Hội nghị đánh giá 6 năm thi hành Luật Xuất bản
Ngày 12/10/2011, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị đánh giá 6 năm thi hành Luật Xuất bản. Tham dự hội nghị có UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, lãnh đạo đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội, Bộ TT&TT, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, các sở TT&TT, các nhà xuất bản trên cả nước… Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn đã chủ trì hội nghị.
Hội nghị đã nghe Cục Xuất bản báo cáo đánh giá 6 năm thi hành Luật Xuất bản và báo cáo tình hình chuẩn bị sửa đổi Luật Xuất bản. Theo đó, Luật Xuất bản được Quốc hội thông qua năm 2004. Sau khi được Chủ tịch nước ký lệnh công bố, Luật đã được phổ biến rộng rãi đến các đối tượng điều chỉnh cũng như các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước. Công tác tuyên truyền, phổ biến đã được thực hiện thường xuyên và phát huy được hiệu quả, góp phần quan trọng và việc tổ chức thực hiện, thi hành Luật Xuất bản trong toàn xã hội. Hoạt động xuất bản đã đi vào nề nếp, nâng cao chất lượng và hiệu quả của xuất bản phẩm.
Các nhà xuất bản thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của cơ quan chủ quản, đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng địa phương. Việc mở rộng đối tượng và điều kiện được phép thành lập nhà xuất bản cũng đã tạo sự gia tăng nhanh chóng về số lượng nhà xuất bản trên toàn quốc từ 45 nhà xuất bản năm 2004 lên 64 nhà xuất bản năm 2011. Nhịp độ phát triển chung về số lượng xuất bản phẩm có xu hướng tăng khoảng 5%.
Luật Xuất bản năm 2004 cũng thay đổi căn bản hoạt động in từ tư duy phụ thuộc nhiều về chính trị sang tư duy cân bằng, hài hòa giữa hai nhiệm vụ là chính trị và sản xuất kinh doanh. Số lượng cơ sở in tăng nhanh từ 162 cơ sở năm 2004 lên 1.200 cơ sở in vào năm 2010, giải quyết việc làm cho 4 vạn lao động trong ngành. Công nghệ in hiện đại hơn. Sản lượng trang in tiêu chuẩn hàng năm của toàn ngành tăng nhanh khoảng 10%/ năm. Năm 2004 đạt 476 tỷ trang in 13x19cm đến năm 2010 tăng lên 900 tỷ trang in.
Lực lượng phát hành sách thuộc các thành phần kinh tế cũng tiếp tục phát triển. Hiện nay nhà nước có khoảng 13.700 nhà sách, hiệu sách…, 75 công ty kinh doanh xuất bản phẩm.
Tại hội nghị, đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ TT&TT, Bộ Tài chính, sở TT&TT một số địa phương và nhiều nhà xuất bản đã trình bày 15 tham luận về những khó khăn trong hoạt động xuất bản, những kiến nghị và góp ý cho việc chuẩn bị sửa đổi Luật Xuất bản.
Các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản được trưng cầu đóng góp ý kiến tại hội nghị bao gồm phạm vi điều chỉnh của Luật; vị trí mục đích của hoạt động xuất bản; khái niệm về xuất bản phẩm; nguyên tắc công bố, phổ biến tác phẩm; sự thống nhất giữa vị trí pháp lý của hoạt động xuất bản và chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sự nghiệp xuất bản; hội nhập quốc tế trong hoạt động xuất bản; đối tượng, điều kiện thành lập nhà xuất bản; trách nhiệm của cơ quan chủ quản; đăng ký kế hoạch xuất bản; chức danh lãnh đạo nhà xuất bản; chế định hậu kiểm, lưu chiểu xuất bản phẩm; liên kết trong hoạt động xuất bản; xuất bản, phát hành xuất bản phẩm trên mạng Internet và các thiết bị kỹ thuật số; quảng cáo trên xuất bản phẩm; điều kiện để cấp giấy phép hoạt động in; khái niệm hoạt động phát hành xuất bản phẩm; thu phí và lệ phí; chức năng thanh tra hoạt động xuất bản; kế thừa và hợp nhất giữa Luật Xuất bản năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản năm 2008; cải cách thủ tục hành chính.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị. Hội nghị là khâu bắt buộc trong quy trình soạn thảo Luật Xuất bản năm 2012. Thứ trưởng chỉ đạo trong tháng 10/2011, Cục Xuất bản hệ thống lại các ý kiến góp ý, hoàn chỉnh báo cáo 6 năm thi hành Luật Xuất bản để chuẩn bị tài liệu trình Quốc hội; hoàn thiện danh sách Ban soạn thảo, tổ biên tập; Cục Xuất bản phối hợp Vụ Pháp chế tham mưu cho Bộ trưởng đề nghị đại diện các bộ ngành tham gia ban soạn thảo. Cục Xuất bản cần tổ chức một số hội thảo chuyên sâu hơn để giải quyết kỹ hơn một số vấn đề thứ nhất là tính chất, vị trí pháp lý của hoạt động xuất bản, nếu xác định đây là hoạt động tư tưởng văn hóa đồng thời là hoạt động sản xuất kinh doanh thì mối quan hệ như thế nào. Thứ hai là Luật Xuất bản 2012 điều chỉnh như thế nào với cơ sở in bao bì, nhãn mác hàng hóa, các cơ sở này có xếp vào hoạt động tư tưởng văn hóa không. Thứ ba là những vấn đề liên quan đến hội nhập quốc tế, phát triển xuất bản phải đi đôi với quản lý tốt nhưng phải phù hợp với xu thế chung của thế giới. Thứ tư là vấn đề liên kết, làm sao huy động được các nguồn lực đồng thời giữ vững được vai trò của các nhà xuất bản. Thứ năm là vấn đề hậu kiểm và thứ sáu là vấn đề xuất bản trên mạng Internet.
Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục nghiên cứu báo cáo, kiến nghị, đề xuất bằng văn bản gửi về Cục Xuất bản. Vụ Kế hoạch Tài chính phối hợp với Cục Xuất bản xây dựng dự toán kinh phí xây dựng Luật Xuất bản trong tháng 11/2011. Dự kiến sẽ hoàn thiện dự thảo vào tháng 1/2012.