VNPT và hành trình phát triển mạng băng rộng tại Việt Nam
6 năm sau khi Internet có mặt tại Việt Nam, tháng 7/2003, dịch vụ truy cập Internet băng thông rộng ADSL đầu tiên tại Việt Nam với tên thương hiệu là MegaVNN đã được cung cấp VNPT cung cấp. Và đến thời điểm này, tại Việt Nam không chỉ đang có một thị trường dịch vụ viễn thông băng rộng có tính cạnh tranh cao và hơn thế nữa mạng băng rộng đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong hành trình giúp người dân ở mọi miền tổ chức thay đổi cuộc sống…
Interrnet băng rộng về nông thôn
Để mọi người dân đều có thể tiếp cận với dịch vụ băng rộng, ngay từ năm 2005, chủ trương đưa Internet về điểm Bưu điện Văn hóa xã đã được triển khai. Nỗ lực đáng ghi nhận phải kể tới đó là việc Tập đoàn đã điều chỉnh giảm cước truy cập Internet tại các điểm Bưu điện Văn hóa xã từ 12 ngàn đồng ở thời điểm ban đầu cung cấp xuống chỉ còn 3 ngàn đồng/giờ. Tính đến thời điểm hiện tại, trong tổng số gần 10.000 điểm phục vụ trên cả nước, VNPT đã đầu tư lắp đặt máy tính nối mạng Internet tốc độ cao cho hơn 2.000 điểm tại khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho người dân được truy cập Internet để tiếp cận với thông tin, tri thức kinh tế, khoa học kỹ thuật, góp phần nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy quá trình CNH-HĐH nông nghiệp và nông thôn.
10 “Vườn tri thức VNPT” đã được VNPT xây dựng và đưa vào hoạt động với tổng giá trị 2 tỷ đồng tại các tỉnh, thành của Việt Nam. Mô hình của các “Vườn tri thức này” là sự kết hợp của phòng máy tính được kết nối mạng Internet băng rộng cùng với các thiết bị phụ trợ như máy in, webcam, tủ sách kiến thức với khuôn viên cây xanh tạo nên không gian học tập – giải trí lý tưởng cho thanh thiếu niên nông thôn.
Tháng 6/2011, VNPT và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức ký kết chương trình phối hợp năm 2011 và kế hoạch triển khai xây dựng thí điểm 62 “Điểm Internet thanh niên” cho 62 huyện nghèo. Tháng 9/2011, 40 trên tổng số 62 “Điểm Internet thanh niên” đầu tiên đã được khai trương. Mỗi điểm Internet thanh niên có ít nhất 6 máy vi tính; các thiết bị kết nối Internet; 6 bộ bàn ghế; 1 máy in. Các điểm Internet sẽ cung cấp các dịch vụ như: phổ cập tin học và Internet, thư viện điện tử và điểm phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, điểm dịch vụ truy cập Internet, điểm sinh hoạt thanh thiếu nhi và khai thác một số dịch vụ khác. Đến cuối năm 2011, toàn bộ 62 Điểm Internet Thanh niên nằm trong các trường học thuộc 62 huyện nghèo trên cả nước sẽ đi vào hoạt động, đánh dấu bước đầu việc triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng 1000 điểm tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ và truy cập Internet cho thanh niên nông thôn, miền núi” của Trung ương Đoàn.
Phổ cập kỹ năng CNTT và Internet cho thanh niên và nhân dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa:
Với Chương trình "Một triệu giờ đồng hành":, VNPT đã hỗ trợ 1 triệu giờ truy cập Internet miễn phí cho người dân tại 2.353 điểm BĐ-VH xã trên cả nước nhằm mục tiêu phổ cập tin học đơn giản, hướng dẫn cách truy cập Internet để người dân tìm kiếm thông tin như: nông nghiệp, y tế cộng đồng, mua bán sản phẩm, học tập, đào tạo từ xa, đọc báo... hỗ trợ cuộc sống lao động và học tập. Bên cạnh các hoạt động tại các điểm BĐ-VH xã, VNPT đã phát động và triển khai các chương trình phổ cập tin học và Internet thí điểm cho các đối tượng như đoàn viên, học sinh, lực lượng vũ trang tại các khu vực trường học, nhà văn hoá, UBND xã… tại các tỉnh, thành phố như: Bắc Kạn, Bắc Ninh, Ninh Thuận, Quảng Bình, Đà Nẵng, Cao Bằng, Cà Mau, Tổng Cục cảnh sát và đặc biệt cho chiến sỹ tại đảo tiền tiêu Bạch Long Vĩ, Côn Đảo...
