“Máy tính cho cuộc sống” rút ngắn khoảng cách số

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Intel Việt Nam đã giới thiệu chương trình đồng hành cùng sáng kiến “Máy tính cho cuộc sống” nhằm tiếp tục thực hiện cam kết khuyến khích sử dụng máy tính cho người Việt Nam, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, và hải đảo.

img
Bà Debjani Ghosh, Giám đốc Intel khu vực Đông Nam Á tham quan trường học. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Chương trình này là một phần nằm trong Biên bản ghi nhớ có thời hạn 10 năm mà Intel đã ký kết với Bộ Thông tin và Truyền thông vào tháng 10 năm ngoái.
 
Các máy tính với bộ vi xử lý của Intel tham gia chương trình này sẽ có mức giá hợp lý và sẽ được cài đặt sẵn các công cụ, các ứng dụng hữu ích phù hợp với nhu cầu sử dụng của từng nhóm đối tượng người dùng, ví dụ như chương trình học Anh ngữ của Hội đồng Anh (British Council), các phần mềm MeeGo và Intel® AppUp của Intel.

Đồng thời, để việc trang bị máy tính dễ dàng hơn với người sử dụng, công ty tài chính ACS sẽ tham gia cùng với chương trình bằng cách hỗ trợ một số điều kiện cho thuê tài chính toàn diện đến các khách hàng cần được hỗ trợ.

Năm 2011, chương trình được chia ra làm 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất từ ngày 25/5 đến hết 30/9, tập trung đưa máy tính đến các đối tượng học sinh, sinh viên mang tên “Máy tính ước mơ.”

Intel cùng các đối tác đưa ra 3 cấu hình máy tính phù hợp với các nhu cầu đặc thù của người dùng, có giá bán lẻ đề xuất từ 5 đến 9 triệu đồng (đã bao gồm VAT). Các bộ máy tính này được các nhà sản xuất bảo hành 1 năm. Người mua cũng sẽ được cung cấp các tùy chọn theo nhu cầu để nâng cấp lên các mức cấu hình mạnh hơn.

Bà Debjani Ghosh, Giám đốc Intel khu vực Đông Nam Á cho biết thông qua chương trình đồng hành cùng sáng kiến ”Máy tính cho cuộc sống,” Intel mong muốn thúc đẩy việc tăng nhanh hơn nữa số người sở hữu máy tính và nâng cao khả năng vận dụng tin học vào cuộc sống tại Việt Nam, đặc biệt là đối với những đối tượng có thu nhập thấp như học sinh, sinh viên và người dân nông thôn.
 
Các đại lý của Intel tham gia chương trình có mặt ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước.
 
Trong 10 năm qua, Việt Nam đã có được tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực về mức độ phổ biến của Internet. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam tính đến cuối năm 2010, 31,7% dân số Việt Nam đã dùng đến internet và mỗi năm có thêm từ 2 đến 3 triệu người Việt Nam được sử dụng mạng toàn cầu này.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Nam đã bắt kịp với các nước trong khu vực như Trung Quốc hay Thái Lan. Mức độ phổ cập tin học của Việt Nam trong năm 2010 ước tính vào khoảng 15%. Các số liệu khả quan này định hướng cho tiềm năng phát triển to lớn của thị trường máy tính trong nước, với tiềm năng lớn nhất nằm ở các vùng nông thôn./.
 

Nguồn: Theo Vietnamplus.vn