Hút thuốc nơi công cộng: Luật cấm nhưng khó xử lý

Khoản 7, Điều 2, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định: Địa điểm công cộng là nơi phục vụ chung cho nhu cầu của nhiều người. Việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng là để cho những người xung quanh không bị hút thuốc lá thụ động.

tl2017-23.jpg
Ảnh minh họa Internet

Tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Chính phủ đã quyết định tăng mức phạt đối với một loạt các hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng. Theo khoản 1, điều 20 của nghị định, hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng, gấp 10 lần mức phạt được quy định trước đây. Nghị định đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-2-2017.

Hút thuốc lá thụ động cũng là một nguy cơ lớn ảnh hưởng tới sức khỏe. Khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy độc hơn khói thuốc do người hút hít vào vì có chứa nhiều chất độc hại hơn gấp 26 lần do cháy ở nhiệt độ cao và không qua bộ phận lọc. Khói thuốc thụ động là một trong các tác nhân gây nên nhiều bệnh như: tim mạch, phổi, làm giảm các chức năng hô hấp và ảnh hưởng tới chức năng sinh sản của cả nam và nữ. Do đó, quy định về cấm hút thuốc lá nơi công cộng là rất cần thiết.

Tuy vậy, thực tế hiện nay không khó để bắt gặp người hút thuốc lá nơi công cộng như tại các địa điểm vui chơi, bến xe, cổng trường học, hút thuốc khi dừng đèn đỏ, hoặc thậm chí vừa giao thông trên đường vừa hút thuốc…

Vẫn còn tình trạng vô tư nhả khói nơi công cộng như vậy là do nguyên nhân chủ yếu từ ý thức của người hút thuốc và do chưa có cơ chế giám sát, xử lý đủ mạnh đối với những đối tượng hút thuốc.