Chương trình "Tuổi trẻ VNPT nối mạng tri thức" là chiến dịch phát động hàng nghìn đoàn viên, thanh niên VNPT đã triển khai phổ cập tin học & Internet, nối mạng tri thức cho thanh thiếu niên Việt Nam trên phạm vi toàn quốc trong năm 2006. Đoàn Thanh niên VNPT đã huy động được khoảng 100 bộ máy tính, triển khai 300 lượt phổ cập tại các khu vực miền Bắc như 30 xã ngoại thành Hà Nội, 10 xã tại Nam Định, Lầu Thí Ngài – Lào Cai; hàng trăm lượt thanh niên phổ cập tại miền Trung, miền Nam như Bến tre, Đà Nẵng, Ninh Thuận... Tổng số thanh thiếu niên được phổ cập CNTT ước tính lên đến trên 50.000 người.Phong trào "Hành trình Tuổi trẻ nhiệt huyết" cũng đã được Tuổi trẻ VNPT triển khai tại các tỉnh Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum… nhằm phổ cập tin học và Internet cho thanh niên, đoàn viên, chiến sỹ… các địa phương
Bên cạnh đó, VNPT cũng đã tham gia các chương trình hợp tác với các Bộ, Ban, ngành, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực CNTT như phối hợp với Bộ TT&TT triển khai chương trình “Máy tính cho cuộc sống” tại các tỉnh Tây Nguyên; Ký kết các Thoả thuận hợp tác về CNTT với Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Hội Nông dân, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh…
Phát triển các ứng dụng, dịch vụ giá trị gia tăng trên nền mạng băng rộng
Đây là một định hướng phát triển chiến lược của VNPT. Từ tháng 3/2009, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho VNPT nhiệm vụ cung cấp hạ tầng mạng phục vụ phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Đến nay, VNPT đã triển khai Mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ cho công tác điều hành của Chính phủ tới các cấp địa phương; cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho nhiều Hội nghị truyền hình trực tuyến của các cơ quan ban, ngành trong cả nước diễn ra thành công. Đã có rất nhiều khách hàng lớn thường xuyên sử dụng dịch vụ Truyền hình hội nghị của VNPT như TechcomBank, VPBank, AgriBank, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, UBND tỉnh Bắc Giang... với hàng trăm phiên hội nghị tại tất cả các tỉnh/thành phố trên toàn quốc.
Trên nền mạng băng rộng, VNPT đã cung cấp tới khách hàng hàng loạt các dịch vụ hiện đại, tiện ích như dịch vụ truyền hình theo yêu cầu MyTV, Cổng thông tin vì sức khỏe cộng đồng VHO.vn, dịch vụ đào tạo trực tuyến “Kienthucviet.vn”, các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền mạng băng rộng như: dịch vụ giám sát Mega Camera, Vn-Tracking, MegaE - meeting, MegaE – learning…
Hai mạng di động của VNPT là Mobifone và Vinaphone đã triển khai nhiều dịch vụ tiện ích trên nền mạng băng rộng di động như: Mobile TV, Video Call, Mobile Internet…
Giữ 75% thị phần thị trường dịch vụ băng rộng tại Việt Nam, có thể nói, với những nỗ lực triển khai, cung cấp của VNPT, dịch vụ băng rộng đã và đang thực sự làm thay đổi cuộc sống, thói quen của người dân từ thành thị đến nông thôn Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH nói chung và trong lĩnh vực viễn thông nói riêng. Sự kiện được nhận Giải “Băng rộng thay đổi cuộc sống”, một giải thưởng có uy tín hàng đầu thế giới về lĩnh vực băng rộng là sự đánh giá và ghi nhận của cộng đồng Viễn thông-Công nghệ thông tin quốc tế về những nỗ lực của VNPT trong việc phát triển mạng băng rộng phục vụ cộng đồng, đặc biệt là người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa của Việt Nam.