Phát triển mạng lưới và hạ tầng bưu chính – viễn thông gắn với công tác quốc phòng – an ninh tại Phú Thọ

Trong xu thế hợp tác và phát triển, một số khu vực trên thế giới vẫn xảy ra hoặc tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định, chiến tranh cục bộ, xung đột sắc tộc, tôn giáo, ly khai, khủng bố và tranh chấp tài nguyên lãnh thổ. Do đó, Đảng ta xác định trong điều kiện trước mắt và lâu dài phải gắn chặt hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH đã ghi rõ: “Sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội là nền tảng vững chắc cho quốc phòng an ninh (QPAN), phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với tăng cường sức mạnh QPAN, kết hợp chặt chẽ kinh tế với QPAN, QPAN với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trên từng địa bàn”.

img

Trung tâm Dữ liệu số Sở TT&TT Phú Thọ

Trong khu vực phòng thủ của đất nước và Quân khu II, Phú Thọ giữ vị trí quan trọng về chiến lược. Vì vậy, trong việc xây dựng và phát triển tỉnh Phú Thọ, sự kết hợp trên là vô cùng quan trọng, xuyên suốt được chỉ đạo và chăm lo, đầu tư thoả đáng về mọi mặt.

Bưu chính - Viễn thông (BCVT) là một ngành kinh tế - kỹ thuật - dịch vụ quan trọng trong kết cấu hạ tầng nền kinh tế. Lĩnh vực BCVT giai đoạn 2004 đến nay luôn có tốc độ tăng trưởng cao, ổn định từ 15% đến trên 20%, nộp 8% ngân sách hàng năm của quốc gia. Đây cũng là ngành tiên phong đi thẳng vào ứng dụng công nghệ hiện đại của thế giới, đạt hiệu quả cao trong kinh tế, giải quyết hàng trăm ngàn việc làm, tham gia đầu tư trực tiếp ra nước ngoài thành công.

Song song với đó là mạng lưới và hạ tầng BCVT đã đến được trên 97% vùng núi, vùng sâu, biên giới hải đảo (Đảo Trường Sa đã có sóng di động, sóng phát thanh - truyền hình, đó là thành tựu rất lớn của ngành và lĩnh vực BCVT). Quyết định 32/2012/QĐ-TTg ngày 27/7/2013 xác định rõ: “Xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông hiện đại, an toàn, có dung lượng lớn, tốc độ cao và phủ sóng rộng đến vùng núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo góp phần đảm bảo QPAN và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân”. Mục tiêu đó đặt ra cho ngành thông tin - truyền thông và lĩnh vực BCVT những nhiệm vụ hết sức to lớn, chiến lược, lâu dài, toàn diện là đảm bảo cung cấp thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và đảm bảo QPAN. Chính phủ giao cho ngành TT-TT làm tốt công tác quy hoạch mạng lưới hạ tầng kỹ thuật BCVT; công tác kết hợp đảm bảo cho phòng thủ đất nước thông qua sự phối hợp với ngành quân sự và công an; công tác hội nhập quốc tế trong lĩnh vực BCVT để tranh thủ thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến của thế giới làm nền tảng cho hội nhập ở lĩnh vực kinh tế khác như: Thương mại, tài chính, ngân hàng, đầu tư, hợp tác lao động và những vấn đề toàn cầu. Tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, đào tạo nhân lực, triển khai các dịch vụ, quản lý BCVT, an toàn - an ninh thông tin, hội nhập quốc tế thông qua UPU, ITU, ISO…

Ngành TT-TT phải đi đầu trong bảo vệ lợi ích Quốc gia về tài nguyên tần số vô tuyến điện, về không gian vũ trụ vì mục tiêu kinh tế - chính trị - QPAN cũng như lợi ích khác của Quốc gia, dân tộc.

Đánh giá chung, mạng lưới hạ tầng BCVT ở nước ta hiện nay cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao dân trí và đảm bảo tốt phục vụ QPAN khi được huy động kể cả khả năng kết nối, tạo lập đường truyền, mạng chuyên dùng của ngành và cơ quan quân sự, cơ quan an ninh (công an).

