Sở TT&TT Bắc Ninh 10 năm xây dựng và phát triển

Sở Bưu chính-Viễn thông Bắc Ninh (nay là Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Ninh) được thành lập theo Quyết định số 140/2004/QĐ-UBND ngày 3-8-2004 của UBND tỉnh Bắc Ninh. Sở có chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông, CNTT, điện tử, Internet, truyền dẫn phát sóng, tần số vô tuyến điện và cơ sở hạ tầng thông tin; quản lý các dịch vụ công về bưu chính, viễn thông và CNTT.

img

 Năm 2013, Sở TT&TT Bắc Ninh đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

Chính thức đi vào hoạt động ngày 1-8-2005. Ngày 8-3-2008, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Quyết định số 32/2008/QĐ-UBND thành lập Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) trên cơ sở Sở Bưu chính Viễn thông và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí xuất bản từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đến năm 2010, Sở được bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ mới là quản lý nhà nước đối với Đài PT-TH tỉnh và Đài Phát thanh cấp huyện.
 
Đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng nhiệm vụ trong từng giai đoạn, bộ máy tổ chức, biên chế của Sở cũng từng bước được củng cố, phát triển. Từ con số chưa đến 10 biên chế, lao động hợp đồng ban đầu, đến nay, có gần 70 cán bộ, công chức, viên chức và lao động với 7 phòng chuyên môn và 1 đơn vị sự nghiệp. Trong đó, 23% CBCCVC trình độ Thạc sỹ; 67% có trình độ Đại học. Cùng với việc kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy, tổ chức các đoàn thể không ngừng lớn mạnh, nâng cao vai trò lãnh đạo và phát huy sức mạnh tập thể.
 
Thực hiện quản lý các lĩnh vực vừa mang tính chính trị tư tưởng, nhạy cảm (Báo chí, xuất bản), vừa có công nghệ kỹ thuật cao và thay đổi nhanh chóng (Bưu chính, Viễn thông - internet, CNTT) là những thách thức lớn với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nhưng với sức mạnh của tập thể, với đội ngũ cán bộ, viên chức có trình độ chuyên môn sâu, nhiệt tình, năng động, những lúng túng, bỡ ngỡ ban đầu dần qua đi. Vượt bao khó khăn, đội ngũ cán bộ của Sở TT&TT được trải nghiệm, nâng cao năng lực quản lý, bản lĩnh và kinh nghiệm nghề nghiệp để làm chủ các lĩnh vực quản lý của ngành. Vai trò, vị thế của ngành ngày càng được khẳng định, là ngành tác động vào sự phát triển của tất cả các ngành, lĩnh vực khác. Sau 10 năm kể từ khi Sở Bưu chính Viễn thông (nay là Sở TT&TT) đi vào hoạt động, sở đã triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ quản lý ngành, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của tỉnh.
 
Công tác quản lý nhà nước về bưu chính viễn thông được chú trọng và mang lại hiệu quả rõ rệt. Sở TT&TT tích cực tham mưu với UBND tỉnh ban hành các quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án; các văn bản chỉ đạo, điều hành… đồng thời, phối hợp với ngành, các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp, đơn vị liên quan triển khai các quy định của Nhà nước về các mặt hạ tầng và kinh doanh các loại hình dịch vụ. Tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông bảo đảm tốt thông tin liên lạc phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là các sự kiện chính trị trọng đại của tỉnh; phục vụ tốt cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
 
