Dịch vụ OTT: doanh nghiệp bắt tay hay cạnh tranh?

Cuối mỗi ngày, Hồng Mai đều nhận được tin nhắn chúc ngủ ngon và hình ảnh bó hồng đỏ thắm từ bạn trai. Đây chính là một trong những ứng dụng OTT đang được các bạn trẻ Việt Nam ưa chuộng hiện nay. Ngoài Viber còn có WhatsApp, Kakao Talk, Zalo, FPT Chat... Lý do dịch vụ OTT được chuộng rất chính đáng: các điện thoại có thể cài được những ứng dụng này không đắt, chất lượng dịch vụ chấp nhận được và quan trọng nhất, các tin nhắn này được miễn phí.

img

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, trái với sự hưởng ứng nhiệt tình từ người dùng, hầu hết các nhà mạng đều lo lắng và cho rằng họ đang bị mất đi hàng tỷ đồng vì OTT. Trong các hội thảo về dịch vụ OTT gần đây, hầu hết các nhà mạng đều cho rằng Bộ Thông tin và Truyền thông cần đưa ra những chính sách hợp lý để tránh những thiệt hại cho nhà mạng và đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng. Nhiều giải pháp đã được đưa ra từ phía doanh nghiệp: tăng giá cước 3G,  tự làm các dịch vụ OTT, hay đầu tư và phát triển các dịch vụ tương tự…. Thậm chí có ý kiến cho rằng các nhà mạng nên bắt tay với doanh nghiệp nội dung số đưa ra các gói cước mới, ăn chia doanh thu với những doanh nghiệp nội dung số, kiểm soát dịch vụ OTT thông qua các biện pháp kỹ thuật… Và các nhà mạng phải có kế hoạch, chiến lược cụ thể rõ ràng tránh dẫn tới cạnh tranh quá mức, phá giá.

Thời gian tới, Cục Viễn thông sẽ tiếp thu ý kiến về vấn đề này qua email, trên website để đề xuất với lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra những chính sách quản lý nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các nhà mạng di động, doanh nghiệp nội dung Việt Nam cũng như doanh nghiệp nước ngoài và đem lại cơ hội tốt nhất cho người sử dụng .

Các nhà mạng cần hợp tác để bảo vệ lợi ích cho chính mình và người tiêu dùng

Trong hội thảo mới đây do Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, sự phát triển dịch vụ OTT là xu thế công nghệ mới, các nhà mạng là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho rằng: Các nhà mạng cần đoàn kết, thống nhất trong phương pháp xử lý chung vừa bảo vệ lợi ích của chính mình, vừa bảo vệ người tiêu dùng. Các nhà mạng nên chủ động ngồi lại với nhau và đàm phán với các công ty sở hữu dịch vụ OTT cả trong nước và nước ngoài…

Nếu việc bắt tay giữa các nhà mạng và các nhà phát triển OTT được thực hiện thì các dịch vụ OTT sẽ thêm cơ hội bùng nổ, doanh thu từ tin nhắn SMS giảm. Tuy nhiên nhờ đó, các nhà mạng có thể theo kịp xu hướng phát triển của thị trường và doanh thu từ đó có thể được tăng thông qua các gói cước thuê bao của dịch vụ nhắn tin miễn phí này.

Còn nếu lựa chọn phương pháp đối đầu với dịch vụ OTT thì để tồn tại buộc các nhà mạng phải có nhiều biện pháp nâng cấp dịch vụ nhắn tin với các tính năng vượt trội.

Và giả sử nhà mạng chọn phương án tự cung cấp dịch vụ OTT thì với những thế mạnh riêng trong việc tạo sự liên thông giữa các ứng dụng VoIP và VoLTE, kinh nghiệm kết nối người dùng với mạng lưới các vùng địa lí khác nhau, OTT của các nhà mạng có nhiều khả năng hấp dẫn người dùng hơn các dịch vụ khác. Tuy nhiên, bài toán đặt ra cho các nhà mạng là cần có những lộ trình phát triển dịch vụ hợp lý, sáng tạo và đổi mới để có thể tạo ra các sản phẩm cạnh tranh lành mạnh trong cuộc chạy đua với các ứng dụng OTT.

Nguy cơ gì từ OTT?