Tại Phú Thọ, đến tháng 6/2013 có 282 điểm phục vụ bưu chính. Trong đó, 241 điểm bưu điện văn hóa xã, 19 bưu cục cấp 3, 12 bưu cục cấp 2, 4 đường thư cấp 2, 53 đường thư cấp 3; bán kính phục vụ là 3,2km/điểm, phục vụ 4500 người/điểm. Xe bưu chính đạt 12 chuyến/ngày với 600km đường đến 100% xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh. Hạ tầng viễn thông với 168 trạm chuyển mạch, 1464 trạm BTS (2G, 2,5G, 3G), 3 trạm BSC. 100% xã có cáp quang đi qua và 276/277 xã đã khai thác dịch vụ Internet, thoại, truyền số liệu trên hạ tầng này. Các vùng lõm đã có sóng vệ tinh và các trạm chuyển tiếp truyền hình, do đó cơ bản đáp ứng nhu cầu xem truyền hình của người dân trong tỉnh. Thuê bao điện thoại đạt 1.970.000. Thuê bao Internet đạt 13.640. Thuê bao truyền hình trả tiền là 55.400 thuê bao. Số xã có báo trong ngày là 277 xã (100%). Sóng truyền hình địa phương phủ đến trên 98% diện tích, cùng với các trạm vệ tinh và chuyển tiếp sóng phủ đến 100% diện tích, dân cư của tỉnh. Cổng GTĐT tỉnh được đầu tư và hoạt động phục vụ khá hiệu quả cho công tác thông tin, quản lý và dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước.

Các doanh nghiệp BCVT trên địa bàn như: Viễn thông tỉnh, Vinaphone, Mobiphone, Viettel, VTC, FPT, Bưu điện tỉnh, Bưu chính Hợp Nhất, SCTV, VTV cáp… đã đầu tư hạ tầng mạnh mẽ và không ngừng tăng cường số lượng và chất lượng các dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý. Việc thực hiện quy hoạch phát triển hạ tầng mạng viễn thông đến năm 2020, Quy hoạch phát triển BCVT đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020 được triển khai hiệu quả, cơ bản về trước thời gian. Tốc độ ngầm hóa có chuyển biến ở đô thị như Việt Trì, thị xã Phú Thọ, Phù Ninh, Lâm Thao, thị trấn Thanh Sơn và các cụm, khu công nghiệp, khu đô thị. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin Nhà nước được thực hiện tốt. Số vụ việc phá hoại, lấy trộm thiết bị, tấn công mạng, tình trạng thông tin gián đoạn rất ít xảy ra. Công tác bảo mật được triển khai ở các cơ quan Nhà nước nghiêm túc. Hầu hết các tài liệu mật của tỉnh, Nhà nước, đơn vị được thực hiện bảo quản theo quy chế, có đầu tư kết nối tính đến phương án an toàn và an ninh thông tin. Các dữ liệu và thông tin quan trọng cần bảo mật thì không kết nối qua Internet.

Hàng năm, Sở TT&TT, Công an tỉnh, các cơ quan chức năng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đều có phối hợp trong công tác đảm bảo an toàn và an ninh thông tin trong nhiệm vụ kinh tế, QPAN.

Trên địa bàn tỉnh, mạng thông tin quân sự, mạng thông tin an ninh (công an) kết hợp với mạng thông tin dân sự đảm bảo vững chắc, toàn diện, kịp thời cho thông tin phục vụ cho khu vực phòng thủ của tỉnh, đảm bảo cho địa phương luôn ổn định để phát triển. Hàng ngày, hạ tầng viễn thông, bưu chính đã chuyển tải đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị đầy đủ các thông tin, các dịch vụ, phục vụ cho nền kinh tế, dân sinh, cho quản lý điều hành của cơ quan Nhà nước, phòng chống thiên tai, thảm họa và củng cố vững chắc khu vực phòng thủ.

Tuy nhiên, mạng lưới hạ tầng BCVT trong phát triển và phục vụ kinh tế - xã hội, QPAN ở tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế. Đầu tư mạng lưới hạ tầng còn chưa đồng bộ, công trình ngầm hóa ít, chủ yếu trên mặt đất và bám dọc đường giao thông dễ bị lộ và đánh phá khi có chiến tranh. Một số địa phương chưa gắn phát triển hạ tầng BCVT với hạ tầng kinh tế khác. Công tác đảm bảo an toàn hạ tầng, an toàn, an ninh thông tin ở một số đơn vị chưa được coi trọng đúng mức. Việc kiểm soát thiết bị đầu tư chống lại âm mưu của thế lực thù địch còn hạn chế, nhất là thiết bị thông tin đầu cuối, thiết bị thông minh. Việc kết nối Internet có nơi còn chủ quan dễ lộ, lọt thông tin. Thông tin mạng có khâu quản lý chưa chặt chẽ.

