Hội thảo khoa học “Vai trò của báo chí trong việc giảm thiểu tác động của biến đổi khi hậu”

Trong 2 ngày 24 và 25/4/2013, tại Thành phố Cần Thơ, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với Viện KAS (Cộng hòa Liên bang Đức) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Vai trò của báo chí trong việc ngăn chặn và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”. Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng đã tới dự và phát biều chào mừng.

img

Toàn cảnh Hội thảo.

Hội thảo quy tụ hơn 70 đại biểu là các cơ quan báo chí, lãnh đạo một số ngành Trung ương, địa phương và các chuyên gia đến từ Viện KAS. Đây là dịp để các nhà báo, cơ quan báo chí và các chuyên gia cùng chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp trong lĩnh vực truyền thông khi viết về biến đổi khí hậu, đồng thời thảo luận, phân tích vai trò của báo chí trong việc ngăn chặn và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, cũng như những khuyến nghị nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ những người làm báo viết về lĩnh vực này ở Việt Nam.

Biến đổi khí hậu đang là vấn đề thách thức mang tính toàn cầu của mỗi quốc gia, nó tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới. Việt Nam được đáng giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó đồng bằng Sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới bị tổn thương nhất do nước biển dâng. Theo kịch bản về biến đổi khí hậu, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam tăng khoảng 2 – 3 độ C. Tổng lượng mưa trong năm và lượng mưa mùa mưa tăng, trong khi đó lượng mưa mùa khô lại giảm và mực nước biển có thể dâng cao từ 75cm đến 1m và như vậy sẽ có khoảng 40% diện tích đồng bằng Sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng Sông Hồng và khoảng 3% diện tích các tỉnh, thành ven biển bị ngập, hậu quả sẽ có cả triệu người dân phải di dời.

Tại Hội thảo, có 8 tham luận và gần 20 lượt ý kiến thảo luận của các cơ quan báo chí và các chuyên gia của một số cơ quan nghiên cứu về biến đổi khí hậu được trình bày như: Tác động của biến đổi khi hậu đối với đời sống con người (báo Nhân dân); Kinh nghiệm điều tra, đưa tin về tác động của biến đổi khí hậu (báo Hà Nội mới); Báo đưa tin về ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn (báo Sài Gòn Giải phóng); Hợp tác của các nhà báo trong việc đưa tin về ngăn chặn và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (Đài Tiếng nói Việt Nam); Những cảnh báo về việc phát triển kinh tế thiếu bền vững đối với biến đổi khí hậu (Đài Truyền hình Cần Thơ); Biến đổi khí hậu – Những tác động tới sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam và vai trò của báo chí (báo Tài nguyên và Môi trường) ...

Đánh giá về vai trò của báo chí đối với việc ngăn chặn, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, nhiều đại biểu cho rằng, thời gian qua báo chí khi viết về đề tài này mới chỉ dừng lại ở mức nêu vấn đề (phần nổi) với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến môi trường, tài nguyên, đời sống con người... Chưa đi sâu phân tích sự kiện, phản biện chính sách, tìm hiểu nguyên nhân, cách thức ứng phó, nhận định mang tính dự báo, hay phân định rạch ròi giữa biến đổi khí hậu với những vấn đề khác của môi trường, tránh tình trạng “trăm dâu đổ đầu biến đổi khí hậu” như ý kiến của Tiến sỹ Lê Anh Tuấn – Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ. Nguyên nhân của những hạn chế trên, không ít đại biểu cho rằng: hiện nay, các khoa đào tạo phóng viên của các trường đại học chủ yếu dạy lý thuyết, các thể tài báo chí chung chung mà chưa đào tạo chuyên ngành cho phóng viên chuyên viết về lĩnh vực cụ thể như ở các nước tiên tiến. Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng, chính quyền các cấp chưa được đầy đủ, thiếu thông tin, công cụ, kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu... tất cả đã làm hạn chế đến công tác truyền thông trong lĩnh vực này.

Đề xuất cho những kế hoạch tới, nhà báo Nguyễn Văn Ngọc – Đài Truyền hình Cần Thơ đề nghị: Các cơ quan chức năng cần chủ động cung cấp thông tin, có người phát ngôn về biến đổi khí hậu để thiết lập 2 chiều giữa nhà báo, nhà khoa học và nhà quản lý đồng thời cử phóng viên chuyên trách về biến đổi khí hậu. Nhà báo Phạm Duy Hưng (Đài Tiếng nói Việt Nam) đề nghị các cơ sở đào tạo báo chí cần có những chương trình đào tạo chuyên sâu về truyền thông biến đổi khí hậu, mở các lớp tập huấn kỹ năng truyền thông với sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ và các chuyên gia trong lĩnh vực khí tượng thủy văn. Cùng chia sẻ kinh nghiệm, Nhà báo Sáu Nghệ (báo Tiền Phong) cho rằng: trước những thông tin trái chiều, còn gây tranh cãi từ các nhà khoa học về những vấn đề của biến đổi khí hậu thì người phóng viên cần có bản lĩnh nghề nghiệp, kết hợp với việc đi thực tế. 

 Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Văn Kiệt – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ mong muốn: Việc tuyên truyền đúng và đủ, chuyển tải được những bài học kinh nghiệm, những công nghệ, mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu cần được tăng cường, đặc biệt là tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thấy rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình, từ đó tích cực và chủ động hơn trong việc bảo vệ khí hậu trái đất.
 

Nguồn: Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Cần Thơ