Việt Nam đã có 2,7 triệu người dùng địa chỉ IPv6
Tính đến tháng 6/2017, theo thống kê của Tổ chức quản lý địa chỉ khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APNIC), tỉ lệ triển khai IPv6 của Việt Nam đạt khoảng 6%; còn theo số liệu của Cisco, Việt Nam đã có 2,7 triệu người dùng IPv6.
Thông tin nêu trên vừa được Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), đơn vị thuộc Bộ TT&TT chịu trách nhiệm quản lý tài nguyên Internet.
Theo APNIC, tính đến tháng 6/2017, tỉ lệ triển khai IPv6 của Việt Nam đạt khoảng 6%, đứng thứ 2 khu vực ASEAN và đứng thứ 5 khu vực châu Á (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Thông tin từ VNNIC cho hay, đón trước xu thế cạn kiệt địa chỉ IPv4, từ năm 2004, Trung tâm đã chủ động triển khai các hoạt động nhằm đảm bảo ổn định cho hệ thống Internet Việt Nam, bảo đảm quyền lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước, chuẩn bị các điều kiện cần thiết khi nguồn địa chỉ IPv4 không còn. Cụ thể, VNNIC đã nghiên cứu các chính sách của các Tổ chức quản lý tài nguyên số, chiến lược và chính sách thúc đẩy của các quốc gia trên thế giới; hoàn thành báo cáo trình lãnh đạo Bộ TT&TT và đề xuất triển khai địa chỉ IPv6 tại Việt Nam.
Ngày 6/5/2008, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ban hành Chỉ thị 03 về việc thúc đẩy sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6. Từ đó đến nay, hoạt động thúc đẩy triển khai IPv6 được đẩy mạnh. Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia (Vietnam IPv6 Task Force) đã được thành lập năm 2009 để thực hiện công tác nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển và ứng dụng IPv6; xây dựng kế hoạch và lộ trình triển khai việc chuyển đổi IPv4 sang IPv6 tại Việt Nam.
Vào cuối tháng 3/2011, Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 đã được Bộ trưởng Bộ TT&TT ký ban hành. Theo kế hoạch này, lộ trình chuyển đổi IPv4/ IPv6 của Việt Nam gồm 3 giai đoạn: giai đoạn chuẩn bị (2011 - 2012), giai đoạn khởi động (2013 - 2015) và giai đoạn chuyển đổi (2016 - 2019) hướng tới mục tiêu tổng thể quốc gia là đảm bảo Internet Việt Nam hoạt động ổn định, bền vững trên nền tảng công nghệ IPv6.
Đối với việc xây dựng, triển khai chính sách thúc đẩy IPv6, theo VNNIC, đến nay nội dung “Thúc đẩy ứng dụng công nghệ IPv6” đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật cấp Nghị định, cụ thể là Điều 18 Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
“Các nội dung về IPv6 cũng đã được bổ sung trong một số văn bản quy phạm pháp luật về công nghệ cao, tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam; chính sách hỗ trợ đầu tư, tín dụng, thuế … và tiếp tục được bổ sung trong quá trình xây dựng và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án về viễn thông và CNTT”, đại diện VNNIC thông tin.
Cũng theo VNNIC, trong những năm qua, với vai trò là Thường trực Ban Công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia, bên cạnh việc tổ chức các khóa đào tạo; tuyên truyền, quảng bá, cập nhật thông tin về việc triển khai IPv6 ra cộng đồng trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên website www.IPv6.vn..., những năm qua, VNNIC đã chủ động tiến hành các hoạt động của Ban, thực hiện đốc thúc các đơn vị, doanh nghiệp triển khai theo các nhiệm vụ theo kế hoạch hàng năm và bám sát Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6.
Kết quả, sau 6 năm thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, đến nay hiện trạng triển khai IPv6 đã đạt những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Theo đại diện VNNIC, mạng IPv6 quốc gia trên cơ sở mạng DNS quốc gia và VNIX quốc gia được duy trì ổn định với 11/18 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) kết nối VNIX sử dụng IPv6 là nền tảng triển khai IPv6 tại Việt Nam. Tính đến nay, đã có 5/7 cụm máy chủ DNS quốc gia đã được triển khai sẵn sàng IPv4/IPv6.
Đặc biệt, từ cuối năm ngoái, khi các doanh nghiệp thực hiện cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng, tỉ lệ sử dụng địa chỉ IPv6 của Việt Nam đã có sự tăng trưởng rõ rệt và đạt con số tương đối khả quan. Tính đến tháng 6/2017, tỉ lệ triển khai IPv6 của Việt Nam đạt khoảng 6% (nguồn APNIC) với 2.700.000 người dùng IPv6 (nguồn Cisco), đứng thứ 2 khu vực ASEAN, chỉ sau Malaysia; đứng thứ 5 khu vực châu Á, sau Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia và Ả Rập Saudi.
Tuy nhiên, đại diện VNNIC cũng chỉ rõ, hoạt động triển khai IPv6 của Việt Nam vẫn còn một số tồn tại và thách thức như: tỉ lệ IPv6 trong khối cơ quan Đảng và Nhà nước, khối nội dung, dịch vụ 4G LTE còn thấp; đã có các chính sách thúc đẩy IPv6 nhưng còn thiếu chế tài bắt buộc.
“Đây sẽ là mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm của Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia trong thời gian tới nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu quốc gia về IPv6 là Internet Việt Nam hoạt động an toàn và tin cậy trên nền tảng công nghệ từ năm 2019”, đại diện VNNIC nhấn mạnh.
Theo kế hoạch thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2017 của Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia được Bộ TT&TT ban hành hồi tháng 3 năm nay, ở nhóm nhiệm vụ về phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ trên nền IPv6, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên như: tăng cường kết nối và lưu lượng IPv6 trao đổi qua mạng IPv6 quốc gia; triển khai IPv6 trong các kết nối ngang hàng giữa các doanh nghiệp; mở rộng kết nối IPv6 quốc tế, Ban công tác cũng đã giao Cục Bưu điện Trung ương chủ trì thực hiện nhiệm vụ triển khai IPv6 và tăng cường lưu lượng IPv6 trên mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Có thời hạn hoàn thành là tháng 12/2017, cùng với việc triển khai IPv6 cho mạng Văn phòng Chính phủ, Cục Bưu điện Trung ương được yêu cầu phối hợp với các cơ quan liên quan để mở rộng dịch vụ hỗ trợ IPv6 và tăng lưu lượng IPv6 trên mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng và Nhà nước, đặc biệt là lưu lượng từ mạng Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ TT&TT và Văn phòng Quốc hội.
Nguồn: Theo Vân Anh - ICTNews