Phú Thọ: 91% hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện thụ hưởng đã được lắp đặt đầu thu truyền hình số mặt đất
Thực hiện Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, để các hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận thông tin qua sóng truyền hình số mặt đất, từ ngày 16/6, Sở Thông tin và Truyền thông Phú Thọ và Bưu điện tỉnh đã phối hợp với các địa phương tổ chức cấp phát và lắp đặt đầu thu truyền hình số mặt đất (DVB-T2) cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Đến nay, 91% số hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh nằm trong diện được hỗ trợ đầu thu DVB-T2 đã được lắp đặt đầu thu và được xem truyền hình với chất lượng tốt hơn.
Nhân viên Bưu điện xã Hương Xạ thực hiện lắp đặt đầu thu DVB-T2 cho các gia đình thuộc diện được hỗ trợ
Tới thăm gia đình ông Đào Đình Thắng, khu 7, xã Hương Xạ, huyện Hạ Hòa, từ ngoài ngõ đã nghe văng vẳng âm thanh phát ra từ tivi trong nhà. Thấy chúng tôi, ông Thắng phấn khởi khoe: “Từ hôm được lắp cái đầu thu hỗ trợ xem truyền hình, gia đình tôi lúc nào cũng nhộn nhịp, hết ông xem bóng đá lại đến lượt các cháu xem hoạt hình. Ngày trước gia đình tôi thường xem tivi qua “chảo tàu”, số lượng kênh ít mà chất lượng thì tậm tịt, mỗi khi trời mưa là không xem được gì. Giờ gia đình tôi được lắp đầu thu, được xem tivi với tín hiệu tốt và ổn định như thế này, chúng tôi mừng lắm.”
Chung niềm vui như gia đình ông Thắng, ông Tạ Công Thiết, khu 7, xã Hương Xạ đang loay hoay chỉnh ăng ten, thấy chúng tôi, ông bộc bạch: “Thấy mấy người trong xóm cũng được hỗ trợ đầu thu họ bảo, nếu bắt được ít kênh thì có thể xoay ăng ten sao cho quay đúng hướng và dò lại là có thể bắt được nhiều kênh hơn để xem. Từ hôm được cán bộ bưu điện vào lắp cho đầu thu cả gia đình ai cũng phấn khởi, nhất là bọn trẻ con trong nhà”.
Ông Hà Việt Chung - Giám đốc Bưu điện huyện Hạ Hòa cho biết: “Chúng tôi được nhận đầu thu từ Bưu điện tỉnh theo 2 đợt. Ngay sau khi nhận được thiết bị, chúng tôi thực hiện triển khai nhanh chóng, chạy đua với thời gian để bà con không bị mất sóng đúng thời điểm tắt sóng. Vì thế, cùng với việc triển khai 100% quân số xuống địa bàn tuyên truyền, làm thủ tục, xác định đúng đối tượng và triển khai lắp đặt đúng kỹ thuật đã được quán triệt, tất cả các cán bộ, nhân viên đều vào cuộc với tinh thần rất cao, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhờ đó đến thời điểm hiện tại, trên 90% khối lượng công việc của chúng tôi đã hoàn thành”.
Để thực hiện tốt việc triển khai lắp đặt đầu thu cho các đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng, trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; phương án triển khai cung cấp và lắp đặt bộ đầu thu đã được Sở thông tin và Truyền thông phê duyệt, Bưu điện tỉnh đã tổ chức đào tạo hướng dẫn lắp đặt cho đại diện Bưu điện các huyện, thành, thị để trên cơ sở đó về tổ chức tập huấn tại cơ sở cho các nhân viên lắp đặt của đơn vị mình; thành lập các tổ lắp đặt bàn giao bộ đầu thu tại các xã, phường với thành viên là các nhân viên Bưu điện, nhân viên điểm Bưu điện Văn hóa xã, trưởng các khu dân cư.
Bưu điện tỉnh đã tiến hành triển khai cung cấp, lắp đặt bộ đầu thu truyền hình số mặt đất cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh tại 13 huyện, thành, thị với tổng số hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh sau khi được bổ sung là 57.546 hộ và đến hết ngày 20/7 Bưu điện tỉnh đã bàn giao và lắp đặt được 52.226/57.546 hộ dân (đạt tỷ lệ 91%).
Ông Lê Việt Anh - Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: “Trong quá trình triển khai lắp đặt, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ tích cực từ Sở Thông tin và Truyền thông và UBND huyện, thành, thị mà trực tiếp là Phòng Văn hóa và Thông tin các địa phương, chính quyền các xã. Tuy nhiên, việc triển khai lắp đặt đầu thu cũng gặp không ít khó khăn bởi một số huyện có địa bàn rộng, nhiều đồi núi nên mất nhiều thời gian; một số vùng nằm trong vùng lõm nên không bắt được hoặc bắt được ít kênh (12 kênh); có nhiều hộ gia đình khi cán bộ đến lắp đặt thì khai tên chủ hộ không trùng khớp với tên người được thụ hưởng nên cũng mất nhiều thời gian để rà soát, đối chiếu đảm bảo đúng hộ dân thuộc danh sách hỗ trợ của Nhà nước”.
Để đảm bảo việc triển khai lắp đặt đầu thu đúng đối tượng, chất lượng thu sóng của đầu thu ổn định, bắt đầu từ ngày 18/6, Sở Thông tin và Truyền thông đã thành lập đoàn giám sát, phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin thực hiện giám sát toàn bộ quá trình lắp đặt đầu thu cho các hộ dân trên địa bàn 6 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh. Qua quá trình giám sát, đoàn cũng đã tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của đơn vị triển khai lắp đặt để báo cáo Ban Quản lý Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích (Bộ Thông tin và Truyền thông) có chỉ đạo, xử lý kịp thời nhằm đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân được thụ hưởng.
Theo kế hoạch điều chỉnh thời gian tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 15 tỉnh, thành phố trực thuộc nhóm II của Bộ Thông tin và Truyền thông, việc tắt sóng truyền hình analog tại Phú Thọ sẽ được tiến hành vào ngày 15/8. Như vậy, việc triển khai lắp đặt đầu thu truyền hình DVB-T2 của Bưu điện tỉnh sẽ hoàn thành trước thời điểm tắt sóng và đảm bảo yêu cầu 100% các hộ gia đình nghèo, cận nghèo nhận được hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất một cách đầy đủ trước khi ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông./.