Nếu như năm 2006, tổng số thuê bao điện thoại mới đạt khoảng 339.830 thuê bao (đạt 34 thuê bao/100 dân); internet có hơn 3.562 thuê bao; trạm BTS có khoảng 60 trạm thì đến năm 2014, tổng số thuê bao trên địa bàn tỉnh đã là 1.270.000 thuê bao (đạt mật độ 120 thuê bao/100 dân); số thuê bao internet là 368.768 thuê bao, đạt mật độ 69 thuê bao/100 dân (đã quy đổi); truyền hình cáp với 33.000 thuê bao; tổng số trạm BTS lên tới 1.344 trạm (tỷ lệ dùng chung trạm 2G  và 3G trên một cột đạt trên 90%), 100% các xã, phường, thị trấn đã có đường truyền internet cáp quang tốc độ cao về đến trung tâm, mạng truyền số liệu chuyên dùng đã kết nối từ UBND tỉnh đến 100% các sở, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã bằng đường truyền cáp quang tốc độ cao, với hệ thống 147 điểm phục vụ, trong đó có 34 bưu cục các cấp, 97 điểm bưu điện văn hóa xã, 6 đại lý và 10 thùng thư công cộng trên địa bàn toàn tỉnh góp phần phục vụ tốt nhu cầu thông tin liên lạc, chuyển phát của chính quyền các cấp, các doanh nghiệp và nhân dân.
 
Công tác quản lý nhà nước về CNTT được chú trọng, đóng góp tích cực trong mọi mặt hoạt động của tỉnh, nhất là trong công tác quản lý điều hành, cải cách hành chính, thay đổi lề lối, tác phong làm việc, tạo tiền đề xây dựng chính quyền điện tử Bắc Ninh. Hạ tầng công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư, hệ thống mạng LAN đã kết nối từ tỉnh đến các sở, ngành và đến cơ sở, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức được trang bị máy tính đạt trên 98%. Ứng dụng CNTT được quan tâm đẩy mạnh, nhiều phần mềm được triển khai có hiệu quả trên các lĩnh vực; nguồn nhân lực không ngừng được nâng lên đảm bảo chất lượng... Công nghiệp điện tử tại Bắc Ninh tiếp tục dẫn đầu cả nước về doanh thu với sự hiện diện của các tập đoàn lớn trên thế giới như: Samsung, Foxcon, Canon, Microsoft... ước đến hết năm 2015 có khoảng 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp điện tử và CNTT. Chỉ số VN ICT Index của tỉnh liên tục nằm trong nhóm 10 địa phương xếp hạng cao nhất, năm 2014 xếp thứ 2/63 địa phương của cả nước (tăng 1 bậc so với năm 2013).
 
Công tác quản lý Nhà nước về báo chí xuất bản, phát thanh truyền hình được quan tâm và ngày càng được hoàn thiện, góp phần đưa hoạt động của báo chí xuất bản trong tỉnh đi vào nền nếp, bảo đảm đúng định hướng chính trị, đúng tôn chỉ mục đích và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động thông tin trên báo chí, góp phần ổn định và tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội. Trong những năm gần đây, sở triển khai chỉ đạo, phối hợp tốt trong công tác thông tin tuyên truyền, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong từng giai đoạn. Tuyên truyền kịp thời các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh. Sự nghiệp phát thanh truyền hình của tỉnh được khẳng định, tổ chức bộ máy của Đài PT-TH tỉnh, Đài phát thanh cấp huyện, Đài truyền thanh cơ sở được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật đã không ngừng lớn mạnh, đáp ứng tốt hoạt động tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền ngày càng phong phú, đa dạng, thời lượng phát không ngừng được tăng lên... Có thể nói, hệ thống phát thanh truyền hình từ tỉnh đến cơ sở khẳng định là tiếng nói quan trọng của Đảng bộ, chính quyền các cấp và của nhân dân.
 
Những nỗ lực và thành tích đạt được sau 10 năm xây dựng và phát triển của Sở TT&TT tỉnh Bắc Ninh đã được ghi dấu ấn rõ nét bằng việc tập thể sở, các phòng chuyên môn và nhiều cá nhân vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TT&TT và Chủ tịch UBND tỉnh.
 
Những kết quả đạt được của Sở TT&TT Bắc Ninh qua 10 năm xây dựng và phát triển là rất phấn khởi và tự hào. Với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ TT&TT, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cùng với tinh thần đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo và nỗ lực phấn đấu vươn lên của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tin tưởng rằng sự nghiệp thông tin và truyền thông tỉnh nhà trong thời gian tới tiếp tục được phát triển vững mạnh, góp phần xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng quê hương Bắc Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Nguồn: Nguyễn Đình Thắng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở TT&TT Bắc Ninh