về giá dịch vụ khám chữa bệnh giữa các đối tượng cũng là một yếu tố quan trọng để số đối tượng chưa tham gia BHYT hiểu rõ hơn về tầm quan trọng và ý nghĩa của chính sách BHYT và là động lực để tự giác, tự nguyện tham gia BHYT. Do vậy, thu hút người dân tham gia BHYT, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh các văn bản chỉ đạo UBND huyện và các ngành liên quan thực hiện có hiệu quả kế hoạch thực hiện chỉ tiêu phát triển BHYT hằng năm để đến năm 2020 phấn đấu đạt 96,8% dân số trong tỉnh tham gia BHYT.
 
Đồng thời, đơn vị bám sát nghị quyết của HĐND tỉnh về dự toán thu ngân sách nhà nước và phân bổ dự toán thu, chi ngân sách địa phương hằng năm chủ động phối hợp với sở, ngành liên quan để thực hiện thu nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng BHYT cho các nhóm đối tượng. Phối hợp với Sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh về sử dụng nguồn Quỹ BHYT kết dư hằng năm nhằm nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho các nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, các hộ thuộc nông, lâm, ngư nghiệp, người bị nhiễm HIV/AIDS chưa có thẻ BHYT để khuyến khích các nhóm đối tượng tham gia BHYT.
 
Tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, đối thoại chính sách BHYT nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đoàn thể tại địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, tổ chức thực hiện chính sách BHYT tại địa phương; tăng cường tuyên truyền tới các nhóm đối tượng là hộ gia đình chưa có thẻ BHYT. Triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền khác như qua các phương tiện thông tin địa chúng, in các ấn phẩm, tờ gấp tuyên truyền. Chủ động khai thác mở rộng đối tượng là người lao động tham gia BHXH, BHYT bắt buộc tại các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước hiện chưa tham gia BHXH, BHYT. Mở rộng đại lý thu BHXH, BHYT đến tận xã, phường, thị trấn (bao gồm cả UBND xã và trạm y tế xã) để người dân được thuận lợi tiếp cận chính sách BHYT. Phối hợp với ngành Y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT và luôn phải đảm bảo kịp thời quyền lợi cho người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh...
 
Thực hiện theo Thông tư số 02 rõ ràng lợi ích của chiếc thẻ BHYT là thiết thực nhằm đảm bảo cho người dân được thăm, khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là giảm chi phí tối đa nếu không may bị bệnh trọng./.