Tái diễn nạn giả danh VNPT Hà Nội lừa đảo nợ cước điện thoại

Mới đây, chủ một thuê bao cố định ở Hà Nội đã phản ánh với ICTnews việc có người giả danh VNPT Hà Nội gọi điện thông báo gia đình ông nợ cước điện thoại cố định hơn 8 triệu đồng và yêu cầu chuyển khoản để trả ngay, do cảnh giác nên ông Điểm đã không sa bẫy bọn lừa đảo. Hiện tượng lừa đảo bằng chiêu nợ cước điện thoại kéo dài từ năm 2014 đến nay vẫn đang tái diễn.

20160511-Nam-7.jpg
Hiện tượng lừa đảo nợ cước điện thoại cố định vẫn đang tái diễn.
 
Sáng ngày 10/5/2016, ông Dương Điểm (ngõ 2 Nguyễn Văn Cừ, phường Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) cho ICTnews biết, cách đây vài hôm, số điện thoại cố định xxxx1818 của gia đình ông bỗng nhận được một cuộc gọi từ người phụ nữ vào lúc 7 giờ sáng. Người này xưng là người của Trung tâm Dịch vụ Khách hàng của VNPT Hà Nội và thông báo cho ông Điểm biết số máy của gia đình ông đang nợ số tiền cước gọi là 8.250.000 đồng. Người lạ mặt này đề nghị ông phải chuyển tiền thanh toán để trả ngay và đọc số tài khoản để ông chuyển tiền.
 
Ông Điểm nghi ngờ đây là cuộc gọi lừa đảo vì 7 giờ sáng chưa phải là giờ làm việc của doanh nghiệp, đồng thời số máy này ông đã đóng hết cước hàng tháng nên ông đã không mắc mưu kẻ lừa đảo. Do điện thoại cố định nhà ông có dùng dịch vụ hiển thị số gọi đến nên sau đó, con của ông Điểm có gọi lại vào số máy di động kia nhưng số máy này đã tắt máy.
 
Sáng ngày 10/5/2016, ICTnews đã liên hệ với VNPT Hà Nội và được đại diện doanh nghiệp này khẳng định, đây là cuộc gọi lừa đảo người dân. Vấn nạn lừa đảo người dùng điện thoại cố định đang xảy ra khá nhiều trên mạng cố định của VNPT tại nhiều tỉnh thành. Không ít người dân mất cảnh giác đã bị sa bẫy bọn lừa đảo và chuyển tiền vào tài khoản cho bọn chúng.
 
Như ICTnews đã có nhiều bài viết cảnh báo, hiện tượng dưới chiêu thức nợ cước điện thoại bùng lên từ năm 2014 và đã có nhiều trường hợp bị lừa với những thủ đoạn này. Trước đây, lãnh đạo PC50 Công an Hà Nội cho biết, thời gian gần đây tại Hà Nội và một số tỉnh, thành xuất hiện những ổ nhóm người Việt Nam, câu kết với một số đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia gọi điện thoại lừa đảo để chiếm đoạt tiền của nhiều người dân. Chỉ từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6/2014, PC50 đã xác định được 16 người bị các đối tượng gọi điện lừa đảo ở nhiều tỉnh thành khác nhau, trong đó có 9 người đã bị lừa chiếm đoạt với tổng số tiền lên tới gần 2 tỷ đồng (trong đó có 7 người ở Hà Nội và 2 người ở TP.HCM). Trong số những người bị lừa gạt kiểu này đáng chú ý nhất là một vụ 1 người dân ở Hà Nội bị lừa chiếm đoạt 720 triệu đồng.
 
Số người dân phản ánh về hiện tượng lừa đảo này lan rộng tại nhiều tỉnh thành nên Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã có công văn nhờ nhà mạng nhắn tin cảnh báo  cho người dân. Vào ngày 25/4/2015, nhiều thuê bao di động đã nhận được tin nhắn của nhà mạng với nội dung; “Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thông báo về hiện tượng gần đây một số đối tượng xấu giả mạo số điện thoại của cơ quan công an để lừa đảo yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản để phục vụ công tác điều tra sau đó chiếm đoạt. Đề nghị mọi người dân khi phát hiện cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để giải quyết”.
 
Tuy nhiên rất nhiều người dân vẫn bị sa bẫy bọn lừa đảo, trong vòng 2 tháng giữa năm 2015, tại Đà Lạt đã có 3 nạn nhân của chiêu lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại. Tổng số tiền mà các nạn nhân khai báo bị mất lên tới 1 tỷ 73 triệu đồng. Theo tin từ cơ quan công an, bà Nguyễn Thị Thái Minh, trú tại đường Cổ Loa, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) vừa tới cơ quan công an trình báo về việc gia đình bà mới bị kẻ xấu lừa đảo chiếm đoạt 160 triệu đồng. Theo bà Minh, sáng 1/6/2015, bà nhận cuộc điện thoại người gọi xưng là “Công an TP Hồ Chí Minh”, đang tiến hành điều tra vụ rửa tiền có liên quan đến tài khoản của bà Minh tại một ngân hàng. 
 
Khi bà Minh khẳng định mình không liên quan gì đến vụ việc thì bị người tự xưng là công an này dọa đã đủ chứng cứ khởi tố và bắt giam bà Minh 3 tháng để phục vụ điều tra. Nếu muốn “tại ngoại” và chứng minh sự trong sạch của mình, bà Minh phải chuyển vào tài khoản của công an cung cấp 160 triệu đồng để giám định.
Kẻ giả danh giải thích, trong vòng 48 giờ, nếu bà không phạm tội thì công an sẽ chuyển lại số tiền trên cho bà. Do lo sợ nên trưa 1/6/2015, bà Minh chuyển khoản 160 triệu đồng vào tài khoản đứng tên Đỗ Thị Son (ở Lào Cai). Sau đó, bà Minh nghi bị lừa nên nhờ ngân hàng có số tài khoản trên ở Lào Cai kiểm tra thì được biết số tiền 160 triệu đồng đã bị rút hết. Bà Minh gọi lại số điện thoại của kẻ giả danh công an trên thì không liên lạc được.
 
Trước đó, vào các ngày 22 và 23/5/2015, cũng với hình thức lừa đảo qua điện thoại, kẻ lừa đảo đã chiếm đoạt của gia đình bà Phạm Thị Cúc, phường 3, TP Đà Lạt với số tiền là 260 triệu đồng. Ngày 10/4/2015, cũng với “chiêu” lừa đảo trên, bà Nguyễn Thúc Huỳnh, đường Phan Đình Phùng, TP Đà Lạt cũng đã bị lừa mất 653 triệu đồng.
 
Nguồn: Vụ HTQT