Hội nghị sơ kết giai đoạn II, bước 1 của Dự án “ Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam”

Sáng ngày 10/10/2013, tại Hà Nội, Ban Quản lý dự án Bill & Melinda Gates đã tổ chức Hội nghị sơ kết giai đoạn II, bước 1 của Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam”. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng đã tới dự hội nghị. Tham dự có đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; một số tỉnh, thành phố đã triển khai dự án này.

img

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng trao bằng khen cho các cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc.

Theo báo cáo của đại diện Ban quản lý dự án BMGF, thời gian thực hiện của Dự án là 5 năm từ tháng 7/2011 – 6/2016, trong đó có 40 tỉnh triển khai, được thực hiện theo 3 bước. Bước 1 triển khai tại 12 tỉnh, bước 2 tại 16 tỉnh và bước 3 tại 12 tỉnh.
Nằm trong kế hoạch của Dự án, bước 1 của Dự án được bắt đầu triển khai trong 15 tháng từ tháng 4/2012 đến tháng 6/2013 tại 12 tỉnh gồm Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắc Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và 3 trung tâm đào tạo tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành Phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, căn cứ vào đề xuất của ủy ban nhân dân các tỉnh và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt 637 điểm đủ điều kiện thực hiện trong bước 1, bao gồm 311 điểm thư viện tỉnh, huyện, xã, 323 điểm bưu điện văn hóa xã và 3 trung tâm đào tạo vùng. Ngoài ra, trong giai đoạn này, các phòng đào tạo của 3 thư viện tỉnh Thái Nguyên, Nghệ An và Trà Vinh cũng được Dự án hỗ trợ thêm các trang thiết bị.
 
Đại diện Ban quản lý cũng đã chỉ ra những kết quả nổi bật của Dự án trong giai đoạn vừa qua như sau: về tổng thể, dự án đã hoàn thành các hoạt động theo kế hoạch, nằm trong số ít dự án quốc gia triển khai đạt kết quả và tiến độ. Trong đó, từ 1/6/2012 – 30/9/2013 đã có 218.250 lượt người sử dụng máy tính ở 12 tỉnh. Bước 1 với tổng thời lượng truy nhập Internet là 2.028.191 giờ; doanh thu các điểm bưu điện văn hóa xã từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2013 là 1.105.424.000 đồng, bình quân là 427.000 đồng/điểm/tháng; triển khai mới được 634 điểm truy cập tại 12 tỉnh, 15 trung tâm đào tạo, lắp đặt thêm 4180 máy tính, 950 cán bộ các cấp được tập huấn phục vụ cho gần 200.000 lượt người sử dụng trong đó riêng 4 tháng (1/5 – 30/9/2013) đã lên tới 100.000 lượt sử dụng máy tính và hiện nay, số lượng đang có xu hướng tăng lên.

Số lượng người truy nhập sử dụng máy tính của dự án cũng đã tăng lên đáng kể: số người tham gia mạng xã hội chiếm 81,40%, chơi trò chơi 80,87%, dùng cho học thuật 78,41%, thông tin về nhà nước, sản xuất, bệnh dịch 62,29%, thông tin về sức khỏe 51,43%, thông tin về văn hóa, thể thao, chính trị 33,25% và thông tin cơ hội việc làm là 20,80%. Trong đó, nam vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn nữ trong số người sử dụng: nam (56%), nữ (44%). Về thành phần người sử dụng, đông nhất là nhóm học sinh, sinh viên và cán bộ, nông dân chiếm tỷ lệ khiêm tốn, số lương người dân tộc thiểu số tham gia cũng khá thấp, chỉ chiếm 20%.
 
Về việc đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nâng cấp 3 phòng đào tạo tại Hà Nội (tại trụ sở của VNPost), Văn phòng đại diện của Bộ tại TP. HCM và Văn phòng Đại diện tại Đà Nẵng đáp ứng điều kiện tiếp nhận của Dự án. VNPost cũng đã ủng hộ và hỗ trợ Dự án qua việc cấp trung bình 20 – 30 triệu đồng/điểm BĐ-VHX để chuẩn bị cơ sở hạ tầng đạt tiêu chí Dự án.
 
Ban quản lý cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Công An, Crown Agents, FPT để đo kiểm, kiểm tra an ninh, lắp đặt thiết bị, nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng 11 máy chủ (server), 4.180 máy tính, 640 máy in và các trang thiết bị phụ trợ đã được nối mạng Internet băng thông rộng và lắp đặt cho 637 điểm TVCC, BĐ-VHX tại 12 tỉnh (bao gồm 3 thư viện tỉnh của Dự án thí điểm) và 3 Trung tâm đào tạo vùng. Để hỗ trợ công tác quản lý, Dự án cũng đã thiết kế phần mềm quan sát (observatory) để hỗ trợ lắp đặt, vận hành, quản lý và thu thập các số liệu cần thiết để đánh giá Dự án. Phần mềm này đã được đưa vào sử dụng và đã được nhà tài trợ đánh giá cao.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, Dự án “ Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam” trong giai đoạn vừa qua còn gặp một số khó khăn tại các địa phương thực hiện. Một số cán bộ tại các điểm sử dụng còn ỷ lại, thụ động, không phát huy hết những lợi thế và nhiệm vụ chính trị của hệ thống, không tận dụng những lợi thế về thương mại, dịch vụ do dự án đem lại. Nhận thức của lãnh đạo của các cơ quan quản lý thư viện công cộng và điểm bưu điện văn hóa xã chưa được nâng cao, chưa làm chủ và tận dụng hệ thống giám sát, đánh giá làm cho công tác thu thập số liệu chậm, bị động…
 
Tại hội nghị đại diện các Bộ, Ngành, VNPOST và các Sở thực hiện Dự án trong giai đoạn II, bước 1 đã có nhiều ý kiến đóng góp và chia sẻ những kinh nghiệm tại địa phương để trong giai đoạn tới việc thực hiện, triển khai Dự án đem lại nhiều kết quả thiết thực, đảm bảo tới được người có nhu cầu…
 
img
 
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đã biểu dương kết quả mà Dự án đã đạt được trong thời gian vừa qua. Thứ trưởng cũng chỉ ra năm giá trị quan trọng mà Ban quản lý cần lưu ý trong quá trình thực hiện Dự án: Vai trò của cơ sở; chú trọng quan tâm tới khó khăn của người lao động, có các biện pháp hỗ trợ phù hợp cho cán bộ, nhân viên ở các điểm bưu điện văn hóa xã, thư viện công cộng; Việc đầu tư trang thiết bị, hạ tầng rất quan trọng, cần có cơ chế, chính sách lâu dài; Tăng cường đào tạo, thúc đẩy mạnh mẽ hợp phần nội dung để trang bị cho Dự án; Tăng cường công tác truyền thông, vận động rộng rãi tới người dân…
 
Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cũng đã trao bằng khen và phần thưởng cho các cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai và thực hiện Dự án.