Kết nạp 142 hội viên Hội nhà báo VN và trao đổi làm báo với nhà thơ Trần Đăng Khoa

Chiều nay 13/11, tại trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Liên chi hội nhà báo TT&TT đã tổ chức lễ kết nạp hội viên Hội Nhà báo Việt Nam và trao đổi về nghiệp vụ báo chí.

img
Chủ tịch Liên chi hội nhà báo TT&TT Nguyễn Huy Luận trao thẻ hội viên Hội nhà báo Việt Nam cho các hội viên mới (Ảnh. N.Ninh)

Tại buổi lễ, Chủ tịch Liên chi hội nhà báo TT&TT Nguyễn Huy Luận được sự ủy quyền của Hội Nhà báo Việt Nam và thay mặt Ban chấp hành Liên chi trao tận tay thẻ Hội viên tới 142 phóng viên, biên tập của các tờ báo viết, báo điện tử, báo hình thuộc ngành TT&TT đến từ các đơn vị Trung tâm Thông tin, Trung tâm Hợp tác Báo chí và Truyền thông quốc tế, Bộ TT&TT; Báo Bưu điện, Báo điện tử VietnamNet, Báo điện tử VNMedia, Tạp chí Xã hội thông tin, Tạp chí Tem.

Đây là đợt kết nạp hội viên với số lượng nhiều nhất từ trước đến nay, góp phần tích cực vào sự hoạt động và phát triển Liên chi 10 năm qua và xây dựng Ngành.

img

Sau phần lễ kết nạp là phần nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa nói chuyện về nghiệp vụ báo chí. Ông nguyên là trưởng ban văn học nghệ thuật, giám đốc hệ phát thanh có hình VOVTV của Đài Tiếng nói Việt Nam, hiện nay giữ chức Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Đài Tiếng nói Việt Nam.

Từ nhỏ nhà thơ Trần Đăng Khoa đã được nhiều người cho là thần đồng thơ văn. Lên 8 tuổi, ông đã có thơ được đăng báo. Năm 1968, khi mới 10 tuổi, tập thơ đầu tiên của ông Từ góc sân nhà em (tập thơ tiếp theo là Góc sân và khoảng trời) được Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản. Tác phẩm nhiều người biết đến nhất của ông là bài thơ "Hạt gạo làng ta", sáng tác năm 1968. Ông cũng được biết đến nhiều với câu truyện khi mới hơn 10 tuổi đã đề nghị đổi câu thơ "Đường ta đi rộng thênh thang tám thước" thành "Đường ta rộng thênh thang ta bước" trong bài thơ Ta đi tới của nhà thơ nổi tiếng thời bấy giờ là Tố Hữu... Hiện nay, nhiều tờ báo mời ông cộng tác, giữ chuyên mục cho báo mình. Riêng Đài tiếng nói Việt Nam, ông thường xuyên viết các tiểu phấm trên blog VOV như “Nói về chuyện cưới”, “Bệnh nhạt”, Người Việt có đọc sách không?” v.v…

Với sự trải nghiệm sâu sắc trong hoạt động văn học và báo chí, ông đã tâm sự với các phóng viên, biên tập viên của các báo ngành TT&TT về kinh nghiệm lấy tài liệu, kỹ năng viết. Ông nhấn mạnh: một bài báo ngoài tính chân thật, còn cần phải mang ý nghĩa thời sự xã hội. Bài viết nào càng có ý nghĩa xã hội sâu sắc càng được nhiều người đọc.

Kết thúc buổi trao đổi nghiệp vụ báo chí, một số hội viên Liên chi hội còn tiếp tục sôi nổi trò chuyện với ông ngoài hành lang về những nội dung nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa vừa trao đổi rất hấp dẫn và bổ ích.

Nguồn: Ictpress.vn