Sửa Luật Xuất bản: Quy định rõ hơn về xuất bản điện tử

Luật Xuất bản hiện hành chỉ quy định về hoạt động xuất bản điện tử trong một điều luật. Dự thảo sửa đổi, bổ sung đưa ra một số quy định mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết.

img

Sáng 30/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son thay mặt Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi).

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông- cơ quan soạn thảo luật, cần sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản vì 3 nguyên nhân chính. 

Thứ nhất, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, góp phần hình thành xuất bản phẩm  điện tử với nhiều hình thức đa dạng (internet, điện thoại di động, máy tính bảng,…) trong khi Luật hiện hành chỉ quy định về hoạt động xuất bản này trong một điều luật. Luật sửa đổi sẽ khắc phục hạn chế và đảm bảo tính linh hoạt trong quản lý hoạt động xuất bản mới này.

Thứ hai, việc quản lý các cơ sở in không cùng một khung pháp lý, dẫn đến nạn in lậu, in trái phép xuất bản phẩm có nội dung xấu, xâm phạm bản quyền tác giả.

Thứ ba, dự luật sửa đổi sẽ khắc phục những khó khăn trong điều chỉnh và quản lý hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm của các cơ sở phát hành…

Để khắc phục những hạn chế của Luật Xuất bản hiện hành, dự thảo bổ sung một số chính sách cụ thể về hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ - kỹ thuật tiên tiến cho các nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành theo một số nhiệm vụ, đối tượng, địa bàn cụ thể.

Đồng thời, dự thảo quy định chính sách ưu đãi về tiền thuê nhà, đất; về thuế, lãi suất vay vốn theo quy định của pháp luật cũng như hỗ trợ kinh phí đào tạo áp dụng đối với từng lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm.

Về tổ chức và hoạt động xuất bản, dự luật sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến các nội dung thành lập và hoạt động của nhà xuất bản; quyền và trách nhiệm của lãnh đạo nhà xuất bản, biên tập viên nhà xuất bản; đăng ký xuất bản; liên kết trong hoạt động xuất bản; xuất bản phẩm cần phải thẩm định nội dung; xuất bản tài liệu không kinh doanh; xuất bản xuất bản phẩm điện tử;...

Về loại hình tổ chức của nhà xuất bản, dự thảo luật quy định "nhà xuất bản tổ chức và hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước là chủ sở hữu". Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đây là hai loại hình nhà xuất bản đã được cân nhắc dựa trên quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định về đơn vị sự nghiệp hiện nay.

Đối với việc quản lý nhà xuất bản điện tử và  ấn phẩm xuất bản định tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết xuất bản điện tử đã xuất hiện và đang phát triển mạnh mẽ, còn có nhiều thay đổi khó dự báo trong thời gian tới, trong khi kinh nghiệm quản lý của Việt Nam về  vấn đề này còn hạn chế. Do đó, dự thảo lần này mới dừng lại ở một số quy định mang tính nguyên tắc liên quan đến việc xuất bản xuất bản phẩm điện tử và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này để bảo đảm tính linh hoạt trong quản lý nhà nước.

Tại Kỳ họp này, vào các ngày 4/5 và 18/6, Quốc hội sẽ thảo luận lần lượt ở tổ và  tại hội trường về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi).

Nguồn: Theo Chinhphu.vn