Cục Xuất bản, In và Phát hành đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

Chiều ngày 16/12/2013, tại Hà Nội, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và tổng kết công tác năm 2013, triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2014. Đến dự và trao tặng Huân chương có đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ; cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Cục Xuất bản, In và Phát hành.

img
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã trao tặng
Huân chương Lao động hạng Ba cho Cục Xuất bản, In và Phát hành
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho tập thể cán bộ, công chức, viên chức Cục Xuất bản, In và Phát hành. Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng đã biểu dương và chúc mừng tập thể cán bộ, công chức và người lao động của Cục Xuất bản, In và Phát hành đã vinh dự được nhận phần thưởng cao quý của Nhà nước trao tặng. Điều này thể hiện sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với sự đóng góp to lớn của tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Cục Xuất bản, In và Phát hành trong thời gian qua.
 
img
 
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Năm 2013, ngành Xuất bản, In và Phát hành nói riêng tiếp tục phải vượt qua một năm đầy khó khăn, thách thức trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Cục đã bám sát chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và lãnh đạo Bộ để cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, các giải pháp, biện pháp chỉ đạo điều hành và quản lý hoạt động xuất bản - in - phát hành đạt được nhiều kết quả trên tất cả các mặt. Trong đó, các mặt tiêu biểu gồm:

Về công tác quản lý nhà nước: Năm 2013, Cục Xuất bản đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo hướng đồng bộ, chặt chẽ, phục vụ kịp thời nhu cầu thực tế về quản lý nhà nước. Trong đó, chủ trì xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản; Nghị định quy định về hoạt động in (thay thế Nghị định 105/2007/NĐ-CP về in các sản phẩm không phải xuất bản phẩm); Phối hợp với Cục Báo chí xây dựng Nghị định quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản (sửa đổi Nghị định 61/2002/NĐ-CP ngày 11/6/2002 về chế độ nhuận bút); Phối hợp với Thanh tra Bộ xây dựng Nghị định số 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản (sửa đổi Nghị định 02/2011/NĐ-CP ngày 6/1/2011; Phối hợp với Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xây dựng dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan… Đồng thời, hoàn thành việc xây dựng Quy hoạch phát triển ngành xuất bản - in - phát hành sách đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trình Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt; Tiếp tục phối hợp xây dựng và thúc đẩy hoàn thành các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ về “Quỹ hỗ trợ xuất bản”; Phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thành xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ về “Ngày Sách Việt Nam”; Xây dựng và tổ chức thực hiện 2 Dự án “Xuất bản phẩm theo chuyên đề” và “Đặt hàng cung ứng dịch vụ thông tin và truyền thông tại các điểm Bưu điện văn hóa xã” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo năm 2013… Đặc biệt, triển khai Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông, theo đó tại điều 3 của Nghị định này, Cục Xuất bản được đổi tên thành Cục Xuất bản - In và Phát hành. Việc đổi tên Cục nhằm xác định rõ phạm vi quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản - in và phát hành xuất bản phẩm.

Về lĩnh vực xuất bản: Theo báo cáo, tính đến 15/11/2013, các đơn vị đã đăng ký xuất bản: 51.293 cuốn, với 958.979.826 bản; Cục đã đăng ký xác nhận đăng ký xuất bản: 50.312 cuốn, với 956.727.326 bản; nộp lưu chiểu 24.895 cuốn, với 273.788.492 bản. Cũng trong năm 2013, Cục Xuất bản đã xử lý 108 cuốn sách vi phạm về nội dung và 101 cuốn sách vi phạm các quy định khác của Luật Xuất bản. Các xuất bản phẩm vi phạm chủ yếu vào 5 nhóm vấn đề như: Thể hiện không đúng và đầy đủ chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia Việt Nam; sách tham khảo học sinh có nguồn gốc từ nước ngoài, sử dụng ảnh minh họa cờ sai quy định; sai sót về sự kiện, thời gian, nhân vật; miêu tả cuộc sống dâm ô, phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; sách hồi ký, tự truyện không mang tính khách quan, thiếu chính xác, đưa ra những nhận định, đánh giá chủ quan của tác giả.

Đối với quản lý xuất bản lịch bloc năm 2014, Cục Xuất bản tiếp tục thực hiện những giải pháp nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, nhà sản xuất và nhà xuất bản, điều tiết cơ cấu các chủng loại lịch phù hợp, tránh mất cân đối cung cầu trên thị trường, giữa các đối tượng, vùng miền…

Về lĩnh vực in: Cục Xuất bản đã cấp giấy phép hoạt động in cho 08 đơn vị; 30 giấy phép in gia công cho nước ngoài; cấp phép nhập khẩu 673 máy photocopy màu; cấp chuyển nhượng 312 máy photocopy màu.

