Đồng bộ trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Đề án 1956 của Chính phủ đã và đang được Quảng Ninh triển khai đồng bộ. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao thu nhập cho người dân và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Nghề đan lưới mang lại thu nhập ổn định cho nhiều người dân xã Tiến Tới, huyện Hải Hà.
 
Ghi nhận tại Đông Triều cho thấy, việc đào tạo nghề được thị xã triển khai hiệu quả là nhờ đào tạo nghề trên cơ sở nhu cầu của người lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chương trình xây dựng NTM và gắn với giải quyết việc làm. Thực hiện Đề án 1956, từ năm 2010-2015, TX Đông Triều đã tổ chức được 63 lớp đào tạo nghề cho LĐNT với gần 2.200 lao động. Các đối tượng được đào tạo nghề ngắn hạn là LĐNT, trong đó có cả đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, người tàn tật, người nghèo và cả những hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp. Chương trình đào tạo nghề đã góp phần trang bị kiến thức về khoa học kỹ thuật và giải quyết việc làm để  LĐNT trên địa bàn ổn định sinh kế, tự lực vươn lên làm giàu.
 
Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH thị xã Đông Triều cho biết: Ngay khi triển khai Đề án, TX Đông Triều đã thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể và lựa chọn phường Kim Sơn, xã Bình Khê để chỉ đạo điểm về mô hình nông nghiệp, phi nông nghiệp, về nuôi ghép cá nước ngọt thương phẩm và sản xuất gốm thô. Sau khi học nghề xong, các học viên đều cơ bản nắm vững kỹ thuật áp dụng có hiệu quả vào sản xuất nông nghiệp và 100% học viên lớp gốm thô được nhận vào các cơ sở sản xuất gốm làm việc. Trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của LĐNT trên địa bàn thị xã, từ tháng 6 đến tháng 9-2016, Đông Triều sẽ mở 4 lớp học nghề, trung bình mỗi lớp có 35 học viên, tập trung đào tạo các nghề phi nông nghiệp là chế biến món ăn và đan lưới. Thị xã cũng sẽ tiếp tục thực hiện mô hình dạy nghề để doanh nghiệp tiếp nhận lao động sau học nghề. Bên cạnh đó, trên cơ sở thông tin về nhu cầu lao động của đơn vị, doanh nghiệp, các địa phương của thị xã đã chủ động giới thiệu việc làm cho người lao động trên địa bàn phù hợp với yêu cầu công việc. Điển hình như khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Hồng Thái Tây và Hoàng Quế do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư, hiện đã có trên 400 lao động nông nghiệp của địa phương được nhận vào làm việc.
 
Không chỉ Đông Triều, việc thực hiện Đề án 1956 về đào tạo nghề cho LĐNT đã được triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh. Tỉnh đã phân cấp rõ trách nhiệm từ cấp tỉnh đến cơ sở. Theo đó, việc định hướng đào tạo nghề, lựa chọn nghề đào tạo là trách nhiệm của cấp huyện và xã; cấp tỉnh chịu trách nhiệm giám sát, hướng dẫn, kiểm tra. Việc đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh trong những năm qua được triển khai bám sát với nhu cầu học nghề của người lao động, định hướng phát triển KT-XH và đặc thù của từng địa phương. Đối với các địa phương, ngay sau khi nhận được kế hoạch đều tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề, tăng cường truyền thông về đào tạo nghề, giải quyết việc làm tới đông đảo nhân dân. Nhờ đó, rất nhiều địa phương có tỷ lệ LĐNT có việc làm sau đào tạo rất cao, từ 90% trở lên như Đông Triều, Hải Hà, Móng Cái, Hoành Bồ. Nhiều mô hình dạy nghề đạt hiệu quả tốt như mô hình đan lưới ở Quảng Yên, các lớp nấu ăn tại Hạ Long, Ba Chẽ, mô hình nuôi trồng thuỷ sản tại Uông Bí, Quảng Yên, Tiên Yên… giải quyết việc làm cho nhiều lao động có mức thu nhập từ 5-30 triệu đồng/tháng.
 
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, sau 5 năm (2010-2015) triển khai Đề án 1956, toàn tỉnh đã có gần 21.900 lao động được học nghề, trong đó có 42,7% số lao động học nghề nông nghiệp và 57,3% số lao động được học nghề phi nông nghiệp. Bước sang giai đoạn 2016-2020, tỉnh đặt ra mục tiêu đào tạo nghề cho khoảng 46.000 LĐNT, gồm 5.000 người được đào tạo trình độ cao đẳng nghề, 8.000 người trình độ trung cấp nghề, 33.000 người được đào tạo trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng được hỗ trợ chi phí đào tạo từ nguồn kinh phí của Đề án 1956. Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, toàn tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm tốt khảo sát nhu cầu học nghề để có kế hoạch triển khai mở các lớp nghề phù hợp. Đồng thời nhân rộng những mô hình hiệu quả, đặc biệt là phát huy tốt mô hình dạy nghề theo đơn đặt hàng để công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT ngày càng hiệu quả hơn.
Nguồn: Nguồn: baoquangninh.com.vn