Giai đoạn tới, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của tỉnh Phú Thọ nhiệm kỳ 2011-2015, công tác phát triển hạ tầng mạng lưới cung cấp dịch vụ BCVT phục vụ kinh tế và QPAN của tỉnh cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách sau:

Triển khai đầy đủ, kịp tiến độ việc đầu tư phát triển mạng lưới và hạ tầng BCVT theo quy hoạch của tỉnh Phú Thọ, đầu tư đồng bộ cả mạng thông tin hữu tuyến, vô tuyến, vệ tinh. Sở TT&TT kịp thời có hướng dẫn việc đầu tư mua sắm thiết bị đạt chuẩn và kiểm soát xuất xứ, kiểm duyệt thiết bị đầu cuối để tránh thế lực thù địch xâm nhập hệ thống. Dự phòng các phương án bị phá hoại do kẻ địch, do thiên tai, do bị hỏng hóc để có thể phục vụ tốt các nhiệm vụ QPAN khẩn cấp khi cần. Có phương án điều chỉnh một số tuyến cáp độc lập dễ sửa chữa. Không gắn các đường cáp dọc theo các trục đường giao thông đường bộ và đường sắt để nếu có chiến tranh không bị thiệt hại nặng.

Triển khai Kế hoạch của tỉnh về thực hiện Chỉ thị 28/CT-TW ngày 16/9/2013 của Ban bí thư TW, Nghị định 72/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng để phát triển mạng lưới và hạ tầng BCVT gắn chặt với đảm bảo an ninh Quốc gia trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, QPAN.

Tại các trung tâm kinh tế chính trị của tỉnh, huyện và các trọng điểm của khu vực phòng thủ, cần phối hợp chặt chẽ giữa quy hoạch, đầu tư mạng lưới hạ tầng với đảm bảo công tác quốc phòng của tỉnh và Quân khu II, như địa bàn Việt Trì, thị xã Phú Thọ, Thanh Ba, Lâm Thao, Phù Ninh, Thanh Sơn, Cẩm Khê, Yên Lập… Kiểm soát sự can nhiễu sóng tần số, tính bảo mật và an toàn hạ tầng thông tin, thuận lợi trong kết nối phục vụ cho tác chiến phòng thủ khi có chỉ đạo. Chủ động trong đầu tư để có thể phòng tránh, ngụy trang, sơ tán dễ, nhanh; duy trì liên tục trong mọi tình huống, kể cả khi địch tiến hành chiến tranh thông tin, tác chiến điện tử công nghệ cao, chế áp mạnh.

Có kế hoạch đào tạo, thu hút, tạo điều kiện cho đội ngũ nhân lực công nghệ cao phục vụ cho việc đảm bảo an toàn hệ thống, an ninh thông tin. Xử lý các biện pháp kỹ thuật để phòng ngừa, ngăn chặn xâm nhập tấn công của địch qua hạ tầng thông tin BCVT. Sở TT&TT phối hợp với Công an tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh trong tham mưu, vận hành và sử dụng nguồn nhân lực này.

Định hướng và ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư mạng truyền dẫn băng thông rộng, tốc độ cao; đầu tư vào các vùng núi khó khăn, đầu tư vào các điểm bưu điện văn hóa xã để mạng lưới được mở rộng, kinh tế - xã hội có điều kiện phát triển đồng bộ tạo thế và lực trong chiến lược phòng thủ đất nước và tỉnh.

Tích cực thu hút các nguồn lực để nhanh chóng đưa thông tin về cơ sở, nhất là vùng khó khăn, ATK tạo ra điều kiện tốt nhất để đảm bảo thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc từ cơ sở. Điều này chỉ có thể làm tốt nếu tiếng nói của Đảng, chính quyền được chuyển tải nhanh, trực tiếp, an toàn đến mỗi người dân thông qua hệ thống mạng lưới và hạ tầng thông tin BCVT. Phấn đấu mỗi năm đầu tư 150 tỷ từ các nguồn cho phát triển mạng lưới và hạ tầng BCVT ở tỉnh.

Cùng với hạ tầng giao thông, điện lực; hạ tầng và mạng lưới BCVT giữ vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo QPAN của tỉnh. Thực hiện tốt những mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ và các giải pháp trên cũng là thực hiện phát triển bền vững ngành TT&TT tỉnh Phú Thọ trước mắt và lâu dài.