Về lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm: Cục đã xác nhận 1.071 giấy xác nhận đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh cho 9/10 đơn vị có giấy phép hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm nhập khẩu (gồm: 112.567 tên sách, với 64.394.564 bản sách; 19.850.804 băng đĩa); 33 giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh gồm: 374 tên sách, với 31.628 bản sách; 298 băng đĩa.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường; công tác hợp tác quốc tế, thông tin đối ngoại tiếp tục được duy trì và mở rộng, đáp ứng nhiệm vụ chính trị, ngoại giao của toàn ngành; duy trì việc tham gia các Hội chợ sách quốc tế…

Về phương hướng công tác năm 2014: Cục Xuất bản, In và Phát hành đã nêu ra 5 phương hướng lớn; trong đó, trọng tâm là việc xây dựng và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển; Chủ động trong công tác chỉ đạo điều hành; tăng cường công tác phối hợp với cơ quan đơn vị có liên quan

Cũng tại Hội nghị, đa số các đại biểu đều đồng tình với những kết quả ngành xuất bản - in - phát hành đã đạt được trong năm 2013 và phương hướng nêu ra trong năm 2014.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh: Năm 2013 là một năm đầy khó khăn, thách thức đối với đất nước ta nói chung, nhưng ngành xuất bản còn phải đối mặt với những khó khăn riêng như: Sức mua của xã hội đối với xuất bản phẩm suy giảm, thực trạng in lậu vẫn âm thầm diễn ra làm suy kiệt nguồn lực; nhiều nhà xuất bản từ Trung ương đến địa phương đang phải đương đầu với nguy cơ thu hẹp phạm vi hoạt động; hành lang pháp lý trong lĩnh vực in chưa theo kịp được yêu cầu; mạng lưới phát hành sách ở cấp huyện bị thu hẹp rất nhiều (có nhiều địa phương đã xuất hiện những điểm trắng về phát hành sách cấp huyện)... Song vượt lên những khó khăn đó, ngành xuất bản - in và phát hành vẫn đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Cục đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, trong đó có những công việc mang tầm chiến lược, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành theo yêu cầu mới của cải cách hành chính.

Đặc biệt, sau khi Luật Xuất bản đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ IV và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã gấp rút xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và Nghị định hướng dẫn một số điều thi hành Luật Xuất bản; Tiến hành sửa đổi Nghị định quy định về hoạt động in (thay thế Nghị định 105/2007/NĐ-CP về in các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm); phối hợp với đơn vị có liên quan xây dựng Nghị định quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản; xây dựng Nghị định số 159/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản; dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về bản quyền tác giả, quyền có liên quan; Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về chế độ thù lao cho người đọc và kiểm tra, thẩm định xuất bản phẩm lưu chiểu (thay thế Thông tư liên tịch số 01/2007/TTLT-BVHTT-BTC “Hướng dẫn định mức và chế độ thù lao đọc xuất bản phẩm lưu chiểu”).

Bên cạnh việc triển khai xây dựng hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, Cục Xuất bản,  In và Phát hành đã chủ trì phối hợp có hiệu quả với các đơn vị trong và ngoài Bộ hoàn thiện Quy hoạch ngành xuất bản - in - phát hành sách đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quỹ hỗ trợ Xuất bản trình Chính phủ phê duyệt và trình Chính phủ xem xét quyết định “Ngày Sách Việt Nam”… Ngoài ra, Cục còn phối hợp với các ngành có liên quan tìm các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn đối với các đơn vị xuất bản, phát hành về chính sách thuế, nhà đất…

Để triển khai có hiệu quả nhiệm vụ công tác năm 2014, Bộ trưởng đề nghị Cục Xuất bản, In và Phát hành cần tiếp tục phát huy sức mạnh tập thể, đoàn kết phấn đấu, chăm lo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội để khẳng định mình trong quá trình công tác. Đồng thời tiến hành thực hiện 5 nhiệm vụ sau: Một là, nhanh chóng hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Cục Xuất bản, In và Phát hành theo Nghị định 132/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ. Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, quy hoạch đội ngũ cán bộ đủ sức đáp ứng với yêu cầu đặt ra trong tình hình mới. Hai là, cần tập trung ưu tiên xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, bám sát thực tiễn để tham mưu và đề xuất để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong ngành để tạo điều kiện cho ngành xuất bản - in - phát hành phát triển đi đôi với việc quản lý. Ba là, nâng cao hiệu quả quản lý nội dung xuất bản phẩm, có thể can thiệp trực tiếp ngay từ khâu đầu tiên của quy trình xuất bản, in và phát hành (vừa tiền kiểm, vừa hậu kiểm). Tăng cường kiểm tra, thẩm định xuất bản phẩm và các xuất bản phẩm nhập khẩu nhằm phát hiện xử lý kịp thời những xuất bản phẩm có nội dung không phù hợp. Do vậy cần nêu cao trách nhiệm, nhận thức về chính trị, cũng như bản lĩnh trong mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong Cục. Bốn là, sắp tới khi chuyển giao chức năng thanh tra chuyên ngành về Cục Xuất bản, In và Phát hành cần có sự phối hợp đồng bộ, thường xuyên với các cơ quan chức năng, đồng thời tham mưu đề xuất cho lãnh đạo Bộ trong lĩnh vực của mình để xử lý, hạn chế những tình trạng in lậu ở mức thấp nhất. Năm là, Cục cần chủ động tham mưu trình lãnh đạo Bộ theo từng nội dung, kế hoạch trong công tác chỉ đạo quản lý xuất bản, tập trung đề xuất những vấn đề quan trọng; tham mưu trình lãnh đạo Bộ kế hoạch phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo công tác quản lý xuất bản, in, phát hành sách. Nghiên cứu những vấn đề trọng tâm về tổng kết Chỉ thị 20, Chỉ thị 42 của Ban Bí thư Trung ương về việc quản lý hoạt động xuất bản trong thời gian tới.
 
Cũng nhân dịp này, 02 cá nhân Cục Xuất bản, In và Phát hành đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều tập thể, cá nhân của Cục được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.