Theo số liệu mới nhất của hãng Nghiên cứu Thị trường di động Flurry (Mỹ) cho thấy Việt Nam đứng thứ hai thế giới về tốc độ tăng trưởng số lượng smartphone, tablet chạy Android và iOS trong năm 2012. Chưa kể, gói cước 3G của Việt Nam thấp hơn các nước khoảng 40%, càng chứng tỏ Việt Nam đang là thị trường thích hợp để các ứng dụng OTT phát triển. Hiện tại Việt Nam, ứng dụng Viber có khoảng 3,5 triệu người sử dụng, riêng tháng 2/2013 có thêm khoảng 500.000 người dùng, mỗi ngày có xấp xỉ 20.000 người sử dụng đăng ký mới. Theo thống kê của Mobifone cho thấy, số lượng cuộc gọi trên Viber ở Việt Nam có khoảng 280.000 cuộc/ngày và 8,7 triệu SMS/ngày. Như vậy, mỗi năm nhà mạng ở Việt Nam sẽ tổn thất hơn 1.000 tỷ đồng, trong khi lượng tiền data thu về không đáng bao nhiêu.

Cũng từ đó có thể thấy, nguy cơ các dịch vụ OTT của doanh nghiệp sở hữu phần mềm (cả trong và ngoài nước) chiếm phần lớn doanh thu từ những dịch vụ viễn thông cơ bản (nhắn tin, gọi điện), đặc biệt khi chất lượng cuộc gọi OTT được nâng cao tiệm cận chất lượng cuộc gọi di động truyền thống sẽ khiến doanh nghiệp viễn thông trong khi phải đầu tư rất lớn cho hạ tầng viễn thông mà không có doanh thu tại các dịch vụ cơ bản chủ yếu, trong khi chi phí dịch vụ, doanh thu quảng cáo (nếu có) sẽ chi cho bên sở hữu dịch vụ OTT. Tình trạng trên xảy ra không chỉ ở Việt Nam mà còn với nhiều nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, khi lưu lượng sử dụng OTT tăng cao, phần mềm cung cấp thêm các chức năng như tải nhạc, xem phim trực tuyến, gửi nhận file dung lượng cao sẽ gây tắc nghẽn băng thông 3G của các nhà mạng.

Đặc biệt hơn, vấn đề an ninh mạng được đặt ra ở đây, bởi các phần mềm OTT có thể cài thêm các chức năng theo dõi vị trí người sử dụng, kiểm soát toàn bộ dữ liệu trong điện thoại, danh bạ, tin nhắn hoặc nghiêm trọng hơn là phá hoại phần mềm của máy điện thoại.

Bên cạnh những lợi ích dễ dàng nhìn thấy từ các dịch vụ miễn phí, chúng ta vẫn không khỏi đặt câu hỏi về những nguy cơ tiềm ẩn. Các công ty cung cấp dịch vụ nhắn tin miễn phí: Zalo (đang có 1,5 triệu người dùng), Kakao talk (hơn 1 triệu người dùng), Viber (3,5 triệu người dùng)… đang phải bỏ ra số tiền rất lớn để đầu tư phần mềm cơ sở hạ tầng, đặc biệt là marketing. Nhưng cái mà họ có được là việc toàn quyền sử dụng và chuyển giao cho các đối tác khác những thông tin về số điện thoại, ghi chép của người sử dụng. Họ có thể dựa trên đó để vẽ ra tất cả các mối quan hệ của người dùng và sử dụng với nhiều mục đích khác nhau...  Trước khi nhà nước đưa ra những quy định quản lý và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong vấn đề này, người dân cũng cần bảo vệ chính mình bằng việc cân nhắc kỹ lưỡng các điều khoản quy định trước khi sử dụng những ứng dụng miễn phí này trên internet.

Hiện đã có nhiều hãng smartphone cũng trang bị các phần mềm OTT của riêng hãng, tuy nhiên chủ yếu là nhắn tin nhằm tăng thêm tiện ích cho người sử dụng cùng một nhãn hiệu smartphone như Blackberry với công cụ Blackberry Mesenger, Apple với ứng dụng Facetime đàm thoại video và iMessenger hỗ trợ tin đa phương tiện giữa các thiết bị chạy iOS với nhau, hay gần đây nhất là Samsung với phần mềm ChatOn. Và khi các công nghệ kết nối như Wifi, 3G ngày càng phổ biến và  số lượng người sử dụng Smartphone đang tăng cao , ứng dụng OTT sẽ ngày càng phát triển mạnh. Hàng triệu người dân trên đất nước sẽ được hưởng lợi. Tuy các dịch vụ OTT vẫn còn có nhiều nhược điểm như chất lượng cuộc gọi thoại còn kém so với cuộc gọi truyền thống, ngay cả khi sử dụng trên 3G; để liên lạc, hai bên đều phải sử dụng cùng một phần mềm trong khi hiện nay rất nhiều phần mềm OTT đang hoạt động; sử dụng dịch vụ OTT không gọi được sang máy cố định. Song người tiêu dùng đang tin rằng, trong quá trình phát triển của phần mềm để làm cho phần mềm OTT gần hơn với cuộc gọi truyền thống, các nhược điểm trên sẽ có thể được cải tiến.